Vũ Lâm Thảo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Quốc tế

Vũ Lâm Thảo sinh ra ở xã Xuân Bái (Thọ Xuân). Nhà anh ở gần đập Bái Thượng - một công trình thế kỷ đem nước mát đến cho hàng chục nghìn héc-ta lúa màu. Những năm gần đây lại có thêm Công trình Thủy lợi – Thủy điện Cửa Đạt cũng ở gần nhà anh. Chỉ hai công trình ấy cũng đã đem lại cho Vũ Lâm Thảo nhiều cảm hứng để sáng tạo nghệ thuật hội họa và nhiếp ảnh.

Tôi biết Vũ Lâm Thảo khi anh làm việc với tôi ở Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thọ Xuân. Sau đó, anh được đi đào tạo ở Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh (nay là Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thah Hóa), Khoa Hội họa và Âm nhạc. Anh học khá, lại có năng khiếu nên đã có tác phẩm ngay từ khi còn là sinh viên. Nhưng rồi “Cơm áo không đùa với khách thơ”, gia cảnh lúc đó khó khăn, anh tạm gác đam mê nghệ thuật để làm nghề kiếm sống cho gia đình. Tuy nhiên, lúc nào Vũ Lâm Thảo cũng đau đáu nỗi niềm làm nghệ thuật. Và khi đã có nguồn kinh tế vững vàng, con cái trưởng thành, anh lại tìm đến tôi để cùng nhau bùng cháy ngọn lửa nghệ thuật nhiếp ảnh. Những tác phẩm đầu tay như: Bản hòa tấu, Những dũng tướng Sơn Tinh, Bay lên, Nắng sớm... đã được chọn trưng bày triển lãm khu vực và toàn quốc. Đấy là cú hích để Thảo cầm máy vững hơn, tự tin hơn để bước tiếp.

Được đào tạo cơ bản, nên anh luôn nghĩ lưu giữ ký ức là một công việc lớn lao của nhiếp ảnh. Giá trị lớn nhất tạo nên sự thần kỳ của nhiếp ảnh chính là “Biến khoảnh khắc thành vĩnh cửu”, có nghĩa là ghi nhớ cái hiện tại cho tương lai, khi cái hiện tại ấy đã trở thành một phần của quá khứ. Thảo đã đem lại giá trị của cái chất tư liệu thấm đẫm trong từng bức ảnh anh ghi được trên công trình thế kỷ hồ Cửa Đạt.

Từ góc nhìn “xung quanh nhà mình”, Vũ Lâm Thảo dương máy xa hơn ở những cảnh quan đất nước, tâm khảm con người đang thắp sáng nhiều hy vọng. Ống kính mẫn cán và tài hoa của anh đã vững bước đi vào những cánh rừng đại ngàn, những con suối róc rách, những thửa ruộng bậc thang no ấm; những dòng sông thơ mộng với người chài lưới, những hình ảnh trên biển, hoàng hôn trên mặt hồ nước xao động. Bước chân người nghệ sĩ dài theo năm tháng, thì tác phẩm ảnh của anh cũng theo tỷ lệ mà cao dần lên. Từ một thợ mộc cừ khôi với những sản phẩm đầy sáng tạo nghệ thuật, anh bước vào thế giới nhiếp ảnh với những mùa màng bội thu. Được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh của tỉnh, rồi Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam với tư thế thừa tiêu chuẩn.

Vũ Lâm Thảo thường nói với tôi: “Là hội viên của Trung ương Hội, cháu thấy trách nhiệm của mình càng nặng nề hơn, cháu cần cố gắng để có những tác phẩm mới sáng tạo hơn, tầm vóc hơn”. Đúng thôi, nhiếp ảnh thường thấy hay lặp lại mình, lặp lại người khác. Để có một bức ảnh có tầm tư tưởng cao, có sự khám phá, trước hết người nghệ sĩ phải có tư duy mới, có hiểu biết sâu rộng về cuộc sống, thiên nhiên và con người mới có thể lột tả được. Người họa sĩ cầm bút vẽ để mô tả, dựng lên tác phẩm hội họa. Còn người nghệ sĩ nhiếp ảnh từ ống kính của mình vẽ bằng ánh sáng và khuôn hình cùng với khoảnh khắc kỳ diệu sẽ làm nên tác phẩm nhiếp ảnh. Những nghệ sĩ tay ngang, không có kiến thức, bắt chước người khác thì không bao giờ có tác phẩm lớn, có được một bức ảnh nào đó vào giải chỉ là ăn may mà thôi.

