Vu Lan báo hiếu và ý nghĩa trong đời sống

Lễ Vu lan vào dịp tháng bảy âm lịch hàng năm là một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà tổ tiên. Nét đẹp văn hóa này được bắt nguồn từ đạo Phật với những ý nghĩa nhân văn, giáo dục lòng hiếu thảo cho con người từ xưa đến nay vẫn còn nguyên vẹn giá trị.

Tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu tại chùa Đồng Đắc (Kim Sơn).

Lễ Vu Lan báo hiếu được tổ chức tại các chùa, cơ sở thờ tự, tổ chức tại nhà thờ họ, cúng tại gia đình thời gian nửa đầu tháng bảy âm lịch hàng năm, ngày trọng lễ là chính rằm tháng bảy. Các nghi thức báo hiếu được thực hiện như: dâng hoa, dâng lục cúng; thuyết giảng bài cảm niệm ân sư (bài niệm của học trò với công ơn thầy); thuyết giảng bài cảm niệm cha mẹ (về ý nghĩa hoa hồng cài ngực trong ngày lễ Vu Lan, ngực ai cài hoa hồng đỏ người hạnh phúc nhất vì còn cả cha và mẹ; ngực cài hoa hồng nhạt là người đã mất đi cha hoặc mẹ; ngực cài hoa trắng là người đã mất cả cha và mẹ); lễ dâng y của phật tử với chư tăng tỏ lòng cảm ơn chư tăng đã hồi hướng cha mẹ và bài thuyết pháp chư tôn đức chứng minh.

Thiêng liêng nhất là nghi thức cài hoa hồng cho Chư Tôn Đức và toàn thể Phật tử và nhân dân đến dự lễ Vu Lan. Đây là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng rộng lớn, góp phần giữ gìn, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Đối với gia đình ông Nguyễn Văn Thụy (phố Phúc Hòa, phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình), sau khi tham gia lễ Vu lan tại chùa cùng các tăng ni, tín đồ phật tử và nhân dân địa phương, trở về nhà ông lại cùng vợ và các con trang trọng làm lễ cúng Vu Lan với tất cả lòng thành kính và tâm đức dâng lên tổ tiên, ông bà. Dù ở xa, hay ở gần, dù bận rộn thì những người con của ông cũng đều sắp xếp công việc, thời gian về nhà cùng với bố mẹ chuẩn bị chu đáo cho buổi lễ.

Đây cũng là dịp, con cháu trong gia đình được gặp mặt đông đủ, cùng làm những món ăn chay để bày tỏ tấm lòng thơm thảo dâng lên tổ tiên, ông bà, cầu nguyện những điều may mắn, an lành đến với mọi người. Đồng thời là dịp ông răn dạy con cháu đạo làm con, hiếu hạnh với cha mẹ, ông bà, biết kính trên nhường dưới, sống tốt với mọi người xung quanh.

Nhiều năm nay, cô Đỗ Thị Hoàng Yến (xóm 6, xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn) đã làm tròn chữ hiếu với cha mẹ đẻ của cô khi hàng ngày cô chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho bố mẹ già đã gần 90 tuổi được sống vui, sống khỏe, làm chỗ dựa cho con cháu. Đồng thời, cô Yến thực hiện hiếu nghĩa rất chu đáo với bố mẹ chồng đã mất, cứ tháng bảy âm lịch hàng năm bà đều tổ chức lễ phả độ gia tiên, nhằm cầu mong cho người đã mất siêu sinh; răn dạy con cái ngoan ngoãn, sống đúng đạo làm con. Hiện nay 3 người con của cô đã trưởng thành, có công việc làm ổn định và luôn hiếu thảo với cha mẹ.

Lễ cúng gia tiên trong ngay lễ Vu lan của một gia đình ở thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn).

Với người Việt, lễ Vu Lan được xem như “mùa báo hiếu”, trở thành ngày lễ mang nét đẹp nhân văn sâu sắc, ngày càng được bồi đắp, góp phần tôn vinh đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam. Theo Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cho biết: Xuất phát từ sự tích Tôn Giả Mục Kiều Liên (là 1 trong 10 đệ tử xuất sắc của Phật Thích Ca Mâu Ni), cứu mẹ mình là bà Thanh Đề ra khỏi địa ngục theo Kinh Vu Lan của Đức Phật.

Để cứu được mẹ, Mục Kiều Liên đã tìm đến Đức Phật và được Phật dạy, dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đội được nghiệp của người mẹ mình, không đủ sức cứu được mẹ, mà để cứu được mẹ phải nhờ hợp lực chư tăng khắp mười phương chú nguyện gia trì trong 3 tháng an cư kết hạ. Ngày rằm tháng bảy là ngày chư tăng tự tứ, là ngày các chư tăng đã tu học có đạo lực mạnh mẽ, là ngày thích hợp, hãy sắm sửa lễ vật dâng cúng vào ngày đó và cầu thỉnh chư tăng chú nguyện cho mẹ ông.

Làm theo lời Phật dạy, Mục Kiều Liên đã cứu được mẹ thoát khỏi ngục khổ ải. Từ đó về sau, Đức Phật dạy những người con hiếu hạnh với người cha người mẹ của mình hãy lấy ngày Vu Lan tháng bảy để thực hiện theo tinh thần, phương pháp của ngài Mục Thiền Liên báo hiếu cho người cha, người mẹ, người thân mình quá cố được thác sinh về thế giới an lành. Đồng thời, cầu nguyện tri ân, cầu cho quốc thái dân an.

Do đó, Vu Lan là ngày lễ hàng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ nhiều đời và ông bà tổ tiên nói chung. Ý nghĩa của lễ Vu Lan trong tâm thức người Việt là đặt chữ hiếu lên hàng đầu. Ngày lễ Vu Lan là dịp nhắc nhở các thế hệ con cháu nhớ công ơn dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, đồng thời giúp mọi người tiếp cận ý nghĩa giáo dục đầy nhân văn của văn hóa Phật giáo về chữ hiếu thuận, hiếu nghĩa, hiếu lễ, đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Thực tế có thể có người chưa hiểu đúng về lễ Vu Lan nên trong những năm gần đây vẫn còn không ít những việc làm không đúng với thuần phong mỹ tục như tham gia lễ bái quá nhiều; việc mua sắm, việc đốt vàng mã vẫn diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, việc làm này cần hạn chế bởi vừa ảnh hưởng nhiều tới kinh tế lại gây ô nhiễm môi trường, mê tín dị đoan khi đốt vàng mã dâng tiến với quan niệm “trần sao âm vậy”.

Thay vì mang nặng tư tưởng mê tín dị đoan, người dân nên coi đây là dịp cầu an, phóng sinh và đề cao việc báo hiếu, làm phúc… thể hiện lòng kính trọng, tôn nghiêm của người còn sống đối với người đã khuất. Đây là một tập tục đẹp của dân tộc ta trên tinh thần của Phật giáo, từ đó hướng con người tới việc tu tâm, tích đức, hướng đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Bài, ảnh: Tiến Minh

Nguồn Ninh Bình: http://baoninhbinh.org.vn/vu-lan-bao-hieu-va-y-nghia-trong-doi-song-201908140432256p3c24.htm