Vụ nhà báo Jamal Khashoggi: Mỹ điểm đúng huyệt Saudi?

Uy tín của Thái tử Saudi Arabia liên tục bị ảnh hưởng sau vụ nhà báo tử vong trong lãnh sự quán.

Kênh truyền hình nhà nước Saudi Arabia al-Ekhbariya dẫn lời Tổng Chưởng lý Saudi Arabia Saud al-Muajib cho biết, vụ giết nhà báo Jamal Khashoggi là cố ý và đã được sắp đặt.

"Các nghi phạm trong vụ giết hại Khashoggi đã phạm tội một cách cố ý" - Tổng Chưởng lý tuyên bố.

Saudi Arabia thừa nhận , vụ giết nhà báo Jamal Khashoggi được lên kế hoạch từ trước.

Ông al-Muajib cũng nhấn mạnh rằng, cơ quan công tố nước này vẫn đang thẩm vấn các nghi phạm có liên quan đến vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi tử vong trong tòa Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc điều tra được dựa trên thông tin tin cung cấp bởi lực lượng điều tra phối hợp Thổ Nhĩ Kỳ - Saudi Arabia.

Bộ trưởng Tư pháp Saudi Saud al-Mojeb công bố những phát hiện mới nhất trong cuộc điều tra chung giữa Thổ Nhĩ Kỳ- Saudi Arabia. Trong đó dẫn thông tin từ các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ rằng, các nhà điều tra tìm được bằng chứng "chỉ ra các nghi phạm đã hành động theo kế hoạch được tính toán trước".

Các điều tra viên Thổ Nhĩ Kỳ cũng tung ra các bằng chứng khẳng định điều này.

Hàng loạt cơ quan thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ đăng tải hình ảnh chiếc xe BMW mang biển ngoại giao của Saudi Arabia, do camera an ninh gần cổng vào khu rừng xung quanh thành phố Istanbul chụp lại.

Chiếc BMW màu xám mang biển số xanh lá cây đã đi qua cổng rừng Belgrade vào lúc 6 giờ 28 phút ngày 1/10 vừa qua, chỉ 1 ngày trước khi ông Khashoggi bị ám sát trong tòa nhà Lãnh sự quán của Saudi Arabia tại Istanbul.

Chiếc xe được cho là đi "do thám" khu rừng để sắp đặt một kịch bản ám sát.

Chiếc BMW của Lãnh sự Saudi Arabia tại Istanbul đi qua cổng rừng Belgrade

Trước đó, BBC đã dẫn các nguồn tin thân cận với cuộc điều tra cho rằng thi thể của ông Jamal Khashoggi đã được giấu ở trong rừng với sự hỗ trợ của "những người địa phương".

Một nguồn tin khác tới từ lãnh đạo đảng đối lập Thổ Nhĩ Kỳ lại cho biết, thi thể ông Jamal Khashoggi dường như được giấu dưới giếng bên trong lãnh sự quán Saudi Arabia.

Ngày 25/10, các quan chức điều tra Thổ Nhĩ Kỳ đã được phép khám xét bên trong khu vườn thuộc tổ hợp ngoại giao của Saudi Arabia.

Tờ Yeni Safak cho biết, các nhà điều tra đã hút cạn nước và đang chờ kết quả phân tích để xác định xem có bất kỳ dấu vết nào liên quan đến thi thể tại đây không.

Trong khi đó, tờ Sabah dẫn lời các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, Saudi Arabia chưa cho Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm ở giếng.

Hiện Saudi Arabia đã điều tra 18 nghi phạm có liên quan, 2 quan chức cấp cao đã bị sa thải.

Mới đây, các nguồn tin thân cận với cuộc điều tra từ phía Saudi Arabia cho biết, cựu trợ lý cấp cao của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman là Qahtani đã được cho là người chỉ đạo từ xa vụ sát hại Khashoggi.

Ban đầu, Qahtani buông lời mạt sát và sỉ nhục nhà báo Khashoggi. Song, ông Khashoggi cũng không chịu lép vế và đã lớn tiếng phản bác. Tuy nhiên, nhà báo Khashoggi đã không chống lại được đám đông đặc vụ được cử đến ám sát mình và bị tra tấn, giết hại dã mạn, rồi chặt xác phi tang.

Không rõ Qahtani có theo dõi toàn bộ diễn biến được truyền trực tiếp qua Skype hay không. Song, ông ta đã chỉ đạo cho các thuộc cấp phân xác Khashoggi.

Thân tín Thái tử Saudi được cho là đã chỉ đạo vụ ám sát và phân xác nhà báo Jamal Khashoggi.

Theo các nguồn tin, đoạn ghi âm cuộc gọi Skype của Qahtani hiện đang nằm trong tay Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Dẫu vậy, ông Erdogan hiện vẫn từ chối cung cấp nó cho người Mỹ trong lúc cả Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia đều đang tiếp tục điều tra vụ án.

Dù thông tin này chưa được Thổ Nhĩ Kỳ hay Saudi Arabia thừa nhận nhưng nó đã ảnh hưởng không ít đến danh tính của Thái tử Saudi.

Saudi Arabia lục đục nội bộ?

Ông Mohammed bin Salman đã bị "sốc" trước phản ứng của dư luận quốc tế về vụ nhà báo Jamal Khashoggi.

Trong phát biểu đầu tiên trước báo chí về vụ việc, ông cho rằng, vụ nhà báo bị giết là "tội ác ghê tởm", nhấn mạnh rằng vương quốc đang hợp tác với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.

Thái tử bin Salma bị ảnh hưởng uy tín nghiêm trọng sau vụ nhà báo Khashoggi

Tội ác này gây đau đớn cho tất cả người Arab Saudi. Nó cũng gây đau đớn và đáng ghê tởm với mọi người trên thế giới" - Thái tử Mohammed bin Salman nói.

Thái tử Saudi nói thêm: "Nhiều người đang cố gắng lợi dụng vụ Khashoggi để chia rẽ Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ... Nhưng miễn là Vua Salman và Thái tử Mohammed bin Salman còn ở đây thì họ sẽ không thành công".

Giới quan sát cho rằng, Thái tử Saudi Arabia dường như đang muốn ám chỉ tới những thế lực ngầm nội bộ trong chính vương quốc này, hòng mưu đồ lợi dụng vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi để ảnh hưởng đến hình ảnh "không tì vết" của ông trước đây.

Theo nhà phân tích chính trị Catherine Shakdam, không loại trừ một khả năng có thế lực nào đó đang gây sức ép với Thái tử Mohammed, buộc ông phải lùi bước về phía sau vũ đài chính trị.

Các thế lực này sẽ lấy lý do hình ảnh của ông bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau vụ Khashoggi, khiến không một nhà lãnh đạo thế giới nào thực sự muốn hợp tác với ông.

"Đó là những gì Quốc hội Saudi đang thảo luận, và đã có những nghị sỹ phát biểu, họ không muốn nhìn thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa Thái tử Mohammed và ngai vàng, thậm chí là một vị trí cấp cao nào đó trong chính phủ" - bà Shakdam cho biết.

Dẫu vậy, chuyên gia Shakdam nói vẫn cho rằng, "… hiện không ai tại Arab Saudi có đủ dũng khí để thực sự phản đối Thái tử, cũng như không một nhà lãnh đạo thế giới nào có lập trường đủ mạnh để làm điều đó".

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/vu-nha-bao-jamal-khashoggi-my-diem-dung-huyet-saudi-3367990/