Vu Lan này con muốn nói: 'Xin lỗi và cảm ơn vì đã cho con làm con của mẹ'

Cha mẹ một đời hết lòng với con cái. Vì lẽ tự nhiên thôi, đứa con là món quà vô giá thượng đế ban tặng cho họ. Nhưng đã bao giờ bạn nhìn lại để thấy mẹ mình đã bao nhiêu tuổi, mắt mẹ bao nhiêu vần đục, mặt mẹ bao nhiêu vết chân chim, tóc mẹ bao sợi muối tiêu và tay mẹ bao nhiêu vệt đồi mồi...

1 tuổi, má dạy tôi chập chững bước đi.

2 tuổi, má dạy tôi ê a tập nói, gọi tiếng “ba” trước, tiếng “mẹ” má chịu nghe sau.

3 tuổi, má dạy tôi dạ thưa, ai cho quà phải gật đầu cảm ơn, phạm sai lầm thì xin lỗi.

6 tuổi, má cầm tay tôi chỉ tính toán: 1 + 1 = 2. Má từ từ, cần mẫn dạy tôi biết cuộc sống màu hồng là của tuổi thơ con.

Suốt tuổi thơ dài đằng đẵng của tôi, má là người duy nhất dạy tôi nên người.

Suốt tuổi thơ dài đằng đẵng của tôi, má là người duy nhất dạy tôi nên người.

10 tuổi, lên lớp 4, cộng trừ thêm phần nhân chia, má không dạy tôi nữa. Má bảo: Con lớn rồi, tự lập nghen. Hôm đó, tui giận má lắm, vì tính má ậm… ự, nói hổng dạy là cũng thôi luôn. Tự nhiên, một đêm sáng trăng, thấy má chong đèn cầm quyển sách toán học 4, cắm cúi bên chiếc bàn con học từng số.

Ừ, thì sau này lớn thêm xíu nữa, tui nghe: Nhà ngoại xưa nghèo lắm, má đâu được đi học. Sáng bưng rổ mì, chiều rá củ khoai, đi bán kiếm tiền nuôi cậu bây sáng dạ hơn má nhiều. Má chưa từng biết một chữ bẻ đôi, cái cổng trường và màu sách vở. Nhưng suốt tuổi thơ dài đằng đẵng của tôi, má là người duy nhất dạy tôi nên người.

12 tuổi, ba lấy vợ lẻ. Ngày ba đi, má nài: Con để em nuôi nghen. Rồi bữa, ba dắt vợ về chơi nhà, má cẩn thận cơm bưng nước rót. Xới cơm cho ba, cho vợ ba, cho hai đứa con nhỏ của ba nữa, chén má trống trơn. Lần đó, tui bực má ghê: Sao má thiệt thòi, má hổng chửi, hổng đánh ba, hay ít nhất là giữ ba!… Má chỉ ôm tôi vào lòng, nói khẽ: Ba có làm gì thì vẫn là ba của con nghen.

Tôi lớn lên như củ ấu mình trần với má, trên chiếc xe má chở đến trường, qua những chiều má xách bao gạo đi mót từ nhà máy, ở quán ché má bán, trong miếng chuối chiên má chiên giòn rụm,… Má chăm làm lụng cả năm, tằn tiện cho tôi xuống huyện đi học. “Dưới đó thầy cô giỏi, con ráng theo kịp mấy bạn để sau này đỗ đạt thành tài, khỏi cày ruộng như má nghen”.

Má chăm làm lụng cả năm, tằn tiện cho tôi xuống huyện đi học.

15 tuổi, tôi xuống huyện học, vài ba tháng mới về thăm má một lần. Lần nào tới cổng, má cũng chạy ra ôm chầm, nước mắt ngắn nước mắt dài nói nhớ nói thương. Bữa tiễn lên xe, má xách theo chùm ổi chát, quả mận chua, buồng dừa nước,… “vào phố kẻo đói con nghen”, rồi dúi vào cộc năm chục lẻ nhăn nhúm. Má đứng chờ chiếc xe tà tà lăn bánh đi xa, dáng má vừa thu nhỏ lại bằng hạt đậu, má mới thôi khóc.

18 tuổi, tôi đậu đại học. Hôm chạy về báo tin: Con sắp đi xa, vào Sài Gòn lận, chắc Tết mới về. Má nghe chưa đặng nửa câu đã vội bỏ mâm cơm, cắp cái nón ra sau vườn nhổ cỏ. Má chẳng thèm hỏi tôi học trường gì, ngành ra sao,… và bao lâu xa má. Chỉ tới đêm, dưới ngọn đèn má tính đi tính lại số tiền tiết kiệm, rồi thở dài: Tiền sách, tiền vở, tiền học hành, tiền cho cả chi tiêu,… sao đủ?

Hôm đó, gày chưa gáy sáng, má đã tất tưởi qua nhà thím Năm, nhờ: Nhận thêm thửa ruộng nữa làm hộ thím lấy ít tiền nghen. Tôi nhận ra: Nói má nghe con đậu trường gì má đâu biết, ngành ra sao má hổng rành, Sài Gon nó bao xa má cũng chẳng tỏ? Vì má chưa từng ra khỏi con đê đầu làng, má muôn đời chỉ ở sau lưng, lấy mình che chở cho tôi suốt năm tháng.

