Vũ khí siêu thanh không thể ngăn chặn của Nga

Những thông tin về đặc điểm kỹ, chiến thuật của tổ hợp tên lửa siêu thanh mới Kinzhal (tạm dịch: Dao găm hải quân) được Tổng thống Vladimir Putin công bố trong Thông điệp Liên bang Nga năm 2018 đã gây ngạc nhiên đối với giới chuyên gia quân sự quốc tế.

Tốc bay đạt tới Mach 10 (gấp 10 lần tốc độ âm thanh), tương đương 12.000km/giờ; có khả năng xuyên thủng lá chắn tên lửa và đã được trang bị cho Quân khu phương Nam của Quân đội Nga từ tháng 12-2017 là những thông tin nổi bật về tổ hợp Kinzhal.

Tuy những thông tin cụ thể về tổ hợp Kinzhal chưa được công bố chi tiết, nhưng qua thông điệp được Tổng thống Nga công bố, thế giới đang biết về một dòng vũ khí siêu thanh thế hệ mới với những đặc điểm vượt trội so với các dòng vũ khí siêu thanh hiện tại.

“Với khả năng đạt tốc độ bay siêu âm trong toàn quỹ đạo bay, việc triển khai và tấn công bằng tên lửa Kinzhal để tiêu diệt mục tiêu có thể chỉ diễn ra trong vài phút”, ông V. Putin nhấn mạnh. Không chỉ có tốc độ cao, đặc điểm khí động đặc biệt của Kinzhal có nhiều nét tương đồng với đạn tên lửa Iskander giúp nó có quỹ đạo bay đặc biệt kết hợp giữa tên lửa hành trình và đạn đạo. Với quỹ đạo bay linh hoạt, việc ngăn chặn tên lửa Kinzhal rất khó, thậm chí là không thể.

Máy bay Mig-31 mang theo tên lửa Kinzhal.

“Kinzhal được thiết kế để xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa hiện có trên thế giới”, Tổng thống V. Putin đánh giá. Tùy theo nhiệm vụ, Kinzhal có thể mang đầu đạn thông thường và hạt nhân để tấn công mục tiêu cách đó 2.000km.

Từ những hình ảnh về Kinzhal được công bố, “bệ phóng trên không” dành cho tên lửa Kinzhal là máy bay tiêm kích hạng nặng Mig-31 Foxhound. Đây là sự lựa chọn hợp lý do đạn tên lửa Kinzhal khá lớn (dài 7m, đường kính thân 0,8m). Hình dáng của đạn tên lửa được thiết kế phù hợp để hoạt động với tốc độ siêu thanh với các kết cấu cánh dạng tam giác nhỏ ở giữa thân và phần mũi tên lửa được sơn phủ đặc biệt để chịu được nhiệt độ cao.

Đánh giá về Kinzhal, Tư lệnh Không quân Nga, tướng Sergei Surovikin nhận xét, với vai trò là vũ khí không đối đất, Kinzhal được trang bị động cơ nhiên liệu rắn giúp tên lửa nhanh chóng đạt tốc bay siêu thanh sau vài giây rời bệ phóng. Quỹ đạo bay của Kinzhal khá đặc biệt. Sau khi rời bệ phóng, đạn tên lửa sẽ tự cơ động lên độ cao vài chục km và dùng thế năng, từ vị trí đó tấn công mục tiêu dưới mặt đất. Ông S. Surovikin cho biết, quỹ đạo bay của Kinzhal vừa tận dụng được mật độ không khí loãng ở tầng Bình lưu để tối ưu cho tốc độ bay tối đa của đạn, cũng như giảm thiểu khả năng bị bắn hạ bởi các hệ thống phòng thủ tên lửa.

Ngoài thiết bị dẫn đường quán tính, Kinzhal dường như được trang bị đầu dò ra-đa chủ động hoặc định vị vệ tinh để tăng độ chính xác và bảo đảm khả năng đánh trúng mục tiêu trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết.

