Vụ lúa Đông Xuân 2020-2021 các tỉnh phía Bắc thắng lợi

Vụ lúa Đông Xuân 2020-2021 các tỉnh phía Bắc được đánh giá là một vụ sản xuất thắng lợi. Trong đó, sản lượng lúa toàn miền ước đạt 6,9 triệu tấn, tăng khoảng 34 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước; năng suất ước đạt khoảng 63,6 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm trước.

 Vụ lúa Đông Xuân 2020-2021 các tỉnh phía Bắc được đánh giá là một vụ sản xuất thắng lợi (Ảnh minh họa: BT)

Vụ lúa Đông Xuân 2020-2021 các tỉnh phía Bắc được đánh giá là một vụ sản xuất thắng lợi (Ảnh minh họa: BT)

Một vụ sản xuất thắng lợi

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vụ lúa Đông Xuân 2020-2021 các tỉnh phía Bắc diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt kịp thời từ Trung ương đến địa phương và sự cố gắng nỗ lực của người dân, do vậy, đạt được nhiều kết quả ấn tượng.

Theo đó, vụ lúa Đông Xuân 2020-2021, các tỉnh phía Bắc gieo cấy khoảng 1.086 nghìn ha, giảm khoảng 12 nghìn ha so với vụ vụ Đông Xuân năm trước (do chuyển đổi sang các loại cây rau màu và mục đích phi nông nghiệp). Trong đó: Vùng đồng bằng sông Hồng gieo cấy 492 nghìn ha, giảm khoảng 7 nghìn ha; vùng Bắc Trung Bộ gieo cấy 350 nghìn ha, giảm khoảng 2 nghìn ha; vùng Trung du và miền núi phía Bắc gieo cấy 244 nghìn ha, giảm khoảng 3 nghìn ha.

Tuy nhiên về năng suất lúa, báo cáo từ các địa phương cho thấy, ước đạt khoảng 63,6 tạ/ha (tăng 1 tạ/ha so với vụ Đông Xuân năm trước). Trong đó, tại các tỉnh vùng Bắc Trung bộ năng suất trung bình ước đạt 64,2 tạ/ha (tăng 1,9 tạ/ha so với năm trước); các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng ước đạt 65,9 tạ/ha (tăng 0,4 tạ/ha so với năm trước); các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc năng suất trung bình ước đạt 58,3 ta/ha (tăng 1 tạ/ha so với năm trước). Một số tỉnh có năng suất lúa tăng cao so với vụ Đông Xuân năm trước như: Thừa Thiên Huế, tăng trên 6 tạ/ha; Lai Châu tăng 4,8 tạ/ha; Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Trị tăng khoảng 2 tạ/ha,...

Tính chungsản lượng lúa toàn miền Bắc vụ Đông Xuân 2020-2021 ước đạt 6,9 triệu tấn (tăng khoảng 34 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước).

Tính đến thời điểm này, có thể đánh giá sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2020-2021 các tỉnh phía Bắc là một vụ sản xuất thắng lợi,đạt về năng suất, giá trị và cả lợi nhuận do diện tích gieo cấy giống lúa chất lượng được mở rộng. Ngoài ra chi phí đầu vào sản xuất năm nay giảm hơn so với năm trước do giảm chi phí về bảo vệ thực vật, giảm chi phí công lao động do tăng cường áp dụng cơ giới hóa.

Những bài học kinh nghiệm quý

Đánh giá của Cục Trồng trọt cho thấy, để có được kết quả ấn tượng trên do rất nhiều yếu tố. Trong đó bao gồm việc sớm dự báo vụ sản xuất Đông Xuân 2020-2021 có mùa đông nghiêng ấm để có các chỉ đạo kịp thời và việc chỉ đạo cần được thông suốt từ Lãnh đạo Bộ NN&PTNT tới các cơ quan chuyên môn của Bộ đến các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn các địa phương.

Bên cạnh đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa Cục Trồng trọt, Tổng cục Thủy lợi, Cục Bảo vệ thực vật và Sở NN&PTNT các tỉnh xây dựng kế hoạch lấy nước, điều tiết nước, thời vụ, cơ cấu giống, bảo vệ thực vật phù hợp theo từng trà lúa, từng vùng, từng khu vực phù hợp với điều kiện địa phương.

Trong đó, tập trung sử dụng giống ngắn ngày, chất lượng; gieo cấy trà xuân muộn là chủ lực. Với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc tập trung gieo cấy trà xuân muộn bằng các giống ngắn ngày.

Đi cùng với đó, các tiến bộ kỹ thuật về giống, phân bón, biện pháp canh tác tiên tiến và ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất như: khâu làm đất, thu hoạch và đặc biệt là công nghệ mạ khay, máy cấy được người dân áp dụng phổ biến đã làm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa.

Đây chính là những nguyên nhân tạo nên một vụ lúa Đông Xuân 2020-2021 các tỉnh phía Bắc thắng lợi và là những kinh nghiệm quý để triển khai trong các mùa vụ sau.

Để đảm bảo vụ Đông Xuân được tiếp tục có kết quả tốt, theo Cục Trồng trọt, từ nay đến cuối vụ, các địa phương cần tăng cường công tác điều tra, dự tính dự báo, phát hiện chính xác, kịp thời các đối tượng sâu, bệnh hại. Từ đó, hướng dẫn, chỉ đạo nông dân về kỹ thuật, biện pháp phòng trừ hữu hiệu cho từng đối tượng sâu, bệnh, như: đạo ôn cổ bông, rầy nâu, sâu đục thân… theo hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật.

Huy động tối đa máy móc, phương tiện, nhân lực để thu hoạch nhanh gọn lúa xuân đã chín theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng", thu hoạch đến đâu làm đất đến đó. Đồng thời, triển khai gieo cấy lúa Hè Thu và lúa Mùa đúng lịch thời vụ theo phương án đã được xây dựng, đồng thời tạo quỹ đất cho sản xuất cây vụ Đông ưa ấm.

Đáng chú ý, các địa phương có kế hoạch điều tiết nước tốt, dự trữ nước đảm bảo đủ nước cho gieo, cấy, phục vụ yêu cầu sinh trưởng cho phát triển lúa Hè Thu, lúa Mùa.

Cùng với đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm ngăn chặn tình trạng tăng giá và hàng kém chất lượng ảnh hưởng tới sản xuất. Xây dựng kế hoạch sản xuất lúa vụ Hè Thu, vụ Mùa đảm bảo về diện tích, sản lượng nhưng phải đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ Đông 2021./.

BT

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/vu-lua-dong-xuan-2020-2021-cac-tinh-phia-bac-thang-loi-581791.html