Vụ 'mua bán trái phép hóa đơn' tại Bắc Giang: Thành khẩn khắc phục hậu quả, các bị can được tại ngoại

Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bắc Giang vừa kết luận điều tra vụ án 'mua bán trái phép hóa đơn', khởi tố 9 bị can liên quan. Các bị can phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo và tự nguyện khắc phục hậu quả.

Theo bản kết luận điều tra vụ án hình sự số 06/ANĐT ngày 24/5/2021 của Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, các đối tượng bị khởi tố về tội "Mua bán trái phép hóa đơn" gồm: Nguyễn Văn Cẩn (SN 1957), Nguyễn Văn M (SN 1989), Nguyễn Văn T (SN 1984), Nguyễn Tiến Q (SN 1987), Đặng Văn D (SN 1969), Nguyễn Ngọc B (SN 1982), Ngô Thanh T (SN 1988), đều trú tại xã Tân Dĩnh, Lạng Giang (Bắc Giang); Lưu Quang H (SN 1970), trú tại xã Tam Kỳ, Kim Thành (Hải Dương); Nguyễn Thị L (SN 1982), trú tại Gia Đông, Thuận Thành (Bắc Ninh).

Cơ quan điều tra xác định, để thành lập ra các công ty thực hiện mua, bán trái phép hóa đơn, các đối tượng đã mua chứng minh nhân dân của những người sắp chết, người mất khả năng nhận thức để đăng ký đứng tế giám đốc các công ty. Mục đích để các cơ quan chức năng phát hiện sẽ khó tìm kiếm. Hoặc các đối tượng thuế người đứng tên giám đốc thành lập công ty, trả công ban đầu từ 3 đến 5 triệu/tháng.

Tuy nhiên, sau khi thành lập công ty, đặt in hóa đơn, các đối tượng nói với những người được thuê đứng tên giám đốc việc công ty ngừng hoạt động nhưng thực tế các đối tượng mạo danh chữ ký giám đốc trên hóa đơn, chứng từ để xuất bán trái phép hóa đơn nhằm trục lợi.

Theo cơ quan công an, căn cứ lời khai của 9 bị can và tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra xác định được số tiền thu lợi bất chính của các bị can từ hơn 80 triệu đồng đến hơn 1,2 tỷ đồng.

Bản kết luận điều tra cho rằng, nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội của các bị can là do các quy định của pháp luật về thủ tục đăng ký, điều kiện thành lập công ty tại thời điểm trên còn chưa chặt chẽ, chưa có những điều khoản ràng buộc, kiểm tra cụ thể đối với người đại diện theo pháp luật, dẫn đến tình trạng đối tượng không có đủ năng lực tài chính, không có kiến thức chuyên môn, các đối tượng sắp chết… vẫn có thể đứng ra thành lập công ty.

Cùng đó, công tác quản lý theo dõi tình trạng hoạt động đối với các công ty của một số ban, ngành, chính quyền địa phương (đặc biệt là cơ quan thuế) chưa thực sự sát sao. Các quy định của nhà nước về việc quản lý, sử dụng hóa đơn còn nhiều bất cập dẫn đến việc các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi Mua bán trái phép hóa đơn trong thời gian dài không được pháp hiện xử lý.

Quá trình điều tra, cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bắc Giang xác định các đối tượng đã thành khẩn khai báo, tự nguyện hậu quả và có nhều tình tiết giảm nhẹ.

Cụ thể như, trường hợp bị can Nguyễn Văn Cẩn (SN 1957) nguyên là cán bộ quân đội đã nghỉ hưu, trong quá trình công tác được tặng Huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, hạng Nhì, phạm tội lần đầu; đang thờ cúng liệt sỹ Nguyễn Văn Nết (là anh trai). Quá trình điều tra, bị can Cẩn đã khắc phụ hậu quả, nộp toàn bộ số tiền thu lợi bất chính.

Ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết: "Tôi hoàn toàn đồng tình với bản kết luận điều tra của Công an tỉnh Bắc Giang. Trong đó nêu rõ việc tôi không hề thành lập một công ty “ma” nào mà chỉ tham gia làm thuê nghiệp vụ kế toán, thuế cho các công ty trên địa bàn huyện Lạng Giang của các ông chủ doanh nghiệp Nguyễn Văn M, Nguyễn Văn T, Nguyễn Tiến Q, Đặng Văn D, Nguyễn Ngọc B, Ngô Thanh T. Do các công ty này không có đủ hóa đơn nên tôi đã liên hệ mua giúp hóa đơn từ các công ty kia dẫn đến việc vi phạm. Tôi đã nhận thức rõ việc làm của mình vì vậy tôi đã tự nguyện khắc phục toàn bộ số tiền hơn 816 triệu do tôi được hưởng lợi từ việc mua hóa đơn giúp".

Hay như bị can Nguyễn Văn M (SN 1989) cũng được cơ quan điều tra xác định có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra giải quyết vụ án và khắc phục hậu quả toàn bộ số tiền thu lợi bất chính.

Vì vậy, ngày 9/4/2021, VKSND tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú với bị can Nguyễn Văn Cẩn.

Các bị can Nguyễn Văn T, Nguyễn Tiến Q, Đặng Văn D, Nguyễn Ngọc B, Ngô Thanh T, Nguyễn Văn M chỉ bị ngăn chặn bằng hình thức cấm đi khỏi nơi cư trú thay vì bị bắt tạm giam.

Từ đó, áp dụng khoản 1, Điều 54 BLHS, Cơ quan điều tra đề nghị xem xét khi lượng hình phạt đối với các bị can trong vụ án.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Vi Văn Diện – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định hành vi của 9 bị can đã cấu thành tội "Mua bán trái phép hóa đơn", quy định tại điểm d, điểm đ, khoản 2, điều 203 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Hành vi phạm tội của các bị can là đáng lên án, gây bất ổn cho xã hội. Tuy nhiên, bản kết luận điều tra cũng đã nêu các bị can đều phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả nộp lại số tiền thu lợi bất chính. Đặc biệt có bị can như bị can Cẩn còn là quân nhân nghỉ hưu, được tặng huân chương và thờ cúng liệt sỹ, nên pháp luật cần xem xét khoan hồng, tạo cơ hội cho các bị cáo sửa sai theo đúng tinh thần nhân văn của Đảng, Nhà nước và pháp luật.

Với khung hình phạt nếu được áp dụng theo nhận định của cơ quan điều tra từ 1 đến 5 năm tù, với vai trò luật sư, tôi cho rằng tới đây các cơ quan tố tụng xét xử nên cân nhắc mức án phù hợp. Tôi cho rằng các bị cáo hoàn toàn có thể được xem xét hưởng mức án treo để có cơ hội sửa chữa sai lầm".

Quang Minh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/vu-mua-ban-trai-phep-hoa-don-tai-bac-giang-thanh-khan-khac-phuc-hau-qua-cac-bi-can-duoc-tai-ngoai-20210528163210251.htm