Vụ Loan 'cá': Phải xem lại trách nhiệm của chính quyền địa phương

Công an tỉnh Đồng Nai vừa triệt phá băng nhóm có hành vi bảo kê tại một số chợ tạm trên địa bàn tỉnh do Lý Thị Loan (Loan cá), Nguyễn Quốc Tuấn (Tuấn cá) và Hoàng Thị Tuyết Nhung (Nhung khàn) cầm đầu.

Thực tế trên cả nước có rất nhiều băng nhóm giang hồ hoạt động phức tạp với thủ đoạn vừa tinh vi, manh động, liều lĩnh như băng nhóm Loan "cá", Đường Nhuệ… Nguyên nhân chính của tình trạng này là gì?

Thứ nhất, đó là tâm lý sợ sệt của người dân, nhất là những người làm ăn, buôn bán nhỏ lẻ. Điều này vô hình trung đã giúp các băng nhóm tội phạm đạt được mục đích và khi có người chống đối, chúng không hề ngần ngại sử dụng vũ lực để giải quyết.

Thứ hai, một vấn đề phức tạp và nhạy cảm là các vụ án dính dáng đến các băng nhóm tội phạm có tổ chức nếu không có sự "ngó lơ"của chính quyền địa phương thì không thể tồn tại. Bởi lẽ, các băng nhóm tội phạm này vẫn có một số hoạt động rộng rãi và công khai, ngang nhiên, nên rất khó để nói rằng cơ quan chức năng không biết đến sự tồn tại của nó.

Thứ ba, quy định pháp luật còn nhiều lỗ hổng và chưa đủ sức răn đe các thành phần tội phạm nguy hiểm. Hiện nay, chưa có một khái niệm cụ thể nào về mặt pháp lý quy định về "băng nhóm tội phạm". Chỉ khi cơ quan chức năng chứng minh được các yếu tố cấu thành một tội phạm cụ thể như cố ý gây thương tích, buôn lậu,… thì mới có thể xử lý được. Tuy nhiên, cũng chỉ dừng lại ở một tội phạm hay một số đối tượng cụ thể, còn việc qua từng loại tội phạm này để có thể tìm kiếm, truy cứu trách nhiệm và "tiêu diệt tận gốc" một băng nhóm giang hồ có "mạng lưới hệ thống chân rết khắp nơi" thì không đơn giản, cho dù thực tế rõ ràng có móc nối với các tội phạm đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Từ việc phân tích thực trạng và một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng băng nhóm giang hồ hoạt động làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác an ninh trật tự ở các địa phương, có thể thấy trách nhiệm được đặt ra đối với chính quyền địa phương là rất lớn. Pháp luật cũng đã quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan nhà nước liên quan đến công tác bảo đảm an ninh trật tự.

Theo đó, UBND, HĐND là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh; áp dụng biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác... Hay công an địa phương là đơn vị được nhà nước cho phép thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh, trấn áp tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Song song với trách nhiệm, quyền hạn thì pháp luật cũng đặt ra những hình thức xử lý kỷ luật, chế tài pháp lý khi các cơ quan này có hành vi sai phạm hoặc có dấu hiệu dung túng, bao che. Cụ thể theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật Tổ chức Công an nhân dân năm 2018 thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Các tội phạm liên quan đến sai phạm của cơ quan nhà nước ở địa phương nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu theo nhóm tội phạm về chức vụ, bao gồm các tội như: tham ô tài sản, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ…

Luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP HCM)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/phai-xem-lai-trach-nhiem-cua-chinh-quyen-dia-phuong-20200508220818932.htm