Vụ nâng điểm ở Hà Giang cho thấy khâu cán bộ cần được xem trọng

Vụ án ông Vũ Trọng Lương nâng điểm 300 bài thi cho 114 thí sinh làm bàng hoàng dư luận cả nước. Đây là một vụ án gian lận thi cử đánh vào niềm tin của phụ huynh và học sinh. Từ đây, những lỗ hổng, kẽ hở của kỳ thi cần phải được phân tích thấu đáo, nghiêm túc để làm sao kỳ thi tốt lên, đảm bảo công bằng tuyệt đối cho các thí sinh, lập lại kỷ cương khoa cử.

Chuyên mục “Trò chuyện chủ nhật” tuần này đã có cuộc trao đổi với TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin của Bộ GD&ĐT, người đã song hành trọn vẹn 13 năm với kỳ thi “3 chung”. Ông cũng là người đầu tiên vẽ phổ điểm thi tốt nghiệp và đại học, từng được dư luận đặc biệt chú ý.

Phóng viên: Thưa ông, hiện vụ án nâng điểm thi tại Hà Giang đã được khởi tố. Đứng ở góc độ một chuyên gia tin học, ông nhìn nhận sự việc này như thế nào?

TS. Quách Tuấn Ngọc: Tôi ngạc nhiên là vụ Hà Giang, ông Vũ Trọng Lương phạm tội một cách trắng trợn, quy mô nâng điểm cực lớn. Nhưng chốt lại, sao lại xảy ra vụ này? Thời chúng ta thi tự luận, bài thi có phách, khi rọc phách thì không ai biết bài của ai, muốn tìm bài của cháu “a, b, c” khó có thể tìm được. Nhưng thi trắc nghiệm, phiếu trả lời trắc nghiệm không có phách, cứ “trần trụi” như thế nên việc tìm bài của thí sinh cực dễ.

Thêm nữa, bài thi trắc nghiệm chỉ khoanh khoanh mấy cái ô, nên cơ hội sửa bài cũng rất dễ. Việc rà soát các tỉnh khác đang đợi kết luận của cơ quan chức năng, nhưng nhân cơ hội này, chúng ta phải giải quyết triệt để những vướng mắc của kỳ thi.

Phải nói một cách công bằng là sự vào cuộc của Bộ GD & ĐT, Bộ Công an rất kịp thời, quyết liệt, nên đến nay dư luận xã hội hết sức hoan nghênh. Chúng ta mong chờ việc này không để lại dư âm xấu về cơ quan quản lý. Tuy nhiên, đây là một lời cảnh tỉnh răn đe sâu sắc đến các tỉnh khác và kỳ thi sau.

TS Quách Tuấn Ngọc đang trao đổi với PV Báo CAND.

PV: Thưa ông, nếu được so sánh giữa kỳ thi “3 chung” trước đây và kỳ thi “2 trong 1” hiện nay, ông sẽ nói gì?

Ông Quách Tuấn Ngọc: 13 năm kỳ thi “3 chung”, năm nào tôi cũng vẽ phổ điểm. Phải nói là phổ điểm cho kết quả hết sức trung thực, điểm thi rõ ràng, tỉnh nào phản ánh đúng chất lượng tỉnh ấy, ổn định, giỏi ra giỏi, kém ra kém. Kỷ luật thi tại các trường đại học rất tốt, đề thi chuẩn. Đề thi tự luận có rọc phách nên tiêu cực trong chấm thi gần như khó xảy ra. Nói thực là tôi vẫn luyến tiếc “3 chung”. Tuy nhiên, “3 chung” có khuyết điểm là thí sinh phải đến các tỉnh, thành phố lớn để thi, đi lại mệt mỏi, tốn kém.

Nay chuyển sang “2 trong 1” với tên gọi kỳ thi THPT quốc gia, mục tiêu hướng tới là xét tốt nghiệp nên bắt buộc phải thi tại địa phương, không thể thi theo kiểu dồn về các trường ĐH được, nên tôi có thể nói thế này: Về ưu điểm, “2 trong 1” thi cử nhẹ nhàng, thanh thản vì không phải lo đi lại, không ùn tắc giao thông, không tốn kém. Vì thi tại địa phương, Bộ đã lường trước khâu coi thi nên yêu cầu giám thị đến từ các trường đại học, do đó, đỡ nhộn nhạo hơn nhiều, độ tin cậy về coi thi cũng đảm bảo.

Tuy nhiên, tính chất của kỳ thi là tốt nghiệp, nhưng chúng ta lại “ngầm” phía sau là “dùng kết quả để xét tuyển đại học”, nên Bộ lại phải lo việc làm thế nào để các trường ĐH tin cậy dùng kết quả thi để xét tuyển. Vì thế lại phát sinh ra nhiều vấn đề. Riêng vụ Hà Giang làm bộc lộ ra “vết thương” mà lâu nay dư luận đây đó xôn xao, nhưng không có bằng chứng.

