Vụ khủng bố kinh hoàng tại Indonesia:'Bóng ma' IS đã hiện nguyên hình

Năm 2017, khi tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị thất bại thảm hại ở Iraq và Syria, truyền thông quốc tế đã bắt đầu nhắc đến hiện tượng 'bóng ma' IS đang tìm cách vươn vòi bạch tuộc sang khu vực Đông Nam Á.

Sáng 13/5, “bóng ma” ấy đã hiện nguyên hình quỷ dữ trong vụ đánh bom khủng bố kinh hoàng nhằm vào một loạt nhà thờ Thiên chúa giáo ở thành phố Surabaya của Indonesia.

Gia đình IS đánh bom 3 nhà thờ

Sáng 13-5, chỉ trong vòng khoảng 20 phút, 3 nhà thờ Thiên chúa giáo ở thành phố Surabaya - thủ phủ tỉnh Đông Java của Indonesia, bị rung chuyển bởi những vụ đánh bom khủng bố kinh hoàng, làm ít nhất 13 người thiệt mạng và hơn 40 người bị thương. Các vụ đánh bom xảy ra tại nhà thờ Công giáo Thánh Maria Tak Bercela, nhà thờ Thiên chúa giáo Indonesia và nhà thờ Central Pentecost. Mỗi vụ xảy ra cách nhau 10 phút và vụ đánh bom đầu tiên xảy ra vào lúc 7g30 (giờ địa phương).

Chiều 13-5, lực lượng chức năng Indonesia công bố kết quả điều tra sơ bộ, trong đó xác định thủ phạm là một gia đình 6 người gồm bố, mẹ và 4 người con từ 9 đến 18 tuổi. Người phát ngôn cảnh sát Đông Java, ông Frans Barung Mangera cho biết, gia đình này có quan hệ với IS và nằm trong số 500 người Indonesia theo IS trở về từ chiến trường Syria.

Trong loạt vụ tấn công liên tiếp ở Surabaya, người chồng đã lái một xe ô tô chở chất nổ đâm vào cửa một nhà thờ, hai vụ tấn công sau đó nhằm vào 2 nhà thờ còn lại, trong đó một vụ là do người vợ cùng hai bé gái 9 và 12 tuổi thực hiện; vụ còn lại do 2 con trai riêng 16 và 18 tuổi của người chồng tiến hành.

Chính phủ Indonesia cho rằng nhóm khủng bố Jamaah Ansharut Daulah (JAD) có quan hệ với IS là thủ phạm của các vụ tấn công này. Trong khi đó, IS đã thừa nhận là thủ phạm của loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu này.

Ngay trong ngày 13-5, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tới hiện trường thị sát, đồng thời ra tuyên bố lên án các vụ tấn công là hành động "man rợ," cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội. Ông đã chỉ thị cho lực lượng cảnh sát truy tìm thủ phạm và triệt phá mạng lưới những kẻ đã gây ra các vụ tấn công này.

Cũng trong sáng 13-5, tại tỉnh Tây Java, cảnh sát Indonesia đã tiêu diệt 4 nghi phạm khủng bố ở TP Cianjur. Nhóm đối tượng này âm mưu tiến hành các cuộc tấn công tại Cianjur và thành phố Bandung cũng thuộc tỉnh Tây Java. 4 đối tượng bị tiêu diệt được cho là thành viên JAD, âm mưu tấn công các đồn cảnh sát, lực lượng cảnh sát đang làm nhiệm vụ ở Jakarta và Bandung, cũng như các sở chỉ huy cảnh sát lưu động ở TP Depok, Tây Java.

