Vụ lúa đông xuân 2018-2019 ở Nam bộ: Lo hạn hán và bùng phát sâu bệnh

Sáng 17/10, tại TP Rạch Giá, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất vụ thu đông, vụ mùa và cả năm 2018; triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân năm 2018-2019, tại các tỉnh vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn đồng chủ trì hội nghị

Năm lương thực thắng lợi

Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), ông Lê Thanh Tùng, cho biết, theo báo cáo từ các Sở NN-PTNT của các tỉnh, thành vùng Nam bộ, năm 2018, toàn vùng đã gieo sạ được 4.389.768 ha lúa, giảm 63.538 ha; năng suất ước đạt 59,51 tạ/ha, tăng 3,38 tạ/ha, tổng sản lượng ước đạt 26.122.000 tấn, tăng 1.125.000 tấn so với năm 2017. Trong đó, vùng ĐBSCL gieo sạ 4.114.740 ha, tổng sản lượng thu hoạch ước đạt 24.673.000 tấn, tăng 1.079.000 tấn so với năm trước đó.

Nhóm lúa thơm đặc sản và lúa chất lượng cao chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giống lúa. Nông dân cũng đã quen dần với việc sử dụng giống lúa cấp xác nhận trong sản xuất (đạt khoảng 78% diện tích). Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, giảm lượng giống gieo sạ cũng được các địa phương chú trọng. Kết quả cho lượng giống gieo sạ dưới 150 kg/ha đang có chuyển biến tích cực, lượng giống gieo sạ trên 100 kg/ha có chiều hướng giảm mạnh, xu hướng từ 120 - 130 kg/ha đang được triển khai nhiều tại các tỉnh. Nhiều mô hình giảm lượng giống gieo sạ có kết quả tốt và đang tuyên truyền nhân rộng trong thời gian tới.

Ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, Kiên Giang là địa phương có diện tích cũng như sản lượng lúa hàng năm nhiều nhất trong khu vực. Năm cao nhất Kiên Giang đạt sản lượng trên 4,5 triệu tấn, sau khi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giảm diện tích gieo trồng lúa, hiện sản lượng được duy trì ở mức 4-4,2 triệu tấn/năm. Trong tái cơ cấu, tỉnh tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất, giảm giá thành và cơ cấu giống hợp lý.

Hiện nông dân sản xuất các giống lúa chất lượng cao là chính. Ngoài ra, còn có khoảng 70.000 ha chuyên sản suất lúa Nhật theo hợp đồng của các doanh nghiệp để phục vụ xuất khẩu. Năm 2018, dự báo tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt khoảng 7%, đóng góp lớn cho GDP của tỉnh.

Nhiều địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cơ câu cây trồng, giảm diện tích trồng lúa, chuyển sang những cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long cho biết, tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Hiện nhiều diện tích trồng lúa đã được chuyển sang trồng khoai lang, cây ăn trái… cho thu nhập khá cao.

Cụ thể, tỉnh có trên 10.000 ha chuyên trồng khoai lang, sản lượng từ 350-400 ngàn tấn/năm. Tuy nhiên, áp lực tiêu thụ đặt ra cũng khá lớn, tính ra mỗi ngày tỉnh phải xuất bán hơn 1.000 tấn khoai lang mới giải tỏa hết hàng hóa cho nông dân. Riêng về cây có múi, có hiện tượng nông dân tiêm chích kháng sinh, dưỡng chất vào cây sau khi xảy ra dịch bệnh. Đây là tiến bộ kỹ thuật được một số nước cho áp dụng trên cây ăn trái. Tuy nhiên nếu lạm dụng sẽ gây ra những hậu quả xấu, nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường đầu ra.

Tương tự, tỉnh Long An cũng đang chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giảm dần diện tích trồng lúa. Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho biết, vụ thu đông tỉnh chỉ duy trì ở mức 50.000 ha là hợp lý. Thời gian qua, Long An đã chuyển dịch khoảng 7.000ha đất lúa sang cây trồng khác, trong đó có 1.000ha chanh và 1.000ha thanh long. Hiện giá thanh long đã tăng trở lại, thương lái thu mua trung bình là 25.000 đồng/kg, nông dân có thu nhập khá tốt.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, đánh giá năm 2018, đến thời điểm này có thể khẳng định là sản xuất các nông sản chủ lực ở khu vực Nam bộ như: lúa gạo, thủy sản, trái cây… đều thắng lợi. ĐBSCL năm nay lũ đẹp, thiệt hại đến sản xuất rất thấp. Không chỉ sản xuất phát triển mà thị trường đầu ra cũng rất thuận lợi. Cụ thể, trong 3 quý đầu năm xuất khẩu nông sản của ta đã đạt xấp xỉ 30 tỷ USD, khả năng cả năm sẽ vượt con số 40 tỷ USD mà Chính phủ giao cho ngành nông nghiệp.

Lũ đẹp, nông nghiệp thiệt hại rất nhỏ

Theo GS.TS Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, lũ năm nay cao và diễn biến bất thường so với dự báo, có một phần nguyên nhân là do vỡ đập thủy điện tại Lào và Chính phủ Lào có chủ trương hạn chế tích nước của các hồ chứa thủy điện, làm lũ ở ĐBSCL tăng nhanh, mực nước tại 2 trạm đầu nguồn là Tân Châu và Châu Đốc tăng trung bình từ 6-8 cm.