Vũ Lâm Thảo vào nghề nhiếp ảnh một cách bình tĩnh, ung dung vì luôn học hỏi nâng cao tầm kiến thức. Sự khiêm tốn và cần mẫn đã đem lại cho Thảo một góc nhìn đa dạng, những ánh sáng huyền ảo, những khuôn hình ấn tượng khiến mắt ta vừa nhìn thấy đã say. Những tác phẩm như: “Duyên quê - Triển lãm quốc tế tại Mỹ 2011; Nắng sớm Quảng Cư - Giải ba khu vực miền Trung 2008; Bay lên - Giải ba khu vực miền Trung 2006; Gìn giữ - triển lãm ảnh nghệ thuật toàn quốc 2011” đã nói lên điều đó.

Vũ Lâm Thảo tiến xa hơn một bước nữa, anh có hàng trăm tác phẩm triển lãm và đoạt giải ở nhiều quốc gia trên thế giới, tiêu biểu như: Đất và nước, Dẻo nét hoa văn, Bia Vĩnh Lăng, Chiều Thành Nhà Hồ, Mừng Đại lễ, Gìn giữ, Bay lên, Bên dòng suối mát, Xuôi dòng, Như Xuân xanh, Rũ cói, Hàng xuất khẩu, Cầu trượt...; được kết nạp vào Liên đoàn Nhiếp ảnh quốc tế và không bao lâu anh đã trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế với tước hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế xuất sắc EPIAP.

Đời người có một tác phẩm nhiếp ảnh nổi tiếng được mọi người ghi nhớ thật ra cũng đã rất khó. Nhiếp ảnh nghệ thuật là công cuộc đi tìm ánh sáng. Người nghệ sĩ phải thức dậy từ bốn giờ sáng để đợi bình minh lên, phải nằm “rình” suốt mấy ngày liền để có một áng mây luồn qua đỉnh núi, để ghi lại khoảnh khắc một thung sâu. Bước chân đi vạn dặm, không sợ hao tiền của để có một tác phẩm để đời. Đó là một cuộc dạo chơi đầy gian nan vất vả. Vũ Lâm Thảo thường nói với tôi: “Cháu chụp ảnh không nhằm mục đích lấy giải nọ, giải kia; cũng không vì tước hiệu nọ, tước hiệu kia. Cháu cầm máy chỉ để thỏa mãn ước mơ về nghệ thuật, mà nghệ thuật thì vô cùng, còn phải cố gắng nhiều chú ạ”.

Vũ Lâm Thảo thường khiêm tốn xưng hô với tôi như thế. Vì anh một thời vừa là nhân viên dưới quyền tôi, vừa là học trò giỏi mà tôi dìu anh vào con đường nghệ thuật. Những lời tâm sự ấy với một người thầy cũng chính là sự ghi ơn công thầy dìu dắt. Mặc dù chúng tôi đã lớn tuổi cả rồi, nhưng tình thầy trò, chú cháu vẫn ấm áp như xưa.

Người làm nghệ thuật thực thụ phải có cái tâm sáng, có sự minh mẫn tinh tường và hơn hết phải có đạo đức, sống thủy chung mới là đích thực. Vũ Lâm Thảo tiến một bước tiến xa và còn nhiều kỳ vọng. Chính vì anh là người nghệ sĩ chân chính hết mình vì nghệ thuật, nêu cao một tấm gương sáng về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân của người cầm máy.

Trần Đàm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/vu-lam-thao-nghe-si-nhiep-anh-quoc-te/100439.htm