Hiện trường một trong ba vụ tấn công đẫm máu ở Surabaya. Ảnh tư liệu

IS vươn vòi bạch tuộc sang Đông Nam Á

Những vụ tấn công khủng bố ở Indonesia cho thấy, lời cảnh báo của giới chuyên gia an ninh và truyền thông quốc tế từ cuối năm 2017 về nguy cơ IS hoành hành ở khu vực Đông Nam Á nay đã trở thành sự thực. Còn nhớ, trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và đối tác đối thoại (ADMM+) ngày 24-10-2017 tại Philippines, lãnh đạo khối quân sự các nước ASEAN và đối tác đều bày tỏ lo ngại về nguy cơ trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa khủng bố trong khu vực.

Khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Moskva rất lo ngại về nguy cơ gia tăng mối đe dọa khủng bố ở Đông Nam Á. Theo ông, vào thời điểm trước khi diễn ra ADMM+, có không ít thông tin và dấu vết cho thấy nhiều tay súng IS đã tẩu thoát từ Syria và Iraq tìm cách tới Đông Nam Á, và dòng tiền chảy vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương để hỗ trợ phát triển các hoạt động khủng bố địa phương và thực hiện các cuộc tấn công cũng ngày càng rõ rệt.

Giáo sư Larisa Efimova - một chuyên gia chính trị của Học viện Quan hệ quốc tế quốc gia Moscow (MGIMO), bình luận rằng những hiện tượng mà Bộ trưởng Shoigu chỉ ra có thể là bằng chứng phản ánh một trong những âm mưu của IS là chuyển trung tâm hoạt động từ Trung Đông sang Đông Nam Á. Điều đáng lo ngại hơn là trong khu vực đang sẵn có hàng loạt yếu tố góp phần vào “cuộc di cư” nguy hại này.

Giáo sư Larisa Efimova nêu rõ: “Các nước Hồi giáo cơ bản ở Đông Nam Á là những quốc đảo; ví dụ, trong 17.500 hòn đảo thuộc chủ quyền của Indonesia chỉ có 6.000 đảo có người sinh sống. Những hoang đảo hay những hòn đảo vắng người khác chính là nơi rất thuận tiện để bọn khủng bố nương náu. Tại đó có nhiều vũng, vịnh nhỏ và eo biển, dễ dàng che giấu các tàu cỡ vừa. Về thực phẩm, nơi đây sẵn nguồn cá và chim và nhiều loại động vật khác nhau. Khí hậu các nước Đông Nam Á thường là mùa hè kéo dài, tấm thảm xanh cây rừng bao phủ cũng giúp tạo nơi che chắn cho các tay súng quanh năm.”

Bất ổn tại hàng loạt điểm nóng của Đông Nam Á, như chiến sự tại Marawi (Philippines); cuộc khủng hoảng di cư của người Rohingya ở Myanmar; mâu thuẫn tại miền Nam Thái Lan, nơi những người theo đạo Hồi muốn tự thiết lập vùng tự trị, cũng là nguyên nhân khiến chủ nghĩa khủng bố trong khu vực bùng lên và thu hút các tay súng IS tìm cách thâm nhập địa bàn.

Theo giới chuyên gia an ninh, để kiểm soát mối đe dọa rộng hơn của IS ở Đông Nam Á, chắc chắn sẽ đòi hỏi một nỗ lực mạnh mẽ hơn ở cả trong và ngoài khu vực. Điều này đặc biệt đúng khi IS đang tìm cách tái hợp và có khả năng tìm được địa điểm khác trong các nước thành viên ASEAN sau những thất bại ở Trung Đông.

Ngoài ra, cần xem xét để để tăng cường khả năng tình báo, giám sát và khả năng trinh sát của Philippines hoặc hợp tác 3 bên rộng hơn giữa Philippines, Malaysia và Indonesia. Đây là những vấn đề vẫn còn hạn chế và thách thức rõ ràng cần được khắc phục nhằm chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Rõ ràng là cuộc chiến chống IS và các chi nhánh của IS vẫn còn tiếp tục và phải chiến đấu một cách hiệu quả, dứt khoát.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/vu-khung-bo-kinh-hoang-tai-indonesiabong-ma-is-da-hien-nguyen-hinh-115324.html