Vu lan nhớ mẹ

Tôi về xứ người làm dâu, vốn tính hậu đậu, ba mươi lăm tuổi nhưng chuyện bếp núc rất 'tay ngang'. Mẹ đã tám mươi nhưng tới bữa cơm, con dâu cứ phải nhờ mẹ tư vấn cắt gọt cái này, nêm nếm cái kia.

Anh bảo mẹ rất khéo, đã nấu ngon lại bày trí đẹp nên tôi có phần “ngại”, cơ bản là sợ mẹ không vừa lòng con dâu mới. Mà mẹ cũng xác nhận: "Đàn bà không biết nấu ăn đáng trách thiệt. Muốn gia đình ấm êm thì cơm canh phải ngon ngọt. Hồi giờ chưa thì nay học, tranh thủ mẹ còn sống mà học".

Mẹ hay thiệt, tám mươi tuổi nhưng minh mẫn sáng suốt, nói có ngọn có ngành, ra bờ ra bến. Mẹ dạy tôi như những bà mẹ mẫu mực kinh điển dạy “công, dung, ngôn, hạnh” cho con gái trước khi về nhà chồng. Điều đặc biệt làm tôi vừa kính vừa yêu là mẹ rất kỹ tính, nghiêm khắc nhưng cái tâm rất hiền. Nếu tôi hoặc đứa con nào đó làm gì không vừa ý là mẹ phê phán, chỉ trích liền. Nói để biết sai mà sửa chứ không có ý mắng mỏ, càng không phải vì ghét mà rầy la. Mẹ bảo nếu ghét thì đã không nói, vì thương mới kình.

Rồi mẹ bệnh, nằm liệt giường, tôi sắc thuốc, nấu cháo, giường chiếu lúc nào cũng thơm tho. Hồi còn mạnh khỏe, mẹ tâm niệm sẽ không đột ngột rời bỏ dương gian mà nán lại một ít, một ít thôi trên giường bệnh. “Một ít” để con cái có cơ hội báo hiếu, để không trở thành gánh nặng của các con. Hiểu được tâm nguyện nhân văn sâu xa đó, con dâu tôi hết lòng chăm nom. Mẹ mê man nằm, lúc tỉnh táo nhất thì mở mắt nhìn con dâu ngồi cạnh, run run đặt tay mình lên tay con. Tôi cảm nhận được tình thương tỏa ra từ hơi ấm đôi tay mẹ. Xúc động ngồi lặng lẽ ngắm mẹ hồi lâu. Khuôn mặt trái xoan thiếu thời nay hóp lại, những vết nhăn xô nhau chằng chịt trên khuôn mặt nhăn nheo. Những nốt đồi mồi nổi dày, đó là vết tích của những ngày mẹ lậm lụi nắng mưa vì chén cơm, cái chữ của con trẻ. Nghe kể ba chồng tôi mất sớm, bất ngờ mất giữa đồng ruộng trong lúc mẹ chưa biết mình có thai (chồng tôi). Một bầy con nheo nhóc, mẹ giữ thêm cái thai, nuôi đúng nuôi đủ. Cái thời bỏ nhà ra phố trọ học nhưng con mẹ đứa nào dở nhất cũng đỗ tú tài. Vừa làm mẹ vừa làm bố, mẹ giỏi giang như thể có hai sức lực trong cơ thể người đàn bà tưởng chừng yếu ớt.

Còn tôi, chỉ sống với mẹ vẻn vẹn nửa năm nhưng tình yêu tôi dành cho mẹ có cả sự hàm ơn và kính trọng. Mẹ nuôi anh (chồng tôi) khôn lớn, nâng đỡ khi anh té đau, bao dung khi anh sai lầm. Tôi hàm ơn vì mẹ gìn giữ phần hồn anh luôn thắm đỏ. Với anh, mẹ có công ơn quá lớn, điều anh sợ nhất là làm mẹ buồn. Mẹ là “đấng tối cao” của chồng thì con làm sao không kính yêu cho được.

Một tháng tròn trên giường bệnh, ngày mẹ rời bỏ các con, dù phút lâm chung mẹ dặn đừng có khóc nhưng ngày đau buồn ấy, tiếng khóc của các con át cả tiếng mưa.

Anh nói, mẹ không biết câu chuyện Mục Kiền Liên, mẹ không lên chùa cài hồng trắng (mẹ sớm mồ côi) nhưng rằm tháng Bảy nào mẹ cũng sửa soạn cúng kính chu đáo, nguyện cầu bà ngoại sớm siêu thoát. Mẹ dạy các con, bất hiếu là tội không thể dung thứ. Me bảo, chữ hiếu là thước đo lòng người chuẩn xác nhất.

Bích Nhàn

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277486/vu-lan-nho-me.html