Vụ Navalny hôn mê: Đức gây sức ép với Nga về dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Thủ tướng Đức Angela Merkel phải đối mặt với sức ép ngày càng gia tăng về việc xem xét lại dự án Dòng chảy phương Bắc 2 với Nga sau vụ thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny nghi bị đầu độc.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp từ 12 nước châu Âu, trong đó khoảng một nửa là của Đức.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp từ 12 nước châu Âu, trong đó khoảng một nửa là của Đức.

Ngày 6/9, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer, hiện vẫn là Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), nêu rõ vấn đề trừng phạt dự án đường ống, vốn sẽ đưa khí đốt từ Nga tới Đức, sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác của Nga trong việc lãm rõ chính xác những gì đã xảy ra với ông Navalny.

Bà Kramp-Karrenbauer nói: "Tôi luôn nói rằng, với tôi, Dòng chảy phương Bắc 2 không phải là dự án hữu ích. Với tôi, điều chắc chắn là các lợi ích an ninh hợp pháp của các nước Trung-Đông Âu và Ukraine phải được quan tâm. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo phụ thuộc vào thái độ của phía Nga".

Trước đó, phát biểu với báo Hình ảnh Chủ Nhật (Bild am Sonntag), Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng đã đưa ra tuyên bố tương tự. Chính trị gia đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) nói: "Tôi hy vọng phía Nga sẽ không buộc chúng tôi phải thay đổi quan điểm đối với Dòng chảy phương Bắc 2".

Nhấn mạnh việc ngừng dự án gần như sắp hoàn tất sẽ gây tổn thất cho các công ty Đức và châu Âu, ông Mass nói thêm rằng ai yêu cầu việc ngừng dự án phải nhận thức được hậu quả, bởi dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp từ 12 nước châu Âu, trong đó khoảng một nửa là của Đức.

Theo Ngoại trưởng Đức, việc Moscow không hỗ trợ làm sáng tỏ vụ việc liên quan tới ông Navalny sẽ càng dẫn tới những nghi ngờ Chính phủ Nga liên quan tới vụ này.

Với những tuyên bố như trên, Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Đức muốn gây sức ép với Nga để làm sáng tỏ vai trò trong vụ nhân vật Navalny nghi bị đầu độc. Chính phủ Đức cho biết ông này bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok, tương tự như đã được sử dụng cho âm mưu ám sát một cựu điệp viên Nga ở Anh 2 năm trước.

Vụ việc đã khiến nhiều chính trị gia bảo thủ hàng đầu của Đức kêu gọi Thủ tướng Merkel đình chỉ dự án, trong khi bà Merkel từng nói không nên gắn dự án với vụ ông Navalny bị đầu độc, khẳng định đây là vấn đề rất nghiêm trọng mà chỉ Chính phủ Nga mới có thể trả lời và phải trả lời.

BQT

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vu-dau-doc-navalny-duc-gay-suc-ep-voi-nga-ve-du-an-dong-chay-phuong-bac-2-123166.html