Vụ Lò gốm cổ Hưng Lợi bị người dân san phẳng: Cơ quan chức năng lên tiếng

Ngày 6.3.2019 bà Nguyễn Thị Phương đã thuê xe cuốc đến san lấp cổng bảo vệ khu di tích và toàn bộ khu vực di tích Khảo cổ học quốc gia Lò gốm cổ Hưng Lợi - 'là di tích có giá trị đặc biệt của quốc gia' (khoản 3, điều 29 Luật Di sản văn hóa) nhưng mãi năm ngày sau (ngày 11.3.2019) cơ quan chức năng mới biết để tiến hành lập hồ sơ xử lý.

Liên quan đến vụ xâm hại nghiêm trọng di tích khảo cổ học quốc gia Lò gốm cổ Hưng Lợi (phường 16, quận 8, TP.HCM) bị người dân san ủi, như Người Đô Thị đưa tin, phóng viên đã liên hệ Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cùng cơ quan điều tra Công an quận 8 để tìm hiểu diễn tiến xử lý vụ việc.

Lò gốm khi được khai quật năm 1998. Ảnh Tư liệu

Lò gốm khi được khai quật năm 1998. Ảnh Tư liệu

Công văn của cơ quan điều tra Công an quận 8 phản hồi Người Đô Thị, được ký bởi Trung tá Phan Thanh Bình - phó thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 8 cho biết: vào khoảng 16h30 ngày 11.3.2019 nhận tin báo của quần chúng nhân dân phản ánh khu di tích Lò gốm Hưng Lợi thuộc thửa số 39, tờ 15 bản đồ địa chính phường 16, quận 8 bị san lấp nên công an phường 16 quận 8 đã tiến hành lập hồ sơ xử lý.

Quá trình điều tra xác định, ngày 6.3.2019 bà Nguyễn Thị Phương đã thuê xe cuốc đến san lấp cổng bảo vệ khu di tích và toàn bộ khu vực lò gốm nêu trên:

"Do cổng bảo vệ khu di tích đã bị phá hủy hoàn toàn, không còn cơ sở xác định chính xác kết cấu hạng mục công trình. Do đó, Hội đồng định giá tài sản quận 8 không có cơ sở xác định giá nên ngày 25.4.2019, Công an quận 8 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Phương, số tiền 3,5 triệu đồng, về hành vi: "Hủy hoại tài sản của người khác" quy định tại điểm a, khoản 2, điều 15 Nghị định 167/CP." - Công văn cho biết.

Cũng trong quá trình điều tra, thu thập và xác minh thông tin, cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 8 được Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM xác nhận di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di tích khảo cổ học quốc gia theo Quyết định số 772 – QĐ/BVHTT ngày 25.4.1998.

Về tính chất vụ việc san ủi di tích quốc gia, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM ghi nhận hiện trạng tại khu vực bảo vệ I di tích khảo cổ học quốc gia Lò gốm cổ Hưng Lợi đã bị đối tượng vi phạm san ủi gò đất (lò gốm) hủy hoại, làm thay đối yếu tố gốc cấu thành di tích; phá hủy cổng di tích (công trình bảo vệ di tích), do đó đối tượng đã vi phạm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Từ đó, cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 8, nhận định: "Xét thấy bà Nguyễn Thị Phương thuê người san lấp khu di tích được phát hiện ngày 11.3.2019, hành vi của bà Phương có dấu hiệu: Vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, vụ việc có tính chất phức tạp, cơ quan điều tra Công an quận 8 đã có công văn gửi Viện Kiểm sát nhân dân quận 8 để thống nhất quan điểm xử lý đối với hành vi của bà Nguyễn Thị Phương."

Mặc dù đây là khu vực cần phải bảo vệ nghiêm ngặt nhưng năm 2017, người dân vẫn thuê máy ủi san gạt đất, khiến cho di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi bị biến dạng nghiêm trọng. Ảnh báo tư liệu báo Văn hóa

Trong khi đó, trả lời câu hỏi của phóng viên Người Đô Thị ngày 21.6.2019, về vụ Lò gốm cổ Hưng Lợi lại bị người dân thuê máy vào san ủi, là cơ quan quản lý phụ trách lĩnh vực thì Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã nắm bắt được sự việc này như thế nào?

Một tuần sau, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM phúc đáp câu hỏi qua email, như sau: "Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố và của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực Di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao hàng năm đều ban hành các văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân và Phòng Văn hóa và Thông tin các quận, huyện, các bảo tàng, các di tích trên địa bàn thành phố về tăng cường công tác an ninh, an toàn; phòng cháy, chữa cháy và tăng cường công tác tổ chức và quản lý lễ hội."