Đến thời điểm này có thể khẳng định lũ chính vụ đã đạt đỉnh vào ngày 13/9, tại Tân Châu đạt 4,09 m, Châu Đốc đạt 3,72 m, đều trên mức báo động 2. Đây được xem là năm nay lũ đẹp, nhưng do nông dân các tỉnh sợ lũ cao nên hạn chế xuống giống lúa thu đông, toàn vùng chỉ đạt 704.853ha, giảm đi khoảng 100.000 ngàn ha là điều rất đáng tiếc trong bối cảnh giá lúa đang cao như hiện nay.

Qua đánh giá, ảnh hưởng của lũ nội đồng đến sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL là không đáng kể. Cụ thể, tổng diện tích lúa bị thiệt hại do lũ tại các địa phương vùng đầu nguồn là 2.061 ha. Trong đó, An Giang bị 1.274 ha mất trắng, Đồng Tháp 447ha (có 182 ha mất trắng, còn lại giảm năng suất), Kiên Giang 316 ha, Long An 24 ha. Đáng chú ý là diện tích bị thiệt hại do vỡ đê bao rất ít, chủ yếu thiệt hại là ở ngoài vùng bảo vệ của hệ thống đê bao, bờ bao. Ngoài ra, do tác động của triều cường kết hợp với lũ, đã gây ra sự cố vỡ đê làm ảnh hưởng đến sản xuất tại một số tỉnh như Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ…

Đông xuân lo hạn mặn, dịch bệnh

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi

“Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, khả năng xuất hiện El Nino trong thời gian tới là rất cao, nên năm 2019 được dự báo sẽ là năm thiếu nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt. Vì vậy, các địa phương cần sớm triển khai các biện pháp để tích nước, đồng thời triển khai lịch thời vụ thật hợp lý, tránh bị hạn mặn vào cuối vụ, gây thiệt hại cho sản xuất”, ông Nguyễn Văn Tỉnh , Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi.

Vụ lúa đông xuân 2018-2019, được đánh giá rất quan trọng và có ý nghĩa đối với việc bố trí mùa vụ sản xuất trong cả năm 2019.

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ thì thời kỳ kết thúc mùa mưa ở khu vực Nam bộ có khả năng sẽ sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan, như mưa rất to xảy ra trong thời đoạn ngắn nhưng lượng mưa lại rất cao, gây ngập úng cục bộ.

Hiện tượng ENSO được dự báo nhiều khả năng tiếp tục duy trì trạng thái trung gian từ nay cho tới hết tháng 10, từ tháng 11 đến đầu năm 2019, sẽ chuyển sang trạng thái El Nino với xác suất trong khoảng 60-70%.

Vì vậy, khả năng sẽ xảy ra hạn và xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển. Cục Trồng trọt dự báo sẽ có khoảng 100.000/985.0000 ha lúa đông xuân 2018-2019 ở các tỉnh như: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang sẽ bị ảnh hưởng khi khô hạn xảy ra.

Do đó, lịch thời vụ lúa đông xuân 2018-2019 được khuyến cáo sẽ tập trung xuống giống sớm, từ 10-30/10, gieo sạ khoảng 420.000ha. Đợt 1 từ 1-30/11, xuống giống khoảng 600.000ha. Đợt 2 từ 1-31/12, xuống giống khoảng 450.000ha. Còn lại một số vùng do gieo sạ lúa thu đông trễ sẽ gieo sạ dứt điểm trong 10 ngày đầu tháng 1/2019.

Bên cạnh lịch thời vụ, cơ cấu giống lúa cũng được khuyến cáo nên sử dụng các giống cao sản, ngắn ngày, vùng ven biển nên chú trọng đến các giống có khả năng chịu mặn. Nhóm giống chủ lực OM 5451, Đài Thơm 8, OM 6976, OM 4900, OM 7347, OM 4218…

Không chỉ lo thiếu nước mà nguy cơ dịch bệnh trong vụ lúa đông xuân cũng rất cao, do nhiều nơi sản xuất liên tục, gối vụ… Cục BVTV cho biết, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá (VL-LXL) và sâu năn (muỗi hành) là 2 đối tượng gây hại đáng lo ngại nhất. Kết quả kiểm định bằng phương pháp Elisa trên rầy nâu trong các vụ đông xuân 2017-2018, hè thu và thu đông, vụ mùa 2018, tỷ lệ nhiễm bệnh VL-LXL là rất cao, chiếm từ 8-17%.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh:

Vụ lúa đông xuân 2018-2019, là vụ lúa rất quan trọng nhưng dự báo là thời tiết không thuận lợi, nhất là về nguồn nước phục vụ sản xuất, mặn khả năng sẽ xâm nhập rất sớm.

Vì vậy, các địa phương phải đặc biệt chú ý lịch thời vụ, tập trung xuống giống sớm trong tháng 10 và tháng 11, là chủ yếu, nhất là những vùng ven biển, có nguy cơ xâm nhập nặm cao.

Về cơ cấu giống, tập trung cho nhóm lúa thơm, đặc sản chất lượng cao chiếm khoảng 70% phục vụ cho xuất khẩu, nhóm nếp khống chế ở mức 10%. Ven biển, lựa chọn các giống có khả năng chống chịu mặn. Nguy cơ sâu bệnh rất cao, nếu không có giải pháp quản lý hữu hiệu sẽ rất dễ bùng phát trên diện rộng. Tuyệt đối không được chủ quan đối với bệnh VL-LXL, sâu năn, bệnh đạo ôn… nhất là những nơi đã có ổ bệnh từ vụ trước.

Đ.T.CHÁNH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/vu-lua-dong-xuan-2018-2019-o-nam-bo-lo-han-han-va-bung-phat-sau-benh-post228926.html