Hôm chạy về báo tin: Con sắp đi xa, vào Sài Gòn lận, chắc Tết mới về. Má nghe chưa đặng nửa câu đã vội bỏ mâm cơm, cắp cái nón ra sau vườn nhổ cỏ. Má chẳng thèm hỏi tôi học trường gì, ngành ra sao… và bao lâu xa má.

22 tuổi, tôi ra trường. Loay hoay tìm việc, áp lực, rồi chán chường thành phố… lâu lắm chẳng về quê thăm má. Lần nào gọi điện, kịp nói nhớ con má đã vội gác máy: Nghe giọng bay vậy là tao vui.

Rồi cứ thế thưa dần. Đến Tết, thằng con không còn thời gian về phụ má đốt nén nhang cho ông bà, má lủi thủi một mình. Mồng một, mồng hai, mồng ba, người ta thấy má sang nhà hàng xóm, ngồi xem cải lương từ sáng tới chiều, từ chiều tới tối, từ tối tới khuya.

Má sợ ở một mình, sợ cô đơn, sợ má rảnh sẽ gọi điện cho thằng con đang bận rộn công việc và cuộc sống. Chỉ những đoạn tuồng cảnh chàng hoàng tử khóc thầm vì nghĩa mẹ tình cha, má lại day mắt: Cay quá anh Năm hen! Cậu Năm chép miệng, cất ngụm trà uống trừ câu má nói.

Năm 27, công việc ổn định, tôi lại bận rộn với tình yêu, mơ về một gia đình, cưới vợ sinh con. Hôm đám cưới, má cầm tay hai đứa chắc nịch, trao chỉ nhẫn vàng: Chăm sóc nó hộ má nghen, rồi má khóc. Má bảo má chỉ ở quê thôi, mặc thằng con nài nỉ vào phố sống chung, “rau rá trong vườn cần người trồng, con gà má nuôi còn đẻ trứng, đi rồi ai chăm mồ mả cho ông bà bay…”.

Má một đời tần tảo nuôi tôi. Má hay tranh ăn đầu cá, bảo “nó là thứ ngon nhất đời”. Lớn lên con mới biết, vì má muốn giành phần thịt cho con. Má hay bận chiếc áo bà bà màu nâu sẫm, đi đám, đi đồng, ăn cỗ, và cả lần vào Sài Gòn dự lễ tốt nghiệp con… Lớn lên con mới biết, má không cần mặc đẹp, má chỉ cần con trai má trưởng thành. Má bao giờ cũng bảo hổng mệt. Lớn lên con mới biết, mồ hôi đòng đòng má chảy xuống ruộng lúa còn có đứa con sau này phải đi học, phải đi làm và sống cuộc đời nó từng ước mơ…

Má vì con, một đời chưa bao giờ ngừng nghỉ. Vậy mà, có những ngày trời mưa rưng rưng, thấy má lại rầu: Má nợ con nhiều quá! Nợ con không ăn sung mặc sướng như người ta, nợ con cuộc sống không bằng bạn bằng bè, nợ con một gia đình không cha như chái nhà không nóc…

Có đâu má! Má chưa từng nợ con gì cả. Má không cho con người cha nhưng má đã là gia đình, má không cho con sung sướng nhưng má cho con rổ khoai đến trường, má không cho con được bằng bạn bằng bè nhưng má cho con một sự nhà quê rằng ở đời phải biết quý trọng tình thân và đồng tiền. Và má ơi, má chưa từng đi học, vậy mà má đã dạy con mình biết bay trên đôi cánh rồi đó thôi! Con thương má lắm…

Cha mẹ luôn hết lòng vì con cái của mình như thế đấy! Vì với họ, những đứa con là món quà vô giá thượng đế gửi tặng trong cuộc sống. Nhưng đã bao giờ bạn thấy mẹ mình đã bao nhiêu tuổi già nua, mắt mẹ bao nhiêu vần đục, mặt mẹ bao vết chân chim, tóc mẹ bao sợi muối tiêu, và tay chân mẹ đã bao vệt đồi mồi…

Chúng ta đã bao giờ nhìn cha mẹ như cách họ đã từng ngày nhìn chúng ta lớn lên?

Trong ngày lễ Vu Lan báo hiếu này, sao không thử một lần đứng lại và nhìn vào đôi mắt nâu, có cười, có khóc ấy. Nói cho mẹ nghe rằng: Con cảm ơn, vì đã cho con làm con của mẹ. Con xin lỗi, vì đã sinh ra là con của mẹ…

Bởi tất cả đứa trẻ trên thế giới này đều nợ mẹ lời xin lỗi, cảm ơn: “Xin lỗi và cảm ơn, con là con của mẹ”.

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con…”

Huy Hậu - Tuấn Lê

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/doi-song/xin-loi-va-cam-on-vi-da-cho-con-lam-con-cua-me-3521791.html