Vụ kiện dự án Hòa Lân: Nguyên đơn đã rút đơn, sao tòa vẫn xử?

Dự án Hòa Lân từng là của Cty Thiên Phú, đã bị bán đấu giá để thu hồi nợ xấu. Tuy nhiên, sau đó Thiên Phú khởi kiện đòi 'hủy kết quả đấu giá' và được TAND quận 7 (TP HCM) thụ lý giải quyết hơn 1 năm qua.

Nguyên đơn xin rút đơn kiện

Theo nguyên đơn, ông Bùi Thế Sơn (hiện đang bị tạm giam vì liên quan một vụ án khác) hiện vẫn là Chủ tịch HĐTV Cty Thiên Phú (nguyên đơn), nắm giữ 99% cổ phần Cty này. Người góp vốn 1% còn lại (ông Trương Thành Phú) muốn là người đại diện của Thiên Phú thì phải có sự đồng ý của ông Sơn thông qua Nghị quyết HĐTV, tức là phải tổ chức họp HĐTV.

Trong đơn viết ngày 15-9-2020 từ trại giam gửi Tòa, ông Sơn nêu rõ thực tế ông Phú chỉ là tài xế của ông Sơn, đứng tên hộ 1% cổ phần giúp, không có quyền lợi nghĩa vụ liên quan gì đến Cty Thiên Phú. Trong đơn, ông Sơn xin rút toàn bộ nội dung khởi kiện, hủy toàn bộ các ủy quyền cho người khác.

Từ những nội dung trên, bị đơn đề nghị TAND quận 7 chấp nhận đề nghị xin rút đơn khởi kiện của ông Sơn, đình chỉ giải quyết vụ kiện.

Bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Cty Kim Oanh cũng có đơn gửi TAND và VKSND Quận 7 đề nghị hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trong vụ kiện này (phong tỏa dự án Hòa Lân).

Một phần dự án Hòa Lân

Một phần dự án Hòa Lân

Về việc phong tỏa dự án Hòa Lân, Quyết định 01/2019/QĐ-BPKCTT xác định tranh chấp “Hợp đồng bán đấu giá” và “Hợp đồng tín dụng” chứ không xác định tranh chấp liên quan “Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá” có sự tham gia của Kim Oanh. Nhưng thẩm phán lại phong tỏa với tài sản mua từ đấu giá là vô lý.

Kim Oanh không phải là bên có tranh chấp tài sản với Thiên Phú, không liên quan đến các hợp đồng tín dụng, thế chấp của Thiên Phú với Agribank, không liên quan đến thỏa thuận bán đấu giá giữa Agribank với Nam Sài Gòn mà chỉ là bên trúng đấu giá.

“Theo khoản 2, Điều 133 BLDS thì Kim Oanh là bên thứ 3 ngay tình, được pháp luật bảo vệ. Ông Sơn cũng đã có đơn đề nghị rút đơn khởi kiện nhưng TAND quận 7 vẫn áp dụng phong tỏa dự án Hòa Lân là trái luật, gây ra thiệt hại rất lớn cho Kim Oanh. Kim Oanh đề nghị TAND quận 7 nhanh chóng mở lại phiên xét xử và đình chỉ giải quyết, đồng thời ngay lập tức hủy bỏ phong tỏa với dự án Hòa Lân”.

Bộ Công an phát hiện giả mạo chữ ký

Nhiều năm trước, Thiên Phú nợ Agribank hàng ngàn tỷ nên bàn giao tài sản dự án Hòa Lân bán đấu giá trả nợ. Năm 2017, Cty Kim Oanh trúng đấu giá số tiền 1.353 tỷ.

Bất ngờ Thiên Phú khiếu nại đòi hủy kết quả cuộc đấu giá. Thanh tra Bộ Tư pháp vào cuộc, ra kết luận thanh tra, có văn bản gửi Thủ tướng báo cáo toàn bộ quá trình phát mãi, bán đấu giá tài sản về cơ bản thực hiện đúng quy định. Tháng 2/2019, Thiên Phú vẫn khởi kiện ra tận TAND Quận 7 đòi hủy kết quả đấu giá, đòi nhận lại dự án. Tòa Quận 7 sau đó đã ra lệnh “phong tỏa” dự án Hòa Lân.

