Vụ Mỹ tấn công nhầm Viễn Đông, thế chiến 3 cận kề

Gần 70 năm trước, Chiến tranh thế giới lần thứ 3 suýt nổ ra khi Không quân Mỹ tấn công nhầm một sân bay của Liên Xô tại Viễn Đông.

Trong một bài viết, trang mạng Russia Beyond cho biết, cho dù Chiến tranh Triều Tiên đang diễn ra cách đó chỉ vài trăm ki-lô-mét, nhưng không ai cảm nhận thấy không khí chiến tranh tại sân bay Sukhaya Rechka của không quân Liên Xô ở vùng Viễn Đông.

Giống như Mỹ, Liên Xô cũng can dự vào Chiến tranh Triều Tiên, song chỉ giới hạn ở việc tiếp ứng vũ khí và cố vấn quân sự cho phía Triều Tiên. Cuộc đấu tay đôi giữa các phi công Liên Xô trên máy bay chiến đấu MiG-15 và phi công Mỹ trên máy bay chiến đấu F-86 trên bầu trời Triều Tiên vẫn chưa xảy ra.

Binh lính của Trung đoàn máy bay chiến đấu 821 ở sân bay Sukhaya Rechka dường như không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên, họ đã nhầm hoàn toàn.

Máy bay chiến đấu MiG-15 của Liên Xô.

Máy bay chiến đấu MiG-15 của Liên Xô.

Ngày 8/10/1950, sau khi bay sâu hơn 100km vào lãnh thổ Liên Xô, hai máy bay chiến đấu phản lực Lockheed P-80 Shooting Star của Mỹ xuất hiện phía trên sân bay Sukhaya Rechka và khai hỏa.

Cuộc tấn công khiến 6 máy bay chiến đấu của Liên Xô đang nằm trên mặt đất bị hư hại và một chiếc bị thiêu rụi hoàn toàn. May mắn là không có thương vong về người.

Điều đáng nói là 7 chiếc máy bay tại sân bay Sukhaya Rechka bị hai chiếc Lockheed P-80 Shooting Star tấn công lại chính là dòng máy bay chiến đấu Bell P-63 Kingcobra mà Mỹ chuyển cho Liên Xô theo thỏa thuận cho vay-cho thuê trong Chiến tranh thế giới thứ 2.

Trung đoàn máy bay chiến đấu 821 không có động thái đáp trả bởi họ hoàn toàn bị động, không hề có sự chuẩn bị gì. Các máy bay chiến đấu tại sân bay Sukhaya Rechka không hề có nhiên liệu.

Thậm chí ngay cả trong trường hợp được tiếp nhiên liệu thì những chiếc Bell P-63 Kingcobra đó cũng không thể sánh được với Lockheed P-80 Shooting Star. Cuối cùng, còi báo động vang lên và thông tin về cuộc tấn công ngay lập tức được chuyển đến giới lãnh đạo Liên Xô tại Moscow.

Máy bay chiến đấu phản lực Lockheed P-80 Shooting Star của Mỹ.

Theo Russia Beyond, khi đó, ban lãnh đạo Liên Xô không thể biết cuộc tấn công này là lỗi của phi công Mỹ hay là khởi đầu của Chiến tranh thế giới lần thứ 3. Không quân Liên Xô được đặt trong tình trạng báo động cao.

Các máy bay chiến đấu MiG-15 mới nhất nhanh chóng được triển khai đến vùng Viễn Đông. “Sau cuộc tấn công đó, lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 kết thúc, trung đoàn của chúng tôi đã được đặt trong tình trạng báo động chiến đấu.

Chúng tôi trực chiến sẵn trên máy bay hoặc ở gần đó 24/24 giờ, cảm giác như chiến tranh đang đến gần”, ông Nikolay Zabelin, một cựu phi công của Trung đoàn máy bay chiến đấu 821 kể lại. Ngay ngày hôm sau, Liên Xô đã khiếu nại lên Liên hợp quốc về cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào sân bay Sukhaya Rechka.

Russia Beyond cho biết trên thực tế, không quân Mỹ không định tấn công lãnh thổ Liên Xô. Mục tiêu của họ là sân bay của Triều Tiên ở gần Chongjin.

Do lỗi điều hướng, hai chiếc Lockheed P-80 Shooting Star của Mỹ đã đi lạc vào không phận Liên Xô. Các phi công Mỹ phát hiện một sân bay “không xác định” và xem đó là mục tiêu. Họ cũng nhầm tưởng hình ảnh những ngôi sao lớn màu đỏ trên thân máy bay đỗ tại sân bay này là phù hiệu của không quân Triều Tiên.

Mặc dù vậy, hai phi công Mỹ bắt đầu hoài nghi khi các máy bay của đối phương không bốc cháy dữ dội. Điều đó có nghĩa là chúng không có nhiên liệu và không ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Chuyện một máy bay chiến đấu tại một sân bay quân sự của Triều Tiên khi đó không có nhiên liệu là điều không thể xảy ra. Trên đường bay về, hai phi công Mỹ lại bất ngờ phát hiện một hòn đảo.

“Tôi cứ tưởng không có hòn đảo nào ở gần Chongjin”, ông Alton Quanbeck, một trong hai phi công điều khiển hai chiếc Lockheed P-80 Shooting Star kể lại với tờ The Washington Post.

Các dữ liệu được phân tích ngay sau khi hai chiếc Lockheed P-80 Shooting Star trở về căn cứ đã khẳng định những hoài nghi của hai phi công là đúng. Họ đã tấn công nhầm vào một sân bay của Liên Xô.

Ngày 20-10-1950, phát biểu tại Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Harry Truman đã thừa nhận sai lầm và giải thích rằng cuộc tấn công vào lãnh thổ Liên Xô là “hậu quả của lỗi điều hướng và tính toán yếu kém” của hai phi công. Hai phi công Alton Quanbeck và Allen Diefendorf bị đưa ra tòa án binh nhưng chỉ nhận mức án “nhẹ tựa lông hồng”.

Theo Russia Beyond, mặc dù chấp nhận lời giải thích, nhưng Liên Xô không hoàn toàn tin tưởng Mỹ và xem cuộc tấn công là một hành động khiêu khích. “Người Mỹ biết rất rõ họ đang bay đi đâu. Câu chuyện về những phi công trẻ bị lạc đường đã được dàn dựng”, ông Nikolay Zabelin nhận xét.

Theo QĐND

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/ho-so/vu-my-tan-cong-nham-vien-dong-the-chien-3-can-ke-3385349/