Vụ không kích nhà máy dầu Saudi và mô thức 'tấn công từ bóng tối'

Vụ tấn công bằng tên lửa vào 'trái tim' ngành công nghiệp dầu mỏ Saudi cuối tuần qua tuân theo một kịch bản từng diễn ra: tấn công chính xác nhưng nguồn gốc được che đậy kỹ.

Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 5 với vụ tấn công mà tới nay vẫn chưa có ai nhận trách nhiệm, nhắm vào 2 tàu chở dầu đi qua eo biển Hormuz. Và cho đến nay, các cơ sở năng lượng ở khu vực tiếp tục là đích đến của những vụ tấn công kiểu này.

Sáng sớm 14/9, một loạt tên lửa đã tấn công hai tổ hợp xử lý dầu mỏ lớn nhất ở phía tây Saudi Arabia, khiến sản lượng dầu khí của quốc gia này giảm đi một nửa và làm giá dầu tăng vọt.

Lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn nhận trách nhiệm về vụ tấn công, tuyên bố họ sử dụng 10 máy bay không người lái để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, Mỹ và Saudi cáo buộc Iran đứng sau vụ việc, thậm chí có thể những quả tên lửa được phóng đi từ lãnh thổ Iran.

Hình ảnh vệ tinh từ Planet Labs cho thấy những đám khói dày đặc bốc lên từ tổ hợp lọc hóa dầu Abqaiq của công ty đầu khí Saudi Aramco. Ảnh: AP.

Hình ảnh vệ tinh từ Planet Labs cho thấy những đám khói dày đặc bốc lên từ tổ hợp lọc hóa dầu Abqaiq của công ty đầu khí Saudi Aramco. Ảnh: AP.

Những vụ tấn công không tìm ra thủ phạm

Michael Knights, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông, nhận định: "Iran có thể dựa trên sự hoài nghi của công chúng để phủ nhận các cáo buộc trong một số trường hợp, nhưng một cuộc tấn công cỡ này nhiều khả năng gây ra hậu quả ngoại giao và quân sự nghiêm trọng".

Trong giai đoạn này, Iran chỉ nhận trách nhiệm bắn hạ chiếc máy bay do thám không người lái của quân đội Mỹ ngày 20/6, với cáo buộc xâm phạm không phận của họ, và thừa nhận bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero gắn cờ Anh hôm 19/7.

Tuy nhiên, những vụ tấn công vào tàu chở dầu và vụ tấn công cuối tuần qua vào cơ sở lọc hóa dầu của Saudi cũng tương tự với các sự việc trước đó mà Tehran bị cáo buộc đứng đằng sau. Các chuyên gia cho rằng Iran đang dựa vào một chiến thuật gọi là tấn công không thể xác định nguồn gốc - khiến cho việc rất khó để tìm ra thủ phạm nếu dựa vào hoàn cảnh.

Có nhiều lý do cho điều này. Kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran đã không thể mua các vũ khí phức tạp từ phương Tây giống như các nước hàng xóm của họ. Lực lượng không quân Iran chỉ có trong biên chế những máy bay thuộc dạng đồ cổ như F-4s, F-5s và F-14s, cũng như các máy bay chiến đấu thời Liên Xô. Hải quân Mỹ từng đánh chìm một nửa số chiến hạm của Iran chỉ trong một ngày với sự kiện "Cuộc chiến tàu chở dầu" năm 1988.

Mặc dù Iran đã phát triển một kho tên lửa của riêng họ, các chuyên gia cho rằng nước cộng hòa Hồi giáo sẽ yếu thế trong một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp. Việc phát động các cuộc tấn công - sau để để mặt các đối thủ "lần mò" về mối liên hệ với Tehran - sẽ hạn chế khả năng họ bị trả đũa trực tiếp.

Thuyền cao tốc của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran tiếp cận tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh tại eo biển Hormuz hôm 21/7. Ảnh: AP.

Cùng lúc đó, Tehran đã đầu tư phát triển một hệ thống các lực lượng ủy quyền tại các quốc gia láng giềng ở Trung Đông.

Ở Lebanon, Iran hậu thuẫn nhóm du kích Hezbollah đối đầu với Israel, một kẻ thù truyền kiếp khác trong khu vực. Tương tự tại Yemen, Iran đứng đằng sau phiến quân Houthi - những thành viên của giáo phái Shia Zaydi, hỗ trợ họ trong cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2015 chống lại lực lượng chính phủ do Saudi hậu thuẫn.