Giới chuyên gia quân sự đánh giá, việc Nga lựa chọn máy bay Mig-31 để mang tên lửa Kinzhal là hành động hợp logic. Vốn là máy bay tiêm kích hạng nặng, có khả năng cơ động cao và tầm hoạt động lớn, Mig-31 đã nối dài tầm hoạt động của tên lửa Kinzhal. Cùng với đó, trong những năm 1980, Liên Xô trên cơ sở máy bay Mig-31 đã phát triển công nghệ bắn hạ vệ tinh thông qua đạn tên lửa hạng nặng lắp trên máy bay với tên gọi ASAT. Theo đó, Mig-31 sẽ bay leo cao lên 17km ở góc nghiêng 60 độ để tạo sơ tốc cho tên lửa. Khi đạt độ cao cần thiết, tên lửa được phóng đi với mục tiêu bắn hạ các vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo thấp của đối phương. Mỹ cũng có chương trình tương tự sử dụng máy bay F-15 Strike Eagle. Không hiểu vì lý do tại sao, cả hai chương trình trên đều bị Nga và Mỹ hủy bỏ vào đầu những năm 1990.

Trước Kinzhal, Nga và Mỹ từng có một số dòng tên lửa không đối đất siêu thanh đáng chú ý. Trong khi Mỹ có tên lửa AGM-69A với tốc bay tới Mach 3.5 và tầm bắn đạt 160km, thì Liên Xô có tên lửa X-15 với khả năng đạt tốc độ bay tới Mach 5. Với đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân (300 Kilotone), X-15 có quỹ đạo bay hỗn hợp đạn đạo kết hợp hành trình và là vũ khí tiêu chuẩn trang bị trên các dòng máy bay ném bom chiến lược Tu-22M4, Tu-95MS và Tu-160. Để đạt được tốc độ bay Mach 5, sau khi được phóng đi, đạn tên lửa X-15 leo lên độ cao 90km và lao xuống mục tiêu cách đó 260km. Rất nhiều khả năng, quá trình phát triển tên lửa Kinzhal ứng dụng nhiều công nghệ đã được thực nghiệm trên X-15.

Nhiều chuyên gia quân sự Nga đánh giá, tên lửa Kinzhal có nhiều đặc điểm kỹ-chiến thuật ưu việt hơn so với X-15 nhờ những tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực dẫn đường, vật liệu mới và điều khiển học. Điều này giúp giải thích việc Kinzhal có tốc độ bay gấp đôi X-15. Các chuyên gia giải thích, với Kinzhal, Nga đã được thành tựu đáng kể trong việc chế tạo động cơ siêu thanh, cũng như đảm bảo bền vững của cấu trúc thân tên lửa khi bay ở tốc độ siêu cao…

Hình ảnh về tổ hợp tên lửa Kinzhal được công bố trong Thông điệp Liên bang Nga 2018.

Khi đưa vào trang bị tại Quân khu phương Nam, tên lửa Kinzhal giúp Nga kiểm soát toàn bộ khu vực Đông Âu, Baltic và các vùng lãnh thổ xung quanh Hắc Hải.

Ngoài các đặc điểm kỹ-chiến thuật đáng chú ý, theo lời Tổng thống Nga, Kinzhal còn là biểu tượng làm chủ công nghệ mũi nhọn của Nga kể từ khi Liên Xô tan rã. “Đây là vũ khí hoàn toàn mới, chứ không phải là kế thừa công nghệ từ thời Liên Xô”, ông V. Putin nhấn mạnh.

Với Kinzhal, Nga rõ ràng đang khẳng định vai trò siêu cường công nghệ quốc phòng trên thế giới, cũng như đã có trong tay vũ khí đối trọng với hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ đang triển khai trên thế giới.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/vu-khi-sieu-thanh-khong-the-ngan-chan-cua-nga-533051