Vụ ly hôn nghìn tỷ của 'vua cà phê': Nhầm án phí tới 80 tỷ, tòa sẽ xử lý thế nào

TAND TP.HCM đã giải thích do Chủ tọa 'mệt' nên 'đọc nhầm' mức án phí buộc ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo phải nộp. Tuy nhiên, cách giải thích của tòa khó có thể thuyết phục người nghe bởi khi đọc bản án, Thẩm phán Nguyễn Văn Xuân đã đọc rành rọt từng con số.

Thẩm phán Nguyễn Văn Xuân đọc bản án chiều 27/3. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Thẩm phán Nguyễn Văn Xuân đọc bản án chiều 27/3. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Cụ thể, Thẩm phán Nguyễn Văn Xuân đọc nội dung bản án: Sau khi trừ đi số tiền đã nộp tạm ứng, “bà Thảo phải nộp thêm 32.613.804.889 đồng. Án phí tài sản ông Đặng Lê Nguyên Vũ phải nộp 48.719.584.072 đồng”.

Con số hơn 80 tỷ đồng án phí mà bà Thảo và ông Vũ phải nộp theo công bố của Tòa án khiến tất cả phải ngỡ ngàng. Bởi mức án phí sơ thẩm được quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án (Nghị quyết 326).

Theo đó, đối với tranh chấp tài sản trong vụ án dân sự có giá trị tài sản tranh chấp trên 4 tỷ đồng, mỗi bên sẽ phải nộp tiền án phí cho Nhà nước là 112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4 tỷ đồng.

Áp dụng Nghị quyết 326, đối với giá trị tài sản bà Thảo nhận 4.364 tỷ đồng, mức án phí bà Thảo phải nộp là: 112.000.000 đồng + 0,1% x (3.364 tỷ đồng – 4 tỷ đồng) = 3.472.000.000 đồng.

Ngoài ra, về án phí dân sự sơ thẩm ly hôn, bà Thảo phải nộp thêm số tiền 300.000 đồng.

Đối với giá trị tài sản ông Vũ được nhận tương đương khoảng 4.825 tỷ đồng, mức án phí ông Vũ phải nộp là: 112.000.000 đồng + 0,1% x (4.825 tỷ đồng – 4 tỷ đồng) = 4.933.000.000 đồng.

Quy định về cách tính án phí dân sự tại Nghị quyết 326 của Quốc hội.

Theo Khoản 1 Điều 268 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định nội dung về sửa chữa, bổ sung bản án. Theo đó, sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai.

Như vậy, trong trường hợp này, bản án do tòa tuyên rõ ràng có sự nhầm lẫn hoặc tính toán sai, do đó có thể áp dụng khoản 1 Điều 268 Bộ luật Tố tụng Dân sự để đính chính nội dung bản án. Việc đính chính này sẽ được tòa thực hiện khi gửi bản án cho các bên liên quan.

Trưa 28/3, xác nhận với báo chí, Thẩm phán – Chủ tọa Nguyễn Văn Xuân thừa nhận: Do vụ án phức tạp, nhiều số liệu nên ông đã đọc nhầm phần án phí. Ông cũng cho biết, do bản án chưa phát hành nên tòa sẽ điều chỉnh lại cho chính xác.

Điều 268. Sửa chữa, bổ sung bản án

1. Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai.

2. Trường hợp cần sửa chữa, bổ sung bản án theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Thẩm phán phối hợp với các Hội thẩm nhân dân là thành viên Hội đồng xét xử đã tuyên bản án đó phải ra quyết định sửa chữa, bổ sung bản án và gửi ngay cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan thi hành án dân sự nếu bản án đã được gửi cho cơ quan thi hành án dân sự.

Trường hợp Thẩm phán đã xét xử vụ án đó không còn đảm nhiệm chức vụ Thẩm phán tại Tòa án đã ra bản án đó thì Chánh án Tòa án thực hiện việc sửa chữa, bổ sung bản án.

PV

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/vu-ly-hon-nghin-ty-cua-vua-ca-phe-nham-an-phi-toi-80-ty-toa-se-xu-ly-the-nao-post294622.info