Vụ người lạ bôi mặt, cầm đầu gà ăn xin: Cảnh giác những trò bịa đặt xấu xí

Với ưu điểm là nơi kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin nhanh, rộng, ngày càng có nhiều người sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, sự kiểm chứng thật – giả lại là một hạn chế lớn. Thực tế, đã xảy ra rất nhiều vụ việc thông tin không chính xác được đăng tải, gây tâm lý hoang mang cho người dùng.

 Mới đây nhất là thông tin nhóm người mặt đen, ăn mặc kỳ quái, tay cầm xúc xích, đầu gà… đi xin tiền của người dân trên địa bàn Hà Nội

Mới đây nhất là thông tin nhóm người mặt đen, ăn mặc kỳ quái, tay cầm xúc xích, đầu gà… đi xin tiền của người dân trên địa bàn Hà Nội

Không chỉ ngụy trang kỳ dị, mà theo thông tin chia sẻ, nhóm người còn có một số hành động như: ngậm đồ ăn khiến hai má phồng lên khi đi xin tiền…

Tuy nhiên, một lãnh đạo Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hà Đông, Hà Nội, khẳng định: “Thông tin có một nhóm “ninja đen” lan truyền trên mạng xã hội là không chính xác, thực chất chỉ có 1 người”

Hiện, lực lượng chức năng đang truy tìm người đàn ông mặt đen, có biểu hiện không bình thường về tâm lý để điều tra sự việc. Không chỉ có ở Hà Nội, tại một số tỉnh như: Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Dương,… cũng xuất hiện tình trạng này

Sáng 6-12, lãnh đạo Công an huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, cho biết đơn vị đã xác minh được người đàn ông bôi mặt đen, mặc quần áo màu đen, đứng trước cổng trường mầm non. Đó là Đặng Như C (19 tuổi), C xúi giục nam thanh niên tên X (17 tuổi, cùng trú tại xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà) đóng giả làm người đàn ông mặt đen, sau đó chụp ảnh đăng lên Facebook cá nhân “Bin Bảnh” để thu hút sự tương tác

Trước đó, vào ngày 16-9, trang Facebook cá nhân Hoàng Thanh Huyền đăng tải thông tin “vi khuẩn ăn thịt người” khiến nhiều người hoang mang

Dòng trạng thái đã được chia sẻ rất nhiều, gây xôn xao dư luận địa phương. Ngay sau đó, Sở Y tế Quảng Bình đã xác minh không có trường hợp vi khuẩn ăn thịt người vào điều trị tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới và các bệnh viện khác trên địa bàn tỉnh

Qua điều tra, thông tin đăng tải trên Facebook của Hoàng Thanh Huyền là không đúng sự thật. Huyền khai nhận đã nghe kể lại và đăng lên trang cá nhân mà không có sự kiểm chứng

Phòng An ninh Chính trị nội bộ đã xử phạt Hoàng Thanh Huyền (23 tuổi, trú tại phường Bắc Nghĩa, TP Đồng Hới) 12,5 triệu đồng

Cũng trong tháng 9-2019, thông tin trên mạng xã hội Facebook: khu vực Phú Diễn, Mai Dịch, Lê Đức Thọ (Hà Nội) xuất hiện tình trạng người dân bị đánh thuốc mê Ketamin nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận

Công an Hà Nội đã vào cuộc và khẳng định đây là những thông tin không chính xác. Việc đăng tải nhằm mục đích câu like, câu view, gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân khu vực

Đồng thời, việc chất ma túy Ketamin được dùng làm thuốc mê cũng rất khó xảy ra. Vụ việc tiếp tục được lực lượng chức năng điều tra, làm rõ

Chiều 20-3-2019, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng cho biết đã quyết định xử phạt 10 triệu đồng đối với bà Trịnh Thị Huế (32 tuổi, trú tại TP Bảo Lộc, bán hàng online trên mạng) do đăng thông tin không đúng sự thật về việc thịt lợn nhiễm sán

Bà Huế thừa nhận việc đăng thông tin lên trang cá nhân là sai sự thật. Bà Huế đã lấy hình ảnh thịt lợn nhiễm sán có trên mạng rồi đăng tải cùng nội dung cảnh báo mọi người

Hay như vụ việc tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội về dịch tả lợn châu Phi nhằm mục đích câu like của trang Facebook "Đầm bầu thời trang Mami"

Cụ thể, chủ nhân của trang Facebook là bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa đã sử dụng hình ảnh thịt lợn bị nhiễm sán ở Bình Dương từ tháng 11-2018 để thông tin về dịch tả lợn. Ngoài ra, trang Facebook còn kêu gọi mọi người không sử dụng thịt lợn vì sẽ lây qua người

Tại buổi làm việc với Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, bà Nghĩa đã thừa nhận thông tin sai sự thật và phải chịu mức phạt 20 triệu đồng. Sau đó, trang Facebook đã đăng tải thông tin đính chính

Một vụ việc khác xảy ra vào dịp giáp Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019 khi trên mạng xuất hiện thông tin: Tỉnh Quảng Bình và các tỉnh lân cận đang lưu thông hơn 200 tỷ tiền giả mệnh giá 200.000 đồng, gây hoang mang dư luận địa phương

Sau quá trình điều tra, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Quảng Bình đã xác định Nguyễn Hải Đăng (31 tuổi, trú tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) là người đăng thông tin thất thiệt trên mạng. Tại cơ quan điều tra, Đăng khai nhận đã sao chép thông tin trên mạng và sửa thành “tỉnh Quảng Bình” sau đó đăng tải lên trang cá nhân

Nguyễn Minh (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/anh-vu-nguoi-la-boi-mat-cam-dau-ga-an-xin-canh-giac-nhung-tro-bia-dat-xau-xi/835460.antd