Vụ kiện giữa Vinasun và GrabTaxi: Bác đề nghị triệu tập đại diện Bộ GTVT của bị đơn

Luật sư phía bị đơn yêu cầu HĐXX triệu tập thêm đại diện Bộ GTVT để làm rõ một số vấn đề của đề án thí điểm để đánh giá toàn diện, chính xác hơn nhưng đề nghị này bị bác bỏ.

Sáng nay (18/10), TAND TP HCM tiếp tục ngày làm việc thứ 2, xét xử vụ Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Công ty Ánh Dương - đơn vị sở hữu thương hiệu Taxi Vinasun) kiện Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam (GrabTaxi) về việc tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Phiên tòa sáng nay với phần hỏi đáp giữa nguyên đơn Vinasun với bị đơn Grab.

VOV cho biết, tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn đề nghị Grab làm rõ một số nội dung như cơ sở nào Grab cho rằng đã thu hút 170.000 lao động? Grab có tạo ra thị trường mới ngoài thị trường hành khách của các doanh nghiệp taxi không? Ý kiến của Grab về khảo sát của một đơn vị truyền thông thì có đến hơn 90% người dân xem Grab là taxi? Grab có quản lý lái xe, quản lý thuế hay không?...

Luật sư của Grab đặt câu hỏi với đại diện của Vinasun. Ảnh: VOV

Tại tòa, ông Nguyễn Văn Đức, Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Vinasun nhấn mạnh việc Grab có xuất hóa đơn cho tất cả các hành khách sau khi hoàn thành chuyến đi, Grab có xử lý tài xế khi vi phạm..., bởi theo Quyết định 24, không được xử lý hành chính đối với tài xế.

Bên cạnh đó, luật sư của Grab cũng cho rằng, nhiều nội dung hỏi đáp của phía nguyên đơn đã vượt quá yêu cầu khởi kiện cũng như hiểu biết của phía bị đơn, đặc biệt là những nội dung liên quan đến Quyết định 24 của Bộ GTVT.

Vì thế, luật sư phía bị đơn yêu cầu HĐXX triệu tập thêm các đơn vị cũng tham gia vào đề án thí điểm này với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; đại diện Bộ GTVT để làm rõ một số vấn đề của đề án thí điểm để đánh giá toàn diện, chính xác hơn.

Ngoài ra, Grab cũng đề nghị triệu tập 2 công ty mà Vinasun đã thuê để nghiên cứu thị trường và đại diện Công ty giám định Cửu Long.

Tuy nhiên, đề nghị của Grab không được HĐXX đồng ý bởi phiên tòa đã qua phần triệu tập và đang tiến hành tranh tụng nên chỉ ghi nhận yêu cầu và xem xét khi nghị án.

Theo nội dung vụ kiện, Vinasun cho rằng phía GrabTaxi đã có những phương thức cạnh tranh không lành mạnh… Hành vi này đã gây ảnh hưởng và thiệt hại cho taxi truyền thống như Vinasun, khiến lợi nhuận của Vinasun sụt giảm.

Đại diện Vinasun cho biết, GrabTaxi chỉ có chức năng cung cấp phần mềm kết nối, nhưng trên thực tế là kinh doanh vận tải taxi. GrabTaxi khi thực hiện đề án thí điểm của bộ GTVT đã cố tình đánh tráo khái niệm, ngụy biện mô hình kinh doanh.

GrabTaxi đã vi phạm hàng loạt quy định pháp luật, không tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, vi phạm đề án thí điểm của bộ GTVT, khuyến mại tràn lan, phá giá... và là nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận của Vinasun sụt giảm.

Theo đó, thời điểm năm 2015 lợi nhuận sau thuế của Vinasun là gần 320 tỷ đồng, đến năm 2016 còn hơn 295 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh quý I, quý II năm 2017 của đơn vị chỉ còn 53 tỷ đồng. Đến hết quý II/2017, hơn 8.000 nhân viên của Vinasun nghỉ việc, hàng trăm đầu xe phải nằm bãi.

Phía Vinasun cho rằng, nguyên nhân của việc đơn vị này sụt giảm doanh thu là do những sai phạm của GrabTaxi nên GrabTaxi phải có trách nhiệm bồi thường. Vinasun yêu cầu tòa buộc Grab phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trên 41 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận bị sụt giảm trong thời gian 2 năm 2016, 2017.

Trong khi đó, phía GrabTaxi lại cho rằng, cáo buộc của phía Vinasun là không có căn cứ. Bởi, GrabTaxi chỉ thực hiện theo đề án thí điểm của bộ GTVT và vi phạm (nếu có) thuộc về thẩm quyền xử lý của cơ quan chức năng, cũng như không phải là nguyên nhân khiến lợi nhuận của Vinasun sụt giảm.

Bảo Khánh (T/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/vu-kien-giua-vinasun-va-grabtaxi-bac-de-nghi-trieu-tap-dai-dien-bo-gtvt-cua-bi-don-257587.htm