Vụ 'ly hôn' Mỹ - Trung sẽ không dễ chịu

Frank Astorino, một nhà tư vấn tài chính, đã cho biết rằng không có gì hủy hoại tài sản 'nhiều như một vụ ly hôn'.

Đó là cảnh báo mà Mỹ và Trung Quốc nên nhớ khi hai nước này ngày càng leo thang trong chiến tranh thương mại. Nếu hai bên tiếp tục đi theo con đường này, một sự chia tách về kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là rất có thể xảy ra. Và tổn thất sẽ vượt qua bất kì một cuộc tranh chấp nào trong lịch sử thế giới.

Luôn có khả năng ông Trump và ông Tập sẽ khôi phục lại tình bạn và đưa ra một thỏa thuận. Nhưng nếu họ thực hiện các đe dọa, hầu hết mọi hàng hóa giao thương giữa hai nước sẽ phải đối mặt với một mức thuế quan mang tính trừng phạt.

Washington còn đang thắt chặt hạn chế đầu tư nước ngoài, rõ ràng là nhắm đến việc ngăn Trung Quốc thâu tóm các công ty Mỹ. Thêm vào đó là các rào cản doanh nghiệp nước ngoài hiện có tại Trung Quốc, những rào cản này rất có khả năng sẽ được tăng cường trong bối cảnh tranh chấp hiện nay.

Tổng hợp những điều trên có thể dẫn đến việc mà mọi người vốn nghĩ là sẽ không thể xảy ra: Trung Quốc và Mỹ hủy bỏ các quan hệ thương mại và đầu tư đã làm hai nước có sự ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau trong suốt nhiều năm. Thế giới chưa từng chứng kiến một vụ chia tay nào mang lại ảnh hưởng toàn cầu như vậy kể từ thời vua Henry VIII.

Một số người cho rằng mối quan hệ này ngay từ ban đầu đã không vui vẻ gì. Nhiều người Mỹ cho rằng Trung Quốc là đối tác không đáng tin vì "hay gian dối và ăn cắp".

Trong giai đoạn gần đây, nhiều nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã thực thi một kế hoạch lớn để thay thế các sản phẩm và công nghệ nước ngoài bằng các sản phẩm nội địa. Những người này cho rằng mối liên hệ chặt chẽ với Mỹ đến giờ đã không còn tác dụng nữa.

Tuy nhiên, cả hai nước sẽ thấy rằng “chia tay” là việc không dễ dàng. Sự tiếp cận tự do vào thị trường Mỹ đã là nền tảng cho sự phát triển của Trung Quốc kể từ những năm 1980. Thị trường nội địa Trung Quốc đã lớn đến mức xuất khẩu không còn quá mang tính quyết định nhưng thị trường Mỹ vẫn lớn hơn 7.000 tỷ USD, cách biệt bằng với tổng GDP của Brazil, Pháp và Ấn Độ cộng lại. Không một công ty có triển vọng nào của Trung Quốc lại có thể tự tuyên bố mang tính toàn cầu nếu không có sự hiện diện của Mỹ.

Thiệt cả hai bên

Phần lớn hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ được lắp ráp trong nước, với mục đích là xuất khẩu thành phẩm (ví dụ như điện thoại iPhone) đến tay người tiêu dùng Mỹ. Sự hạn chế tiếp cận thị trường Mỹ sẽ buộc các công ty Trung Quốc và nước ngoài phải tái sắp xếp chuỗi cung ứng của nhiều lĩnh vực, từ đồ điện tử cho đến quần áo và đồ chơi, giáng một đòn mạnh vào nền sản xuất của Trung Quốc. Nó cũng sẽ ảnh hưởng đến hy vọng của Trung Quốc là trở thành trung tâm sản phẩm công nghệ cao của thế giới.

Mỹ cũng sẽ gặp thiệt hại nặng nề. Brookings Institution dự tính đến năm 2030, Trung Quốc sẽ chiếm 22% tổng chi tiêu của tầng lớp trung lưu trên thế giới, so với chỉ 7% của Mỹ. Những khách hàng mua sắm Trung Quốc này sẽ không thể tiếp cận hàng hóa của châu Âu, Nhật Bản hoặc của chính nước Mỹ nếu các công ty Mỹ gặp phải các rào cản cứng rắn hơn khi kinh doanh tại Trung Quốc.

Mỹ cũng có thể bị mất các khoản đầu tư. Khi các công ty lớn ở Trung Quốc mở rộng ra toàn cầu, họ sẽ trở thành các nhà đầu tư nước ngoài lớn, giống như những gì các công ty Nhật Bản đã làm hồi những năm 1980. Phải đối mặt với một môi trường thù địch hơn ở Mỹ, các doanh nghiệp Trung Quốc rất có thể sẽ chuyển vốn đầu tư sang nơi khác.

Theo Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), trong năm 2017, đầu tư từ Trung Quốc đã giảm một nửa so với năm trước đó, học giả Derek Scissors của AEI đổ lỗi cho tổng hợp các nguyên nhân như giảm chi tiêu nước ngoài của chính phủ Trung Quốc và sự giám sát chặt chẽ hơn các thỏa thuận với Trung Quốc của chính phủ Mỹ.

Nguy hiểm lớn nhất đến từ sự chia rẽ của Mỹ - Trung Quốc không phải về mặt kinh tế. Xét một cách tương đối, sự trỗi dậy của Trung Quốc đến giờ nói chung là êm ả vì nền kinh tế của nước này dính liền với các thế lực kinh tế, quân sự và chính trị khác trên thế giới. Nếu các liên hệ này tan rã, xung đột trực tiếp có thể xảy ra thường xuyên.

Tất nhiên, bất kỳ sự chia rẽ nào cũng không phải là mãi mãi. Nhưng trong 4 thập kỷ qua, hai nước đã xây dựng một mối quan hệ đã mang lợi ích nhiều không kể hết cho người tiêu dùng, các hộ gia đình và các cổ đông. Liều lĩnh đi đến một sự chia rẽ sẽ ảnh hưởng đến tất cả những lợi ích trên. Có thể mất cả một đời người để phục hồi những gì đã mất.

Phương Anh/ Theo Bloomberg

Nguồn NDH: http://ndh.vn/vu-ly-hon-my-trung-se-khong-de-chiu-20180814065937663p145c151.news