PV: Có thể hiểu vụ Hà Giang như giọt nước tràn ly, thưa ông?

Ông Quách Tuấn Ngọc: Đúng như vậy. Ngoài những hạn chế tôi đã nói ở trên thì từ vụ Hà Giang, hay nhìn rộng ra cả kỳ thi “2 trong 1”, thì điểm mấu chốt vẫn là khâu cán bộ - chúng ta chưa để ý tới. Có những khâu chúng ta để cho cán bộ công nghệ thông tin ngồi xử lý một mình, toàn quyền luôn, máy móc của họ, họ danh nghĩa công việc chuyên môn có thể yêu cầu những người khác ra ngoài hoặc đứng nhìn. Cơ hội tiêu cực rất lớn cũng có thể nảy sinh ở đây. Tuy mình cứ nói là tin cậy, nhưng tin cậy phải có giám sát, kiểm soát, không thể nói tin cậy suông được.

PV: Hiện dư luận đang đặt vấn đề “sứ mệnh” của kỳ thi “2 trong 1”, vì tỉnh nào cũng tốt nghiệp trên 90%, có cần thiết phải duy trì kỳ thi không? Ý kiến của ông ra sao?

Ông Quách Tuấn Ngọc: Giải pháp theo tôi là chúng ta vẫn phải giữ kỳ thi này tại địa phương, và cố gắng hoàn thiện cho kỳ thi này tốt hơn. Chúng ta phải tăng cường cán bộ đại học về giám sát tại địa phương ở tất cả các khâu. Bài thi trắc nghiệm tôi đề xuất nên có phách, rọc phách và nên chuyển về theo cụm, do trường đại học chủ trì chấm, thì khả năng tiêu cực sẽ giảm rất nhiều.

Nhìn lại vụ Hà Giang, ngoài động cơ vụ lợi cá nhân, thì cũng phải công bằng nhận xét rằng, ở địa phương, cán bộ địa phương chịu áp lực rất lớn, nào là quan hệ cá nhân, cấp trên cấp dưới, nên cơ hội tiêu cực như Hà Giang sẽ sẵn sàng xuất hiện bất cứ lúc nào. Chúng ta nên chuyển chấm thi cho trường đại học. Như thế chúng ta đang hoàn thiện kỳ thi, nâng cao độ tin cậy của kỳ thi và xã hội sẽ được nhờ.

Nếu kỳ thi giảm độ tin cậy, các trường đại học sẽ tổ chức thi riêng, khi đó cả xã hội lại khăn gói quả mướp lên đường, rất tốn kém. Mọi người phải ý thức cùng nhau làm kỳ thi tốt lên, tin cậy lên, mới giải quyết được “ẩn ý” đằng sau là kỳ thi mượn cớ “tốt nghiệp” để lấy kết quả xét tuyển đại học.

Tôi biết nhiều người đề xuất tốt nghiệp thì cho xét, nhưng trong Luật Giáo dục vẫn quy định phải có một kỳ thi quốc gia. Còn để 63 tỉnh tự tổ chức thi cũng không ổn, 63 tỉnh đều làm đề thì căng thẳng lắm, kết quả lại không đồng đều, so bì nhau, phức tạp hơn.

PV: Ông có ủng hộ tất cả các môn thi đều thi trắc nghiệm?

Ông Quách Tuấn Ngọc: Cá nhân tôi thấy thi trắc nghiệm chỉ nên áp dụng với một số môn, còn như môn Toán, tôi không đồng tình thi trắc nghiệm. Học toán là học tư duy toán học, chứ không phải dò đáp số, vì dò đáp số, máy móc có thể tính toán hộ. Nhưng tư duy lời giải rất quan trọng. Thêm nữa, đề toán vừa rồi quá khó, đến các giáo sư, lò luyện thi cũng lắc đầu, kiểu ra đề đó là không ổn. Hội Toán học trước đây cũng phản đối thi trắc nghiệm toán. Môn Lý, Hóa thì có thể chấp nhận thi trắc nghiệm.

PV: Vậy môn Lịch sử thì sao, thưa ông?

Ông Quách Tuấn Ngọc: Môn Lịch sử thì nên kết hợp cả tự luận và trắc nghiệm. Thời thi “3 chung”, môn Lịch sử có những năm điểm cũng thấp thảm hại, sau tôi tìm hiểu ra là, Ban ra đề mời những ông cao siêu quá, làm khó học sinh. Tôi góp ý ra đề nên mời giáo viên phổ thông, chứ không nên mời những giáo sư đầu ngành, họ ra đề theo kiểu đại học. Và ra đề xong thì phải cho giáo viên phổ thông giải thử, khó quá thì còn điều chỉnh.

