VỤ 'Mái ấm Hoa Mẫu Đơn': Khổ sở nhận lại con
Sau khi Báo Người Lao Động đăng loạt bài Trục lợi trên thân phận trẻ thơ, nhiều bạn đọc là nhà hảo tâm và phụ huynh của các bé từng sống tại mái ấm Hoa Mẫu Đơn đã tiếp tục lên tiếng
Đưa chúng tôi xem những lá đơn khiếu nại, kêu cứu gửi nhiều cơ quan chức năng của quận Tân Phú, TP HCM từ cuối năm 2010 đến đầu năm 2011, bà Võ Thị Xoàn, tạm trú quận 7, chua xót: “Đây là khoảng thời gian kinh khủng nhất đối với tôi trong hành trình đi giành lại quyền nuôi 3 đứa con”.
Trẻ ở mái ấm Hoa Mẫu Đơn Ảnh: Hải Phong
Bà Xoàn quê ở An Giang. Do nhà nghèo, lại sinh đến 10 con nên gia đình bà thường xuyên loay hoay trong cảnh túng quẫn. Năm 1998, khi Hoa Mẫu Đơn (HMĐ) mới thành lập, qua người quen, chủ mái ấm là bà Phạm Thiên Đơn đến gặp bà Xoàn, nhận cưu mang 2 con của bà. “Ở HMĐ một thời gian, một đứa ra ngoài tìm việc làm. Năm 2006, tôi gửi thêm 3 con nữa vào mái ấm” - bà Xoàn kể.
Cuối năm 2010, gia đình bà Xoàn bớt khó khăn. Các con lớn của bà có gia đình dọn ra riêng, công ăn việc làm ổn định nên bàn với mẹ đón các em về. Bà Xoàn đến mái ấm HMĐ xin nhận lại các con nhưng nhiều lần đều bị bà Đơn từ chối. “Tôi rất biết ơn bà Đơn đã cưu mang các con mình trong lúc ngặt nghèo. Tuy nhiên, khi tôi xin nhận lại các con về để giảm gánh nặng cho mái ấm, bà ta cứ viện lý do tôi không đủ điều kiện nuôi con, rằng đón chúng về sẽ đem bán nên nhất định không chịu. Nài nỉ mãi không được, tôi đành viết đơn nhờ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) quận Tân Phú can thiệp” - bà Xoàn cho biết.
Cuối cùng, bà Đơn cũng phải đồng ý. Thế nhưng, đến 2 tháng sau, chủ mái ấm HMĐ mới cho bà Xoàn đón các con về. “Tôi phải vay nóng 8 triệu đồng lên TP HCM nhận con. Chầu chực mãi, vụ việc mới được giải quyết. Đến nay, tôi vẫn nợ số tiền vay nóng 3 triệu đồng” - bà Xoàn bức xúc.
Trong khi đó, chị P.T.C.P (tạm trú quận Tân Bình, TP HCM), mẹ bé P.H.N, xót xa: “Do sinh con khi việc học còn dang dở và cha bé bỏ đi nên tôi gửi N. vào HMĐ hồi tháng 7-2011, mỗi tháng đóng 1,2 triệu đồng để mua sữa, tã. Mỗi lần tôi đến thăm N; bà Đơn đều khó chịu, bảo “con quen hơi mẹ sẽ khó” nên yêu cầu tôi không được nựng bé”.
Đầu tháng 12-2011, P. xin nhận lại con đem về quê nhưng bị bà Đơn tìm nhiều cách gây khó dễ. “Không chỉ đòi tôi đóng 6 triệu đồng tiền nuôi bé 4 tháng, bà ta còn yêu cầu phải có giấy kết hôn. Sau đó, bà Đơn đòi phải có giấy khai sinh của N. Khi tôi làm được giấy khai sinh, bà ta lại yêu cầu phải đến nơi tạm trú viết giấy cam kết xin nhận con về… Ngày đón được N. ra, tôi mừng đến rơi nước mắt” - P. ngậm ngùi.
Tìm đến Báo Người Lao Động, chị Th., một trong những nhà hảo tâm thường xuyên hỗ trợ HMĐ, cho biết chị đã quyên góp ủng hộ mái ấm này hơn 2 năm qua. Từng chứng kiến nhiều cảnh không hay, chị Th. rất khó chịu với việc tiền bạc, quà tặng của mình và bạn bè không tới tay các bé.
“Chúng tôi từng hội ý và đưa ra nhiều biện pháp nhằm làm giảm sự ảnh hưởng của bà giám đốc mái ấm với những khoản tiền mà mình tài trợ. Điều này đã khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại từ phía mái ấm khi muốn tiếp xúc với trẻ do bà ta luôn muốn nắm những khoản tiền đó. Chúng tôi tài trợ 3 bé đi học bằng cách chi trả tiền trực tiếp cho nhà trường, trả theo hóa đơn chi phí khám chữa bệnh nhận được… Không được chúng tôi đưa tiền tận tay, giám đốc mái ấm đã nhiều lần hăm dọa không cho các bé đi học nữa” - chị Th. bức xúc.
Buộc khắc phục sai sót
Theo ông Nguyễn Minh Trí, Phó Phòng LĐ-TB-XH quận Tân Phú, sau khi mái ấm HMĐ tường trình, phòng sẽ tiếp tục xác minh qua làm việc trực tiếp với phụ huynh các bé. Hiện phòng đã thu thập hồ sơ các vụ đánh trẻ, buộc phụ huynh viết giấy cho con.
Ông Trí cho biết đoàn kiểm tra của Phòng LĐ-TB-XH quận Tân Phú đã buộc chủ mái ấm HMĐ phải khắc phục các sai sót trong vòng 30 ngày tính từ 14-11, nếu không sẽ đề xuất giải thể.