Đối với vụ việc xâm hại di tích khảo cổ học quốc gia Lò gốm cổ Hưng Lợi vào tháng 7.2017, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết: Sau khi phát hiện vụ việc xâm hại, hủy hoạt yếu tố gốc cấu thành di tích, Sở đã tổ chức kiểm tra và có Công văn số 6207/SVHTT-QLDSVH ngày 11.10.2017 và Công văn số 600/SVHTT-QLDSVH ngày 26.1.2018 gửi UBND quận 8 có ý kiến đối với việc xâm hại di tích Lò gốm Hưng Lợi.

Ngày 26.1.2018 Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM có Báo cáo số 601/SVHTT-QLDSVH về quản lý di tích khảo cổ học Lò gốm cổ Hưng Lợi gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố và các đơn vị liên quan.

Đối với việc xâm hại di tích khảo cổ học quốc gia Lò gốm cổ Hưng Lợi vào tháng 3 vừa qua, sau khi kiểm tra, khảo sát thực tế, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM có Công văn số 1847/SVHTT-QLDSVH ngày 24.5.2018 về xâm hại, hủy hoại yếu tố cấu thành di tích Lò gồm Hưng Lợi gửi cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 8 và Công văn số 2111/SVHTT-QLDSVH ngày 14.6.2019 gửi UBND quận 8 về xâm hại, hủy hoại yếu tố cấu thành di tích Lò gồm Hưng Lợi.

Theo đó, Sở đề nghị xử lý nghiêm hành vi vi phạm của đối tượng theo quy định của Luật Di sản văn hóa và Luật Hình sự, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Khu di tích khảo cổ quốc gia Lò gốm cổ Hưng Lợi hiện nay chỉ như một nền đất vừa được giải phóng mặt bằng xong (ảnh chụp ngày 20.6.2019). Ảnh: Trung Dũng

Trả lời câu hỏi rằng nguyên nhân khiến cho việc bảo vệ di tích khảo cổ học Lò gốm cổ Hưng Lợi chưa đạt được như mong muốn, nếu không nói là thất bại bởi di tích quốc gia không chỉ bị xâm lấn mà còn bị người dân thuê xe san ủi tới hai lần, theo Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, thì "hiện nay, diện tích khu vực bảo vệ I có diện tích 10.000m2, khu vực bảo vệ II có diện tích 40.000m2 nằm trong khu dân cư tập trung đông với nhiều công trình và hộ dân sinh sống; diện tích bị xâm xại, hủy hoại nằm trong diện tích khoảng 836m2 được Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 8 phối hợp cùng UBND phường 16, quận 8 kiểm tra cập nhật vào bản đồ hiện trạng để quản lý; đối tượng vi phạm với lý do tranh chấp quyền sử dụng.

Việc triển khai dự án trùng tu, tôn tạo di tích Lò gốm Hưng Lợi bị chậm do việc lấn chiếm, tranh chấp đất đai phức tạp, khiếu nại kéo dài, chưa thực hiện được việc giải tỏa đền bù, do đó không triển khai được dự án, vì từ năm 1999 đã phát sinh khiếu nại của gia đình bà Nguyễn Thị Phương."

Là cơ quan nhà nước có nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với di tích trên địa bàn thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao, cho biết: "Đối với diện tích thửa đất, ranh thửa đất bị xâm hại, hủy hoại yếu tố gốc cấu thành di tích Lò gốm Hưng Lợi thuộc khu đất đã được Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 8 phối hợp cùng UBND phường 16, quận 8 kiểm tra cập nhật vào bản đồ hiện trạng để quản lý với diện tích khoảng 836m2 (theo Công văn số 8092/UBND-ĐT ngày 08.7.2010); do đó, trách nhiệm quản lý trực tiếp di tích khảo cổ học Lò gốm cổ Hưng Lợi thuộc đơn vị chức năng của UBND quận 8."

Sở Văn hóa và Thể thao cũng cho biết thêm, trong thời gian tới sẽ phối hợp với UBND quận 8 trong việc tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; thực hiện đề xuất điều chỉnh khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích và thực hiện việc lập dự án tu bổ, tôn tạo, phục dựng di tích Lò gốm Hưng Lợi theo quy định.

Song Ngô

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/vu-lo-gom-co-hung-loi-bi-nguoi-dan-san-phang-co-quan-chuc-nang-len-tieng-19379.html