Vụ kiện Thần đồng đất Việt: 'Nếu đồng tác giả sẽ chấn động thế giới'

Luật sư cho rằng nếu cấp phúc thẩm phán quyết bà Hạnh và ông Linh là đồng tác giả của Thần đồng đất Việt thì sẽ 'chấn động' thế giới.

Sáng 20/8, sau gần một tháng tạm ngừng vì họa sĩ Lê Linh bị bệnh, TAND TP.HCM tiếp tục phân xử vụ tranh chấp tác quyền 4 hình tượng nhân vật trong truyện Thần đồng đất Việt.

Tại phiên tòa sáng nay, phía Công ty Phan Thị, bà Phan Thị Mỹ Hạnh và Lê Linh tiếp tục tranh luận gay gắt về việc ai mới chính là tác giả của các nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo và Cả Mẹo.

Ông Lê Linh lần đầu trình bản thảo gốc truyện Thần đồng đất Việt Sáng 20/8, trong phiên tòa phúc thẩm tranh chấp tác quyền 4 nhân vật của truyện Thần đồng đất Việt, họa sĩ Lê Linh lần đầu đã trình ra bản thảo gốc truyện 18 năm trước.

Bà Mỹ Hạnh: "Tôi cùng làm việc với Lê Linh để vẽ"

Ông Nguyễn Vân Nam (người đại diện cho Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh) khẳng định họa sĩ Lê Linh không có dấu ấn cá nhân khi sáng tạo các nhân vật trong truyện Thần đồng đất Việt; không có cơ sở hay bằng chứng xác định bản thảo ông Linh cung cấp là bản gốc chứ không phải sao chép và bản thảo đó phía bị đơn cho rằng không biết Lê Linh dùng cho Thần đồng đất Việt hay là truyện Long Thánh được sáng tác sau khi rời khỏi Phan Thị.

Ông Nam nhấn mạnh nếu tòa công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất sẽ trái pháp luật. Bản chất truyện tranh khác các tác phẩm hội họa, có cốt truyện và tranh. Lê Linh cần chứng minh dấu ấn cá nhân của mình trong các hình vẽ nhân vật để đảm bảo không hề bắt chước ai.

Ông Nguyễn Vân Nam (người đại diện cho phía Phan Thị) trình bản vẽ, cho rằng nhân vật của Lê Linh vẽ ban đầu không giống với truyện Thần đồng đất Việt. Ảnh: Quang Anh.

Ông Nguyễn Vân Nam (người đại diện cho phía Phan Thị) trình bản vẽ, cho rằng nhân vật của Lê Linh vẽ ban đầu không giống với truyện Thần đồng đất Việt. Ảnh: Quang Anh.

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh thừa nhận hình ảnh các nhân vật là do Lê Linh vẽ, tuy nhiên, bà lấy dẫn chứng tập truyện số 3 vị họa sĩ vẽ không đúng ý bà nên chính bà đã đưa ý kiến, góp ý. Khung hình lúc đó của Lê Linh khác biệt với hình ảnh trong giấy chứng nhận. "Năm 2001 là chúng tôi cùng làm việc với nhau chứ không phải như Lê Linh nói là chủ động hoàn toàn", bà chủ Phan Thị trình bày.

Bà chủ Phan Thị nói 8 năm trước, bà và ông Linh thống nhất Thần đồng đất Việt là của "tập thể tác giả" nhưng không hiểu sao 6 năm sau chính Lê Linh lại phản bác sự đồng thuận của chính ông.

"Người khác nhìn biết tôi vẽ"

Tranh luận lại, luật sư của Lê Linh bác bỏ quan điểm của bị đơn khi cho rằng 4 nhân vật đã hình thành trong trí óc của bà Hạnh, đích thân bà kiểm soát chặt chẽ lúc ông Linh vẽ nên bà là tác giả.

"Không thể kiểm chứng hình ảnh trong trí óc bà Hạnh tại thời điểm đó là gì. Dù bà Hạnh mô tả chi tiết đến mấy thì mỗi họa sĩ sẽ có cách vẽ riêng mang phong cách của họ. Bị đơn không có tài liệu chứng cứ chứng minh cho kháng cáo của mình là có cơ sở pháp luật", luật sư nói và đề nghị tòa phúc thẩm giữ nguyên án sơ thẩm, bác bỏ yêu cầu kháng cáo của phía bị đơn.

Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn (luật sư cùng bảo vệ quyền lợi cho Lê Linh) phân tích không có điều ước quốc tế nào, kể cả luật Việt Nam hay luật nước nào có khái niệm “dấu ấn cá nhân” như trình bày của phía ông Nguyễn Vân Nam.

Việc bà Hạnh nói ông Linh vẽ từ tập 3 là gián tiếp thừa nhận việc chính Lê Linh là người vẽ Thần đồng đất Việt. “Góp ý kiến cho người khác tạo ra tác phẩm thì không được gọi là tác giả, luật không cho phép... Cả thế giới không ai công nhận người góp ý kiến là tác giả", luật sư Khánh Toàn nói và cho rằng nếu tòa phúc thẩm phán quyết của bà Hạnh và ông Linh là đồng tác giả thì thế giới sẽ "chấn động" vì lần đầu tiên một tác phẩm "có đồng tác giả kỳ lạ như vậy".

Họa sĩ Lê Linh. Ảnh: Trương Khởi.

Luật sư Toàn cũng viện dẫn luật của Mỹ quy định khác các nước, đó là khi thuê người khác vẽ thì chính người thuê là tác giả. Tuy nhiên, điều này chỉ ở thiểu số, đa số các quốc gia đều có quan niệm khác, đề cao tác giả là người vẽ nên tác phẩm.

Họa sĩ Lê Linh cũng trình ra trước tòa các bản vẽ, chỉ ra đó là những bản thảo đầu tiên mà ông đã giữ bên mình 18 năm.

"Tôi thai nghén ý tưởng, sáng tạo luôn kịch bản. Tôi biết rõ nhân vật thế nào, tính cách ra sao… Hình ảnh ban đầu và về sau khác nhau là hoàn toàn bình thường. Đó là cách họa sĩ hoàn thiện dần, dù có khác nhau nhưng đều do tác giả vẽ ra. Phong cách của tôi đa dạng, người xem sẽ biết do tôi vẽ. Tôi không đóng khung phong cách của tôi. Người khác nhìn biết tôi vẽ, vậy là đủ", vị họa sĩ trình bày.

Sau khi hai bên kết thúc tranh luận, đại diện VKS muốn có thời gian để đưa ra đề nghị phân xử vụ kiện, do đó, HĐXX quyết định sáng 27/8 sẽ tiếp tục.

Hoài Thanh - Quang Anh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vu-kien-than-dong-dat-viet-neu-dong-tac-gia-se-chan-dong-the-gioi-post980598.html