Vụ mạo danh Liên đoàn Xiếc Việt Nam ủng hộ 10.000 đồng: Ngăn chặn hành vi gây tổn hại uy tín
Liên quan đến vụ Liên đoàn Xiếc Việt Nam bị mạo danh ủng hộ đồng bào lũ lụt 10.000 đồng, luật sư đã nêu mức độ xử lý vi phạm của người mạo danh.
Sau khi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đăng tải 12.028 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3, với tổng số tiền lên tới 527,8 tỷ đồng, trên mạng đã xuất hiện thông tin về nội dung mã giao dịch 638010.100924.121857 ghi “tập thể anh em Rạp xiếc Trung ương ủng hộ”, với số tiền 10.000 đồng.
Phản hồi về thông tin này, Liên đoàn Xiếc Việt Nam nhấn mạnh, Công đoàn Liên đoàn Xiếc Việt Nam không được phép trực tiếp chuyển khoản sang Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà sau khi mọi người đóng tiền thì số tiền sẽ được gửi lên Công đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Công đoàn Bộ sẽ là nơi chuyển ủng hộ số tiền đó sang Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngay sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng lên tiếng cho rằng, đây là thông tin xuyên tạc, sai sự thật, lan truyền trong bối cảnh nhân dân cả nước đang hướng về các tỉnh miền Bắc bằng những hành động thiết thực, gây ảnh hưởng xấu đến ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói chung, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói riêng.
Vì vậy, sáng ngày 13/9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn đề nghị xử lý thông tin xuyên tạc, sai sự thật gửi Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông; Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Trung ương.
Đến trưa ngày 13/9, người chuyển khoản đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số tiền 10.000 đồng với nội dung “tập thể anh em Rạp xiếc Trung ương ủng hộ” đã gọi điện đến đường dây nóng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam để thừa nhận đã chuyển khoản với nội dung nêu trên. Lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã mời người này đến làm việc.
Tại buổi làm việc, với sự có mặt của Ban lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đại diện Công đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan an ninh quận Hai Bà Trưng, phòng PA03, người này khai nhận mình là sinh viên năm thứ 4 tại một trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Nam sinh viên cho biết, có một nhóm bạn lập nên group với tên gọi là "Rạp Xiếc Việt Nam" để thể hiện tính cách vui vẻ, linh hoạt nên khi ủng hộ thì lấy đề nội dung là "tập thể anh em Rạp xiếc Trung ương" ủng hộ chứ không hề nghĩ tới việc mạo danh các nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Đồng thời, nam sinh viên đã xin lỗi toàn thể các nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam và cho biết không nghĩ đến hậu quả mà mình gây ra.
Sau buổi làm việc, đại diện Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, nam sinh viên đã chủ động liên hệ, có mặt ngay khi được đề nghị. Tuy nhiên, sự việc cụ thể và bị xử lý như thế nào thì còn phải chờ kết luận của cơ quan chức năng.
Liên quan đến vụ việc, trao đổi với Báo Công Thương, Luật sư Trần Lan Phương - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Đa Phương cho rằng, hành vi mạo danh này dù không nhằm mục đích lừa đảo hay chiếm đoạt tài sản tuy nhiên cũng đã gây ra ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của cơ quan, ở đây là Rạp Xiếc Trung ương.
Đồng thời, theo Luật sư Trần Lan Phương, hành vi này có thể vi phạm một số quy định pháp luật. Cụ thể, vi phạm danh dự, uy tín của tổ chức theo Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 về tổ chức và cá nhân có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm và uy tín. Mặt khác, việc gây tổn hại uy tín có thể dẫn đến trách nhiệm pháp lý, và người gây ra hành vi có thể bị yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có căn cứ chứng minh.
Bên cạnh đó, hành vi giả mạo danh nghĩa một tổ chức để truyền tải thông tin, dù chỉ là trong giao dịch chuyển khoản từ thiện, có thể bị xử lý theo quy định của Luật An ninh mạng. Điều 8 của Luật này nghiêm cấm các hành vi giả mạo thông tin, gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Trường hợp mạo danh Liên đoàn Xiếc Việt Nam dù không công khai trên mạng xã hội, nhưng thông tin đã được công khai sau khi danh sách chuyển khoản được công bố.
Qua vụ việc này, Luật sư Trần Lan Phương cho ý kiến cần tăng cường nhận thức về trách nhiệm đối với những cá nhân, đặc biệt là giới trẻ đó là cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc sử dụng thông tin đúng danh tính và tôn trọng các tổ chức khi tham gia các hoạt động công cộng như từ thiện. Sử dụng danh nghĩa giả mạo có thể gây tổn hại không chỉ cho cá nhân mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức bị mạo danh.
"Cơ quan chức năng cần có biện pháp nghiêm khắc hơn đối với những hành vi mạo danh tổ chức, dù là trong các tình huống không có ý định lừa đảo. Điều này sẽ góp phần răn đe và ngăn chặn các hành vi gây tổn hại đến tổ chức, cá nhân khác"- theo Luật sư Trần Lan Phương.
Ngoài ra, Luật sư Trần Lan Phương nêu ý kiến, các tổ chức tiếp nhận ủng hộ từ thiện nên có biện pháp kiểm soát chặt chẽ danh sách người ủng hộ, tránh công khai những thông tin gây hiểu lầm. Đồng thời, cần có biện pháp xác minh rõ ràng trước khi công bố, nhằm đảm bảo tính chính xác của thông tin.
Vụ việc mạo danh "tập thể anh em Rạp xiếc Trung ương" của sinh viên dù xuất phát từ sự thiếu suy nghĩ, song đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Liên đoàn Xiếc Việt Nam và gây ra sự phản ứng tiêu cực trong dư luận. Theo đó, cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hành xử có trách nhiệm, đặc biệt trong các hoạt động công cộng, để tránh những hậu quả pháp lý và ảnh hưởng không mong muốn đối với các tổ chức và cá nhân liên quan.