Các nhà phân tích cho rằng những vụ tấn công liên quan đến các nhóm này có thể liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến Tehran.

Những người cho rằng Iran có liên quan đến các vụ tấn công chỉ ra rằng thời điểm các vụ tấn công trùng với những thời điểm quan trọng của thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, thứ mà Tổng thống Donald Trump đơn phương đưa Mỹ rút khỏi vào ngày 8/5/2018.

Sau đó, Mỹ bắt đầu chiến dịch sức ép tối đa để trừng phạt Iran, cắt bỏ phần lớn lượng dầu thô nước này sản xuất khỏi thị trường quốc tế, khiến cho các quan chức Iran thề rằng sẽ không ai có thể xuất khẩu dầu từ khu vực này nếu Tehran không thể.

Sự nghi ngờ hướng về Tehran

Một năm sau ngày ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran thông báo sẽ bắt đầu quá trình làm giàu uranium của họ đến gần hơn cấp độ vũ khí. Bốn ngày sau đó, các cuộc tấn công bí ẩn đầu tiên diễn ra, nhắm và tàu chở dầu ra khỏi eo Hormuz. Hai ngày tiếp theo, lực lượng Houthi tuyên bố họ đã tấn công đường ống dẫn dầu Đông - Tây quan trọng của Saudi Arabia bằng máy bay không người lái.

Khi lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 13/6, một tàu chở dầu của Nhật Bản và một tàu khác đã bị tấn công. Quân đội Mỹ sau đó phát một video cho thấy lực lượng Iran gỡ bỏ một quả mìn limpet từ tàu Nhật Bản, điều chưa từng được Tehran giải thích. Vệ binh Cách mạng Iran bắn hạ chiếc máy bay do thám RQ-4 hôm 20/6.

Cuộc tấn công cuối tuần qua diễn ra sau khi Iran tiếp tục rời xa khỏi thỏa thuận hạt nhân, và trước cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra cuối tháng này.

Các hình ảnh vệ tinh được Mỹ cung cấp cho thấy thiệt hại của các tổ hợp lọc hóa dầu của Saudi đều xảy ra ở phía bắc. Nếu những tên lửa đến từ Yemen, nó sẽ tấn công vào phía nam của hai tổ hợp này, các quan chức Mỹ cho biết.

Ở phía bắc của vịnh Ba Tư là Iran và Iraq - nơi có các nhóm vũ trang Shia được Iran hậu thuẫn. Iraq phủ nhận vụ tấn công bắt nguồn từ lãnh thổ nước này. Kuwait, quốc gia nhỏ bé nằm giữa Iraq và Saudi Arabia và gần với Iran ở phía tây, cho biết họ đang điều tra báo cáo về việc nhìn thấy máy bay không người lái và vật thể bay tầm thấp qua không phận của họ trước khi các tên lửa tiếp cận mục tiêu ở Saudi.

Mô hình trưng bày của một chiếc máy bay không người lái UAV-X của lực lượng Houthi. Ảnh: AP.

Các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc cho rằng những chiếc drone UAV-X của lực lượng Houthi có thể bay quãng đường lên tới 1.500 km. Trên lý thuyết điều này hợp lý với tuyên bố của lực lượng Houthi. Liên Hợp Quốc, các quốc gia Arab ở Vùng Vịnh và Mỹ đều cáo buộc Iran cung cấp vũ khí cho người Houthi, điều Tehran luôn phủ nhận.

Nhưng các máy bay không người lái của lực lượng Houthi thường phát nổ trên không, hoặc vỡ vụn khi chúng đâm vào mục tiêu. Tuy nhiên, hình ảnh từ cuộc tấn công cuối tuần trước vào 2 tổ hợp lọc hóa dầu của Saudi cho thấy những cú đánh chính xác, thâm nhập sâu vào các công trình cơ sở hạ tầng.

"Những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của người Houthi trước đây nhắm vào các cơ sở lọc hóa dầu thường gây ra thiệt hại khá hạn chế, và đó là dấu hiệu cho thấy một hệ thống vũ khí khác đã được sử dụng lần này", ông Fabian Hinz, nhà nghiên cứu tại Trung tâm James Martin về Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí, thuộc Viện nghiên cứu Quốc tế Middlebury, California, cho biết.

Sơn Trần
Theo AP

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vu-khong-kich-nha-may-dau-saudi-va-mo-thuc-tan-cong-tu-bong-toi-post991254.html