PV: Nhưng muốn phân hóa đề thì đề thi phải khó, trình độ cao hơn?

Ông Quách Tuấn Ngọc: Tôi ủng hộ phân hóa đề, nhưng không phải phân hóa đến mức độ nhìn thấy đề là khiếp, thế là không ổn. Phổ điểm dịch xuống dưới điểm trung bình rất nhiều như năm nay, là không ổn.

PV: Có ý kiến cho rằng, khi chúng ta tổ chức nhiều môn thi trắc nghiệm thì phổ điểm bắt đầu có sự hỗn loạn, không đánh giá được chất lượng giáo dục các địa phương như thời “3 chung”,

Ông Quách Tuấn Ngọc: Thời “3 chung”, tôi thống kê xếp hạng các tỉnh, 13 năm liền kết quả đều ổn định, tốp 10 luôn là các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và thêm TP. Hồ Chí Minh. Các tỉnh miền núi và đồng bằng sông Cửu Long điểm luôn thấp, tôi “tô” màu đỏ. Tôi không vẽ 1 năm để nói “vui” đâu, mà là 13 năm liên tục. Vừa rồi, tôi nhìn phổ điểm đảo lộn. Tốp 4, tốp 5 thì vẫn có Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Vĩnh Phúc – đất học, nhưng giờ lại thêm mấy tỉnh miền núi thì có vấn đề. Cần có thời gian kiểm tra và có bằng chứng.

PV: Theo ông, phổ điểm chúng ta dựng lên có phản ánh được kỳ thi hay không?

Ông Quách Tuấn Ngọc: Phản ánh chính xác luôn, nó còn phản ánh đề thi chuẩn hay không chuẩn. Ví dụ, đề thi đại học, hình nó phải méo, tạt sang bên tay trái, còn kỳ thi tốt nghiệp THPT, nếu lấy điểm 5 là trục thì đỉnh phải ở 7 điểm, do đó, đề phải hết sức chân phương, chuẩn mực, không đánh đố. Nhưng kết quả vừa rồi, điểm rơi cả dưới điểm trung bình, thì không ổn. Những năm “3 chung” tôi vẽ phổ điểm, dưới 2,5 điểm rất ít, nhưng năm nay, phổ điểm dưới 2,5 lớn lắm, đây là điều không lí giải được. Phổ điểm năm nay cho thấy đề khó, nhưng chưa chắc đã chuẩn hóa.

PV: Để thi trắc nghiệm, đòi hỏi một ngân hàng đề quy mô lớn, đa dạng và hướng tới phát huy năng lực của từng cá nhân. Điều này theo ông chúng ta đã làm được hay chưa?

Ông Quách Tuấn Ngọc: Hình thức thi trắc nghiệm ít nhiều có sự máy móc, nên để hướng tới một cá nhân, chúng ta vẫn gọi là kỳ thi đánh giá năng lực, bài thi đánh giá năng lực. Nhưng tôi hỏi “năng lực là năng lực nào”. Nếu là năng lực sáng tạo thì sáng tạo ở đâu, môn Toán trắc nghiệm, không có chỗ cho cách giải Toán thì sáng tạo ở đâu. Năng lực phản biện cũng không có. Thi trắc nghiệm còn cho thí sinh cơ hội “đoán đáp án”.

Một nền giáo dục hướng tới phát triển năng lực thì phải hiểu như thế này. Một đứa học sinh lớp 6, lớp 9 mà làm được đề thi đại học thì phải cho nó vào đại học, thế mới là nền giáo dục dựa trên năng lực. Hay một cháu bé có năng lực về âm nhạc thì phải cho các cháu vào trường âm nhạc để học, chứ không thể dùng trắc nghiệm để “test” năng lực của cháu được. Tôi đồng tình giáo dục phát triển năng lực nhưng phải hướng tới từng cá thể một, chứ không phải máy móc. Thực tế, trắc nghiệm tự động hóa, chấm nhanh lắm, và không học tủ được, vì câu hỏi trắc nghiệm dải ra.

Việt Nam đi thi Olympic toán học, nhiều em được giải vì giải hết sức độc đáo, nhưng đấy là thi tự luận. Và thi trắc nghiệm còn yếu tố may rủi, 4 ô chọn 1 ô. Cho 1 cháu học lớp 6 vào thi trắc nghiệm với các anh chị lớp 12, kiểu gì cũng có điểm. Câu chuyện này sẽ còn phải tranh luận dài, nên tôi ủng hộ đề xuất cần phải tổ chức một hội thảo, thi trắc nghiệm, thi tự luận là thế nào.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương (thực hiện)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/vu-nang-diem-o-ha-giang-cho-thay-khau-can-bo-can-duoc-xem-trong-502489/