Vụ kỷ luật 3 CSGT hành hung, lăng mạ tài xế: Sao không nghiêm như vụ nữ đại úy Lê Thị Hiền?

Luật sư cho rằng việc Công an tỉnh Bắc Giang kỷ luật điều chuyển 3 cán bộ CSGT hành hung, lăng mạ tài xế xe tải ra khỏi lực lượng CSGT (bố trí công tác khác) là chưa tương xứng với những hành vi vi phạm.

Liên quan đến việc xử lý 3 cán bộ CSGT (Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) lăng mạ, hành hung nam tài xế xe tải sau khi tài xế này vi phạm rồi bỏ chạy, hiện dư luận đang băn khoăn về mức kỷ luật của Công an tỉnh Bắc Giang trong vụ việc.

Hình ảnh CSGT hành hung, lăng mạ tài xế vi phạm được lan truyền trên mạng xã hội

Theo Công an tỉnh Bắc Giang, ngày 29-11, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện thông tin phản ánh 3 cán bộ CSGT có hành vi, lời nói vi phạm quy tắc ứng xử và Điều lệnh Công an nhân dân. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ vi phạm. Từ kết quả xác minh của Tổ công tác, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an huyện Việt Yên xem xét, xử lý kỷ luật đối với 3 cán bộ liên quan, điều chuyển 3 cán bộ này ra khỏi lực lượng CSGT (bố trí công tác khác); hạ xếp loại cán bộ và không phân công nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đối với 2 cán bộ; hạ xếp loại cán bộ, thi đua đối với 2 lãnh đạo Công an huyện Việt Yên, 2 chỉ huy Đội CSGT có liên quan.

Theo quan điểm của Luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội), Khoản 1, Điều 44, Luật Công an nhân dân 2018 quy định Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân, công nhân công an vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật. Mặt khác, Khoản 3, Điều 7, Thông tư 27/2017/TT-BCA của Bộ Công an nêu rõ: Khi tiếp xúc với người vi phạm pháp luật, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; có thái độ ứng xử đúng mực, không có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối với người vi phạm.

Hành vi của 3 chiến sĩ CSGT Công an huyện Việt Yên như trên là không chuẩn mực nhưng việc xử lý phải tuân thủ quy định Ngành Công an, tùy tính chất, mức độ có thể bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật khác nhau.

Luật sư Tiền cũng cho rằng hành vi của 3 chiến sĩ CSGT trong vụ việc trên đã làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của người chiến sĩ Công an nhân dân nói riêng và ngành công an nói chung. Đặc biệt, CSGT là người thường xuyên tiếp xúc với người dân nên thái độ, hành vi khi thi hành công vụ càng phải nhã nhặn, chuẩn mực.

So sánh với vụ việc Đại úy Lê Thị Hiền (cán bộ Đội Cảnh sát giao thông-Trật tự-Phản ứng nhanh Công an quận Đống Đa, Hà Nội; người đã có những hành vi lăng mạ nhân viên, làm náo loạn tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 11-8-2019; người này sau đó đã bị khai trừ Đảng, cho viết đơn ra khỏi ngành), Luật sư Tiền cho rằng việc xử lý kỷ luật trong vụ việc trên của Công an tỉnh Bắc Giang là chưa tương xứng, khiến người dân khó chấp nhận. Lãnh đạo Bộ Công an cần sớm chấn chỉnh tác phong, thái độ của đội ngũ chiến sĩ Công an nhân dân để hạn chế tối đa những vụ việc tương tự xảy ra.

CSGT hành hung, lăng mạ tài xế vi phạm

CSGT hành hung, lăng mạ tài xế vi phạm

B.H.Thanh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/vu-ky-luat-3-csgt-hanh-hung-lang-ma-tai-xe-sao-khong-nghiem-nhu-vu-nu-dai-uy-le-thi-hien-20201215115722447.htm