Vụ nhà báo Khashoggi bị ám sát: EU tung đòn trừng phạt Arab Saudi

Liên minh châu Âu (EU) hôm 20/11 đã bắt đầu gây sức ép đối với chính quyền Arab Saudi nhằm tìm kiếm công lý cho nhà báo bị sát hại Jamal Khashoggi - dù cho giới lãnh đạo trong khối này vẫn chưa chính thức lên tiếng về vụ việc.

Biểu tình lên án vụ ám sát nhà báo Khashoggi vẫn diễn ra tại nhiều quốc gia châu Âu. (Nguồn: Reuters).

Đòn trừng phạt từ EU

Trong hôm thứ Ba, Đức là nước đầu tiên có phát súng khai màn khi tuyên bố sẽ áp đặt trừng phạt đối với 18 công dân Arab Saudi, không cho những người này đi vào lãnh thổ của nước họ và khu vực tự do đi lại Schengen, liên quan tới mối quan hệ của những người này với vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi - theo Ngoại trưởng Đức Heiko Maas.

Ngoại trưởng Maas cho hay, động thái trên “được phối hợp chặt chẽ với” Pháp và Anh, và toàn bộ EU bởi họ đang mong muốn nắm được thêm thông tin về vụ sát hại nhà báo Khashoggi xảy ra hồi tháng trước tại Lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính quyền Berlin “đã quyết định rằng Đức nên áp đặt lệnh cấm đi vào lãnh thổ đối với 18 công dân Arab Saudi, những người được cho là có liên hệ với vụ việc”- ông Maas nói trước báo giới.

“Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Liên minh châu Âu trong vấn đề này”- Ngoại trưởng Maas phát biểu trước báo giới bên lề một cuộc họp các Bộ trưởng EU ở Brussels, Bỉ - “Hồi cuối tuần trước, chúng tôi từng nói rằng sẽ có các bước đi sâu hơn nhằm làm rõ vụ việc này”.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng nói rằng đất nước ông sẽ sớm áp đặt các đòn trừng phạt đối với Arab Saudi liên quan tới vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi. “Chúng tôi sẽ nhanh chóng áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nhằm vào Arab Saudi, dựa trên những điều mà chúng tôi biết về vụ việc”- ông Le Drian nói trên Đài phát thanh Europe 1.

Vụ ám sát nhà báo Khashoggi cùng những lời giải thích gượng gạo mà chính quyền Riyadh đưa ra đã khiến các đối tác phương Tây phẫn nộ, làm dấy lên tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Arab Saudi - một nước cung cấp dầu mỏ quan trọng và là đồng minh của Mỹ trong cuộc đối đầu với Iran.

Hồi tuần trước, Mỹ cũng tuyên bố áp đặt trừng phạt đối với 17 công dân Arab Saudi liên quan tới vụ ám sát này. Khu vực tự do đi lại Schengen được hình thành bởi 22 nước thành viên EU và 4 nước phi thành viên. Anh hiện không phải một phần của Hiệp ước này, nhưng lại chia sẻ thông tin tình báo thông qua Hệ thống Thông tin Schengen (SIS) vì các mục đích hành pháp.

Gia tăng sức ép

Bất chấp sức ép ghê gớm từ cộng đồng quốc tế, Quốc vương Salman của Arab Saudi đến nay vẫn chưa đưa ra bình luận cụ thể nào kể từ khi vụ ám sát xảy ra. Thay vào đó, ông tiếp tục thể hiện sự ủng hộ đối với con trai mình là Thái tử Mohammad bin Salman, và không nhắc đến các cáo buộc cho rằng Thái tử là người ra chỉ thị ám sát.

Thay vào đó, trong bài phát biểu chính trị thường niên của mình hôm 20/11, Quốc vương Salman chỉ nhắc tới các ưu tiên của nước nhà trong những năm tới, tập trung vào các vấn đề như cuộc chiến ở Yemen, tình hình an ninh của người Palestine, sự bình ổn của thị trường dầu mỏ thế giới, đối phó với nước địch thù Iran và tạo công ăn việc làm.

Khashoggi, một tay viết cộng tác cho tờ The Washington Post của Mỹ, là người thường xuyên lên tiếng chỉ trích Thái tử Salman. Ông bị ám sát ngay sau khi đi vào Lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để hoàn tất thủ tục tổ chức đám cưới với vị hôn thê người Thổ.

Theo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ, một đoạn băng ghi âm mà họ thu được đã chứng tỏ rằng ông Khashoggi bị sát hại và phân xác thành nhiều mảnh ngay sau khi đi vào Lãnh sự quán. Trong khi đó, chính quyền Riyadh đưa ra nhiều câu chuyện khác nhau, ban đầu nói rằng ông Khashoggi đã rời khỏi Lãnh sự quán, và sau đó lại nói ông đã bị chết trong một vụ ẩu đả.

Trong phiên bản câu chuyện mới nhất, giới công tố Arab Saudi nói rằng, một đội đặc vụ gồm 15 thành viên được lệnh tới Istanbul để mang ông Khashoggi trở về nước, nhưng thay vào đó đã giết hại ông. Chính quyền Riyadh sau đó buộc tội 11 người và sa thải 5 quan chức - trong đó có 2 người thân cận với Thái tử Salman.

Trong khi đó, các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt hồi đầu tháng này nhằm vào một số cố vấn hàng đầu của Thái tử Salman, đóng băng tài sản của họ và cấm các công ty của Mỹ được làm ăn với những người này.

“Chúng tôi ủng hộ hành động của Mỹ. Chúng tôi nêu rõ ràng rằng, chúng tôi cần phải đem những kẻ đứng sau vụ việc này chịu trách nhiệm”- một phát ngôn viên của Chính phủ Anh hôm 20/11 tuyên bố - “Các đòn trừng phạt được thực thi phối hợp. Chúng tôi đang cùng với các đối tác EU đưa ra thêm các biện pháp trừng phạt khác nhằm vào Arab Saudi liên quan tới hành động vi phạm nhân quyền này”.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/vu-nha-bao-khashoggi-bi-am-sat-eu-tung-don-trung-phat-arab-saudi-tintuc423209