Vụ người lao động đau ốm bị cảnh cáo: Luật sư chỉ ra 'lỗ hổng pháp lý' trong quyết định kỷ luật

Luật sư Vũ Văn Tuấn (Đoàn LS Hà Nội) nhìn nhận, khi xem xét kỷ luật bà Linh, Hội đồng kỷ luật Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch Đầu tư) không tách bạch các hành vi dẫn đến việc có thể nhầm lẫn bản chất vụ việc.

Như PLVN đã phản ánh, ngày 10/7/2018, bà Lê Hương Linh, nghiên cứu viên Ban Nghiên cứu tổng hợp, thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (NCQLKTTƯ) làm đơn xin nghỉ phép 3 ngày (từ ngày 24-26/7/2018) và được chấp thuận. Trước đó, ngày 21/7/2018, bà Linh đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám và được chẩn đoán bị trầm cảm, phải uống thuốc điều trị, bác sĩ chỉ định nghỉ làm ba tuần.

Tuy nhiên, bà Linh xấu hổ giấu bệnh nên hết ba ngày nghỉ phép, vừa bị sốt, vừa tâm lý bất an, bà nhờ người nhà gửi email thông báo nghỉ ốm đến Trưởng ban. Ngày 7/8/2018, bà Linh đi làm trở lại, ngày 26/10/2018 bị ban hành Quyết định kỷ luật “Cảnh cáo” vì đã có hành tự ý nghỉ việc và đi nước ngoài không xin phép, thời gian thi hành kỷ luật 12 tháng. Bà Linh sau đó có đơn khiếu nại gửi các cấp.

Trao đổi với PV, ông Đỗ Mạnh Khởi, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&ĐT) cho rằng theo pháp luật và quy định của Bộ KH&ĐT, khi đi nước ngoài phải làm đơn xin phép và được đồng ý bằng văn bản, nên thời gian vắng mặt tại cơ quan bị coi là nghỉ việc không lý do. Theo Nghị định số 27/2012/NĐ-CP về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức thì bà Linh thuộc trường hợp nghỉ việc không có lý do từ 5 đến dưới 7 ngày liên tiếp mà không có lý do chính đáng và hình thức kỷ luật tương ứng là “Cảnh cáo”. Do đó, Viện NCQLKTTƯ áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo là đúng.

Về bằng chứng sổ khám bệnh bà Linh cung cấp trong đó có chỉ định nghỉ làm 3 tuần của bác sĩ, ông Khởi nói khi bà Linh đi làm trở lại không cung cấp các chứng cứ ngay mà đợi đến khi cơ quan lập Hội đồng kỷ luật (HĐKL) mới đưa ra nên Vụ không cần xác minh chứng cứ này. Ông Khởi cũng cho rằng lý do bà Linh đưa ra về việc chậm cung cấp sổ khám bệnh “vì lo sợ bị dị nghị bởi mắc bệnh trầm cảm” là “không thuyết phục”. Vẫn theo ông Khởi, trường hợp bị ốm vẫn phải báo cáo, làm đơn xin nghỉ, trong khi ngày nay phương tiện liên lạc không khó và bà Linh bị bệnh chưa tới mức “bất tỉnh nhân sự”.

Về đề nghị của bà Linh là HĐKL phải tách bạch lý do xem xét kỷ luật bà đối với hai hành vi tự ý nghỉ việc không có lý do và đi nước ngoài không xin phép cũng như căn cứ, hình thức kỷ luật đối với từng hành vi vi phạm, ông Khởi nói rằng đó là yêu cầu của cá nhân, còn HĐKL khi xem xét kỷ luật phải đánh giá tổng thể.

Trong khi đó, phía bà Linh lập luận: Bà nhờ người thân thông báo qua email đến thủ trưởng quản lý trực tiếp đã là hình thức báo cáo hợp pháp. Sau khi đi làm trở lại, bà đã cung cấp hồ sơ bệnh án chứng minh việc ốm đau theo quy định của Luật Lao động. Trong thời gian nghỉ ốm, bà được người thân đưa đi nước ngoài để khuây khỏa tinh thần. Việc bà đi nước ngoài là chưa đúng quy định của cơ quan. “Tôi không trốn tránh trách nhiệm, nhưng HĐKL lấy lý do này để quy kết tôi nghỉ việc không có lý do chính đáng là chưa khách quan”, bà Linh nói.

Luật sư Vũ Văn Tuấn (Đoàn LS Hà Nội) nhìn nhận, khi xem xét kỷ luật bà Linh, HĐKL không tách bạch các hành vi dẫn đến việc có thể nhầm lẫn bản chất vụ việc. Chưa hết, theo Luật sư Tuấn: “Bà Linh không tự ý nghỉ việc mà là nghỉ quá thời hạn cho phép của cơ quan. Khi xem xét kỷ luật, HĐKL đã xử lý theo hướng “cộng dồn” các hành vi dẫn tới áp dụng các quy định theo hướng bất lợi cho bà Linh”.

Cũng theo Luật sư Tuấn, trong Luật viên chức, Bộ luật Lao đông và tại khoản 3 Điều 3 Quyết định 1039 của Bộ KH&ĐT (một trong những căn cứ để kỷ luật bà Linh) cũng không có quy định nào gộp hai hành vi tự ý đi nước ngoài và nghỉ việc không xin phép làm một.

“Việc bà Linh tự ý đi nước ngoài không xin phép thì bà Linh sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi này. Đối chiếu Nghị định 27/2012/NĐ-CP thì hành vi tự ý đi nước ngoài không thuộc các trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức “cảnh cáo” như quyết định kỷ luật đã áp dụng. Hơn nữa, theo thông tin bà Linh cung cấp, việc đi nước ngoài có liên quan tới bệnh tình của bà. Do đó, theo tôi việc nghỉ quá thời gian nêu trên của bà Linh thuộc trường hợp nghỉ việc có lý do chính đáng. Vì vậy, việc Viện áp dụng hình thức kỷ luật “cảnh cáo” với lý do tự ý nghỉ việc và đi nước ngoài không phép là chưa đảm bảo quy định pháp luật”, Luật sư Tuấn nói.

M.Long

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/vu-nguoi-lao-dong-dau-om-bi-canh-cao-luat-su-chi-ra-lo-hong-phap-ly-trong-quyet-dinh-ky-luat-442149.html