Chương trình phục hồi kinh tế: Tốc độ giải ngân là yếu tố quyết định

Đầu tư công chiếm một phần lớn nguồn lực của gói chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng. Vì vậy, hiệu quả phục hồi kinh tế sẽ phải trông chờ nhiều vào công tác giải ngân đầu tư công. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực tập trung nhiều khó khăn nhất trong triển khai các nhiệm vụ của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Khó khăn chủ yếu ở phần đầu tư công

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đến nay hầu hết bộ, cơ quan và địa phương đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP.

Cập nhật sơ bộ đến ngày 2/3/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được chương trình, kế hoạch hành động của 10 bộ, cơ quan trung ương; trong đó xác định thứ tự ưu tiên và thời hạn hoàn thành của từng nhiệm vụ, phân công, phân nhiệm rõ ràng gắn với đề cao trách nhiệm của người đứng đầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 126/CĐ-TTg.

Lắp đặt đường ray tuyến metro số 1, TP. Hồ Chí Minh.

Về rà soát, xây dựng danh mục, phương án phân bổ vốn đầu tư công, đến hết ngày 2/3, có 20 bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã báo cáo nhiệm vụ, dự án và phương án phân bổ vốn đầu tư thuộc chương trình, với tổng số vốn là 121.820 tỷ đồng cho 120 nhiệm vụ, dự án, trong đó dự kiến vốn bố trí năm 2022 là 16.828,748 tỷ đồng và năm 2023 là 104.991,252 tỷ đồng, số vốn còn lại chưa có phương án phân bổ chi tiết là 14.180 tỷ đồng.

Có 47 bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo đề xuất bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho các dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, với tổng số vốn là 22.435,990 tỷ đồng, nếu tính cả số vốn dự kiến bố trí năm 2022 của các dự án thuộc chương trình thì con số này là 39.264,738 tỷ đồng.

Có thể triển khai được các gói đầu tư từ tháng 4, tháng 5

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có ý kiến đối với Chính phủ về việc chỉ đạo trong thời gian tới theo hướng cho các bộ, ngành, địa phương nào xong trước thì tổng hợp, trình Thủ tướng các dự án đầu tư công; bộ, ngành nào hoàn thiện sau thì trình sau. Trên cơ sở đó, sau khi có ý kiến của Chính phủ, có nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có dự kiến tiến độ triển khai trong thời gian sắp tới. Về cơ bản, đến tháng 4 và tháng 5 có thể triển khai được gói đầu tư.

Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ xây dựng danh mục mà quan trọng là các công tác chuẩn bị dự án và sẵn sàng các điều kiện để có thể triển khai. Đó cũng chính là lý do mà tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, khó khăn chủ yếu tập trung ở phần về đầu tư công, do liên quan đến nhiều dự án cũng như trình tự, thủ tục phê duyệt các dự án.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, tiến độ cũng như công tác tổng hợp các dự án đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay chậm hơn một chút do các bộ, ngành, địa phương có tiến độ thực hiện rất khác nhau, thường có sự chờ đợi lẫn nhau.

Tốc độ giải ngân nhanh sẽ hỗ trợ nền kinh tế sớm phục hồi

Bên cạnh đó, ngoài nguồn vốn của chương trình phục hồi, nhiệm vụ của năm 2022 còn trên 526.000 tỷ đồng của chương trình đầu tư công theo dự toán cần được phân bổ và đưa vào giải ngân.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 2 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 44.612 tỷ đồng, bằng 8,61% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Về cơ bản, đây là tín hiệu tích cực, khả quan, cho thấy các giải pháp các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phù hợp, cần tiếp tục phát huy để phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch đã được Quốc hội phê duyệt.

Tuy vậy, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ còn khá lớn (gần 95 nghìn tỷ đồng), bằng 18% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sớm phân bổ hết phần vốn còn lại và nhanh chóng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Nếu đến hết quý I/2022 không phân bổ hết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể xem xét điều chuyển.

Nhìn nhận về tác động của việc đẩy mạnh đầu tư công - hạ tầng, báo cáo đánh giá của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, gói kích thích kinh tế, đặc biệt trong đó là gói đầu tư công sẽ là khung sườn cho kế hoạch phục hồi kinh tế của Chính phủ trong giai đoạn 2022 - 2023. Mặc dù quy mô không lớn so với quy mô gói kích thích kinh tế của một số nước phát triển hoặc một số nước Đông Nam Á, nhưng điểm then chốt để đạt được tính hiệu quả tối ưu lại nằm ở yếu tố tốc độ giải ngân nhanh có thể giúp cho doanh nghiệp bước đầu vượt qua khó khăn, qua đó hỗ trợ nền kinh tế sớm phục hồi.

Trước đó, theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tiến độ giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2021 ghi nhận mức giảm dự kiến khoảng 8,6% so với cùng kỳ, ước đạt 84,3% so với kế hoạch. Về điều này, BSC lưu ý tốc độ giải ngân vốn đầu tư công bị chậm lại khá đáng kể trong quý III/2021 do làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh tại các tỉnh thành khu vực phía Nam.

Năm 2022, BSC dự báo tổng giá trị giải ngân đầu tư công đạt khoảng 526.106 tỷ đồng (tăng 4,7% so với năm 2021). "Điểm chúng tôi kỳ vọng, tỷ lệ thực hiện giải ngân đầu tư công sẽ quay về mức trên 90% với sự quyết tâm cũng như chính sách tương đối rõ ràng từ Chính phủ" - chuyên gia của BSC nhận định.

Cải thiện môi trường kinh doanh thực chất sẽ giúp nền kinh tế
nhanh phục hồi

Trả lời báo chí mới đây, ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, bộ này đang thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương có các kế hoạch, hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết 02/2022/NQ-CP, gắn với kế hoạch thực hiện Nghị quyết 11/2022/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, đảm bảo yêu cầu thực chất.

Hiện tại, phần lớn các bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai. Còn một số bộ, ngành, đặc biệt là khá nhiều địa phương chưa ban hành. “Có thể nói, các bộ, ngành địa phương đều thể hiện quyết tâm, cam kết thực hiện các giải pháp để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng môi trường kinh doanh cần những cải cách thực chất, nghĩa là cần các kế hoạch thực hiện rất cụ thể với các giải pháp, nhiệm vụ rõ ràng. Chỉ khi đó, nghị quyết mới đi được vào cuộc sống” – Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 02/2022/NQ-CP là để thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương hành động cụ thể, đồng bộ. Tuy nhiên theo ông Trần Duy Đông, một bộ, ngành hay một địa phương không thể cải thiện môi trường kinh doanh được, mà cần sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng, vì các vấn đề, nội dung cần cải cách liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương…

Cũng theo ông Trần Duy Đông, các nỗ lực cải cách thực chất sẽ có khó khăn nhất định. Khó khăn đến từ một số bộ, ngành, địa phương chưa triển khai quyết liệt hay ngại đổi mới. Nhưng tư tưởng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất rõ ràng, quyết liệt. Đó là đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật theo tinh thần là giảm tối đa thủ tục, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, người dân; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, gắn với cơ chế giám sát, kiểm tra có hiệu quả.

“Chúng tôi cho rằng, sẽ có những lực cản, nhưng bộ máy phải tuân thủ chỉ đạo chung của Thủ tướng, của Chính phủ” – lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/toc-do-giai-ngan-la-yeu-to-quyet-dinh-101429.html