Tháng 3-2020, TAND quận 7 đưa vụ án ra xét xử. Trong quá trình đó, ông Bùi Thế Sơn (GĐ Thiên Phú) bị bắt vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong vụ án khác; rồi xuất hiện hai người khác là bà Phạm Thị Hường và con dâu là Nguyễn Ngọc Kim Châu mua lại phần vốn góp 90 tỷ đồng tương đương 100% cổ phần Cty Thiên Phú, nộp hồ sơ đến Sở KH&ĐT Bình Dương đòi thay đổi thành viên góp vốn và người đại diện theo pháp luật của Thiên Phú, nhưng không được chấp nhận.

Ngày 24-9, Bộ Công an có Văn bản 3469/CSKT-P10 gửi TAND quận 7, cho biết có văn bản giả mạo chữ ký ông Sơn. Sau khi nhận được đề nghị phối hợp xác minh, thu thập chứng cứ liên quan việc chuyển nhượng vốn góp của Cty Thiên Phú, Bộ Công an phối hợp trích xuất bị can Sơn ghi lời khai, giám định chữ ký, chữ viết của ông Sơn trong hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh của Thiên Phú.

“Kết luận giám định số 2921/C09B, ngày 18-8-2020 của Phân viện Khoa học hình sự tại TP HCM thể hiện: Tại hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh của Cty Thiên Phú do Sở KH&ĐT Bình Dương cung cấp cho CQĐT, toàn bộ chữ ký, chữ viết tên “Bùi Thế Sơn” đều không phải do bị can Bùi Thế Sơn ký và viết”, văn bản nêu.

Biên bản lời khai của bị can Bùi thế Sơn cho thấy giao dịch chuyển nhượng vốn góp cho mẹ con bà Hường chưa có giá trị pháp lý.

Ngày 15-9-2020, từ trại tạm giam, ông Sơn có đơn đề nghị gửi đến TAND quận 7, với bốn nội dung: Đề nghị HĐXX không chấp nhận cho người khác tham gia vụ kiện; hủy toàn bộ ủy quyền trước đây với bà Hà Thị Hồng Quyên là luật sư và ông Nguyễn Văn Tuấn (PGĐ Thiên Phú); khẳng định 1% phần vốn góp của ông Phú tại Cty Thiên Phú là do ông Sơn nhờ Phú đứng tên giúp; đề nghị TAND quận 7 có văn bản kiến nghị CQĐT vào cuộc điều tra vụ việc giả mạo chữ ký ông Sơn.

Sau khi ông Sơn có đơn xin rút đơn kiện, và đề nghị đình chỉ việc thụ lý vụ án theo quy định pháp luật, đồng thời đề nghị hủy toàn bộ ủy quyền của ông Nguyễn Văn Tuấn, ngày 25-6-2020, thẩm phán Lê Thị Phơ đã vào trại giam để lấy lời khai đối với ông Bùi Thế Sơn.

Trong biên bản lấy lời khai, ông Sơn xác nhận: “Tại thời điểm Thiên Phú khởi kiện, có 2 thành viên góp vốn, tôi là giám đốc (99% vốn điều lệ) và ông Đặng Bình Anh Trọng (kế toán công ty, 1% vốn điều lệ). Sau khi khởi kiện tại TAND quận 7, Thiên Phú mới bổ nhiệm ông Tuấn làm PGĐ… Sau đó Cty đã thay đổi đại diện ủy quyền cho bà Hà Thị Hồng Quyên để đại diện Cty tham gia tố tụng tại tòa thay ông Tuấn”. Bị can Sơn khẳng định: “Nay tôi xác định tôi vẫn giữ nguyên yêu cầu rút đơn tại TAND quận 7 và hủy bỏ ủy quyền”.

Vì vậy, việc ông Sơn làm đơn đề nghị là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật. Việc Tòa Quận 7 đang giải quyết vụ án theo yêu cầu khởi kiện của Công Ty Thiên Phú là hoàn toàn không cần thiết, tạo ra nguy cơ gây tổn hại tài sản đã đầu tư của doanh nghiệp.

Nhóm PV

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vu-kien-du-an-hoa-lan-nguyen-don-da-rut-don-sao-toa-van-xu-214872.html