Vụ ngộ độc khí methanol ở Bắc Ninh dưới góc nhìn của chuyên gia đầu ngành chống độc

Việc tiếp xúc với methanol hàng ngày khiến lượng chất này được tích lũy trong cơ thể và lâu ngày dẫn đến ngộ độc khí methanol.

Ngộ độc methanol là gì? Methanol hay còn gọi là cồn công nghiệp, thường được sử dụng trong đời sống hàng ngày với nhiều công dụng khác nhau. Tuy nhiên tuyệt đối không được dùng cồn công nghiệp thay rượu uống, sát trùng. Bởi methanol là hóa chất độc tính cao với cơ thể, hóa chất này bay hơi, có thể hấp thu dễ dàng qua da, niêm mạc, qua đường hô hấp trong khi khả năng hấp thụ của các màng lọc than hoạt rất hạn chế.

Ngộ độc methanol diễn ra như thế nào?

Methanol dễ hấp thụ qua đường hô hấp, qua da hoặc đường tiêu hóa. Sau cơ thể tiêu thụ methanol, methanol sẽ chuyển hóa thành axit formic, sau đó thành formate gây tổn thương đến hệ thần kinh và thị giác. Thậm chí ngộ độc methanol có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Hình ảnh não bị tổn thương do ngộ độc khí methanol của một công nhân đã tử vong trong vụ ngộ độc ở Bắc Ninh.

Hình ảnh não bị tổn thương do ngộ độc khí methanol của một công nhân đã tử vong trong vụ ngộ độc ở Bắc Ninh.

Khi nạp một lượng lớn methanol vào cơ thể qua đường uống, phải mất nhiều giờ sau mới xảy ra các thay đổi trong máu, lúc này cơ thể chưa có biểu hiện gì.

Một tới hai ngày sau, cơ thể bắt đầu có những biểu hiện tổn hại đến thần kinh gây tổn thương não, mắt và có các triệu chứng: chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, hôn mê co giật, mất thị lực…

Đối với các trường hợp nhiễm độc cồn công nghiệp methanol tại Bắc Ninh, trong quá trình lao động, nhiều người không biết được cơ thể đang tiếp xúc với methanol hay không và không biết bản thân sẽ nhiễm độc.

Bên cạnh đó, không có cách nào có thể ngăn được methanol lan truyền trong không khí và hấp thụ qua đường hô hấp kể cả khi sử dụng đồ bảo hộ. Bởi lẽ, phần lớn các thiết bị bảo hộ đều không ngăn được methanol trừ thiết bị thở có bình dưỡng khí.

Những công nhân này hàng ngày tiếp xúc với methanol, quá trình tích lũy và chuyển hóa methanol trong cơ thể diễn ra chậm. Mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân liên quan đến nồng độ trong không khí, lượng tiếp xúc trên da, thời gian tiếp xúc dài hay ngắn, tần suất tiếp xúc…. Đến khi có những biểu hiện như giảm thị lực, đau bụng, buồn nôn… và nhập viện thì đã ở giai đoạn muộn.

Ngộ độc methanol có chữa được không?

Nếu được phát hiện kịp thời ở giai đoạn sớm, ngộ độc methanol có thể chữa khỏi. Trong số các công nhân nhiễm độc methanol, có 01 trường hợp phát hiện ở giai đoạn sớm tuy nồng độ methanol trong máu cao nhưng máu chưa có thay đổi gì, sau khi sử dụng thuốc giải độc và theo dõi đã có tiến triển tốt.

Tuy nhiên, đối với các trường hợp nhiễm độc methanol khi đã xảy ra rất dễ gây ra tổn thương không hồi phục hoặc kém hồi phục đặc biệt với hệ thần kinh (não và mắt) và thường sẽ để lại di chứng. Đa phần các bệnh nhân tổn thương não rất nặng. Tổn thương não do ngộ độc methanol gây ra có thể gấp nhiều lần so với tai biến mạch máu não.

Ngộ độc methanol rất dễ gây ra tổn thương không hồi phục hoặc kém hồi phục đặc biệt với hệ thần kinh.

Phòng tránh ngộ độc methanol

Để phòng tránh ngộ độc methanol trong hoạt động sản xuất, đầu tiên các cơ sở sản xuất cần lưu ý có rất nhiều hóa chất độc hại trong đó có methanol. Cần kiểm soát nguồn nhập, tránh sử dụng phải hàng giả (cồn sát trùng nhái, rượu pha cồn…) gây ảnh hưởng đến chất lượng nguyên vật liệu.

Về phía người lao động làm việc trong các lĩnh vực có sử dụng methanol như công nghiệp sản xuất sơn, dung môi công nghiệp, chất chống đông, nhiên liệu cho picnic như cồn khô, bếp lò nhỏ…; trong gia dụng như lau kính, lau chùi véc ni…; trong nông nghiệp: dung môi trong các chất bảo vệ thực vật…. cần xác định nơi nào có methanol, khi nào sử dụng methanol để có cách sử dụng an toàn.

Người lao động cần phải nắm được quyền lợi khi làm việc, được biết về việc tiếp xúc với các chất độc hại và nguy cơ nếu có để bảo vệ bản thân lao động an toàn. Nếu có nguy cơ gây ngộ độc cần kiểm tra điều kiện lao động đảm bảo an toàn, không để tiếp xúc trực tiếp với đường hô hấp, với da.

Theo lời kể của các bệnh nhân là công nhân, Công ty TNHH HSTECH Vina khoảng 1 tháng nay có sản xuất một sản phẩm mới, máy có sử dụng cồn phun để làm mát dao cắt, đồng thời, sản phẩm sau khi qua máy, được các công nhân cầm (tay có đeo găng cao su hoặc không đeo), nhúng sản phẩm vào bồn chứa cồn, dùng hơi xịt vào sản phẩm ướt cồn. Loại cồn công ty sử dụng được một người nhà bệnh nhân gửi tới Trung tâm chống độc xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol là 77,83%, không có ethanol.

Tổng số người nhiễm methanol là 35/106 người, trong đó 22 người chưa có triệu chứng; 08 người nhiễm độc methanol mức độ nhẹ chưa có tổn thương cơ quan, chưa có triệu chứng lâm sàng, chỉ có thay đổi trên khí máu động mạch mức độ nhẹ.

Số người nhiễm độc methanol mức độ nặng hoặc nguy kịch là 05 người, trong đó tử vong 01 người. Bệnh viện Bạch Mai tiên lượng di chứng mù là 04 người, di chứng nặng với não (rối loạn ý thức, rối loạn vận động,…) là 01 người.

Trong số 08 bệnh nhân nặng đang điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai có 03 bệnh nhân dưới 18 tuổi, 06 bệnh nhân là người dân tộc thiểu số.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vu-ngo-doc-khi-methanol-o-bac-ninh-duoi-goc-nhin-cua-chuyen-gia-dau-nganh-chong-doc-169230306225846014.htm