Vụ làm giả bệnh án tâm thần: Những đối tượng liên quan sẽ bị 'xử' tội gì?

Trong vụ án này, đã có sự 'nhúng chàm' của bác sĩ, nhân viên y tế hòng giúp tội phạm trốn tránh việc xử lý của cơ quan bảo vệ pháp luật.

Chặt cả quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện

Quy trình giám định pháp y tâm thần hiện được quy định tại Thông tư số 18/2015/TT-BYT của Bộ Y tế. Quy định pháp luật là vậy và trên thực tế, quy trình để giám định pháp y một người có bị mắc tâm thần hay không luôn được tuân thủ một cách rất nghiêm ngặt.

Theo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, nhiều trường hợp bệnh lý thể hiện rõ ràng chỉ cần khám và quan sát trong một ngày (tại phòng) là có thể đưa ra quyết định bệnh nhân có bị tâm thần hay không. Cách giám định này chỉ dùng cho những trường hợp đơn giản. Tuy nhiên, trường hợp phức tạp cần phải điều trị nội trú trong một thời gian nhất định, sau đó hội đồng chuyên môn cùng đưa ra kết luận. Tùy theo tình hình thực tế, tính chất từng vụ việc, các tổ chức pháp y tâm thần lựa chọn hình thức giám định cho phù hợp tại phòng hay nội trú để đưa ra quyết định.

Riêng các trường hợp liên quan tới các vụ án hình sự thông thường sẽ phải thực hiện giám định điều trị nội trú và làm theo một quy trình rất nghiêm túc. Trước hết, bệnh viện sẽ tiếp nhận hồ sơ trưng cầu hoặc yêu cầu giám định. Hồ sơ phải được gửi tới bệnh viện trước để nghiên cứu, xem xét, quyết định việc tiếp nhận trưng cầu hoặc yêu cầu giám định, phân công người thực hiện giám định. Sau khi hồ sơ được tiếp nhận, bệnh viện sẽ có văn bản trả lời tiếp nhận giám định hay từ chối (nếu từ chối sẽ có lý do).

Hội đồng chuyên môn của bệnh viện sẽ phải nghiên cứu hồ sơ của đối tượng, tiếp đến đối tượng sẽ được theo dõi tại buồng bệnh, trường hợp cần thiết phải theo dõi bằng camera. Giám định viên tham gia giám định theo dõi sát, ghi chép tỉ mỉ, đầy đủ mọi diễn biến của đối tượng giám định vào bệnh án theo dõi giám định.

Đối tượng sẽ được thăm khám lâm sàng khám tâm thần, khám nội khoa và thần kinh, khám chuyên khoa khác nếu cần thiết. Mọi diễn biến lâm sàng của bệnh nhân sẽ được ghi chép đầy đủ vào bệnh án. Một số thăm khám cận lâm sàng cần phải thực hiện khi giám định như xét nghiệm máu, nước tiểu, X-quang tim, phổi thẳng, X-quang sọ não, điện não đồ, điện tâm đồ, các trắc nghiệm tâm lý… Trong một số trường hợp, còn xét nghiệm CT.Scanner sọ não hoặc MRI sọ não…

Sau khi theo dõi bệnh nhân một tháng cùng với những kết quả khám lâm sàng, cận lâm sàng, hội đồng chuyên môn sẽ họp để cùng đưa ra quyết định. Hội đồng chuyên môn phải chịu trách nhiệm về kết luận của mình trước pháp luật.

Làm rõ cách thức, thủ đoạn để xác định tội phạm

Quy trình giám định pháp y tâm thần đã chặt chẽ, rõ ràng cả về pháp luật và thực tiễn như trên mà vẫn có những bác sĩ, nhân viên y tế không làm chủ được bản thân thì nguyên nhân không gì khác là “tham tiền”. Hành vi làm giả bệnh án tâm thần không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp mà còn bao che, tiếp tay cho những kẻ phạm tội lộng hành, trốn tránh pháp luật.

Theo Luật sư Phạm Thị Ngọc Oanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), với hồ sơ bệnh án tâm thần giả do các bệnh viện tâm thần làm ra, cần phải làm rõ cách thức, thủ đoạn làm giả, người làm giả để có căn cứ xác định có hay không có hành vi phạm tội và phạm tội gì.

Nữ Luật sư cho biết, với loại hồ sơ do giám định viên, bác sĩ được phân công kiểm tra, xác nhận thì hành vi của người làm giả sẽ thuộc vào trường hợp thi hành công vụ, nhiệm vụ. Lúc này, họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, trái công vụ được giao. Nếu người này đã nhận hoặc có hứa hẹn sẽ nhận được lợi ích vật chất hoặc phi vật chất để làm giả hồ sơ bệnh án, thì việc làm giả của họ có dấu hiệu của tội “Nhận hối lộ” theo Điều 354 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, người đưa tiền có dấu hiệu của tội “Đưa hối lộ” (Điều 364 BLHS năm 2015).

Nếu không chứng minh được tình tiết đã hoặc sẽ nhận lợi ích thì người phạm tội có thể bị xem xét về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (Điều 356 BLHS năm 2015); hoặc tội “Giả mạo trong công tác” (Điều 359 BLHS năm 2015). Trong trường hợp người làm giả là những cá nhân không được phân công công việc đó thì sẽ xác định họ không có chức vụ, quyền hạn đối với việc làm giả. Do đó, họ sẽ không bị định tội danh đối với nhóm về chức vụ mà có thể xem xét theo tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” (Điều 341 BLHS năm 2015).

Về trách nhiệm đối với người sử dụng hồ sơ giả, nếu họ có mục đích dùng hồ sơ để trốn tránh việc bị xử lý về hành vi vi phạm pháp luật (không chứng minh được có tội “Đưa hối lộ”), thì có thể bị xem xét theo tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” (Điều 341 BLHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung). Bởi việc làm giả giấy tờ trên thực tế không chỉ do những người trong các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện mà còn do những người khác thực hiện.

Uyên San

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/vu-lam-gia-benh-an-tam-than-nhung-doi-tuong-lien-quan-se-bi-xu-toi-gi-d75670.html