Vũ khí Nga được ưa chuộng nhất ở Đông Nam Á

Nga hiện là nhà cung cấp vũ khí số 1 ở Đông Nam Á và trong giai đoạn từ năm 2010 - 2017, Việt Nam mua tới 78% vũ khí Nga xuất sang khu vực.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump xác định Nga và Trung Quốc là hai mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu. Đây chính là lý do Washington không ngừng có những nỗ lực nhằm ngăn cản hoạt động xuất khẩu vũ khí của Nga sang các nước Đông Nam Á, song hoạt động này lại giúp Bắc Kinh gia tăng tầm ảnh hưởng ở khu vực.

Trung Quốc từng từ chối để tàu tấn công đổ bộ của Mỹ USS Wasp cập cảng Hong Kong hồi tháng Chín.

Trung Quốc từng từ chối để tàu tấn công đổ bộ của Mỹ USS Wasp cập cảng Hong Kong hồi tháng Chín.

Chiểu theo Đạo luật chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua lệnh trừng phạt (CAASTA), vào ngày 20/9, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với một cơ quan chính phủ Trung Quốc chịu trách nhiệm thu mua vũ khí nước ngoài. Nguyên nhân là do Trung Quốc đã đặt mua vũ khí của Nga bao gồm hệ thống tên lửa đất đối không S-400 và 24 chiến đấu cơ Su-35.

CAASTA được Tổng thống Trump ký ban hành thành luật hồi tháng Tám nhằm áp đặt lệnh trừng phạt với các nước có mối quan hệ mua bán quân sự và công nghệ quốc phòng với Nga cũng như với Iran và Triều Tiên.

Động thái của Mỹ đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Nga và Trung Quốc. Cụ thể, Nga cáo buộc Mỹ đang cố tình gây ra tình trạng bất ổn toàn cầu, còn Bắc Kinh nhấn mạnh hành động của Washington là can thiệp vào chuyện nội bộ của Nga – Trung. Đây cũng chính là lý do Trung Quốc đã từ chối cho tàu tấn công đổ bộ của Mỹ USS Wasp cập cảng Hong Kong hồi tháng Chín.

Còn theo Asian Nikkei Review, trên thực tế, lệnh trừng phạt của Mỹ không hề làm ảnh hưởng tới mối quan hệ Nga – Trung. Dù lệnh trừng phạt của Mỹ ngăn cản Trung Quốc xin cấp giấy phép xuất khẩu sang Mỹ hoặc tiếp cận hệ thống tài chính của Mỹ nhưng từ năm 1989, Trung Quốc không nhập khẩu bất cứ vũ khí nào của Mỹ. Ngoài ra, hoạt động giao dịch mua bán vũ khí giữa Nga và Trung Quốc lại không dính dáng tới các ngân hàng của Mỹ.

Quan trọng hơn, nỗ lực siết chặt Nga lại vô tình đẩy Mỹ vào cảnh khích lệ Trung Quốc nuôi tham vọng bá chủ khu vực nhất ở là Biển Đông. Trong khi, nhiều nước Đông Nam Á kể cả Ấn Độ lại ngày càng phụ thuộc vào nguồn vũ khí của Nga để đối phó với mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc.

Mỹ hiện vẫn nắm vị trí là nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, doanh thu xuất khẩu vũ khí của Mỹ trên toàn cầu đạt 76,33 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2010 – 2017. Và Nga giữ vị trí số 2 với doanh thu xuất khẩu vũ khí là 54,66 tỷ USD.

Nhưng tại Đông Nam Á, Nga lại là nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu. Cụ thể, từ năm 2010 – 2017, các công ty quốc phòng Nga đã thu về 6,64 tỷ USD từ hoạt động bán vũ khí cho các nước Đông Nam Á. Con số này chiếm 12% doanh thu bán vũ khí toàn cầu của Nga. Trong cùng kỳ, doanh thu của Mỹ ở Đông Nam Á là 4,58 tỷ USD và chiếm 6% doanh thu bán vũ khí toàn cầu của Mỹ.

Trong bối cảnh các nước Đông Nam Á tăng cường ngân sách quốc phòng để đối phó với những thách thức từ môi trường địa chính trị, cả Nga và Mỹ đều muốn gia tăng doanh số bán vũ khí cho khu vực.

Song các công ty quốc phòng Nga đang chiếm ưu thế hơn do Nga được biết tới là nhà cung cấp thiết bị quân sự có độ bền cao và hiện đại nhưng giá thành thấp hơn so với Mỹ. Ngoài yếu tố giá cả, các loại vũ khí Nga còn được kiểm chứng khả năng thực chiến ở Ukraine và Syria.

Cũng theo SIPRI, Trung Quốc đã bán số vũ khí trị giá 1,88 tỷ USD cho các nước Đông Nam Á giai đoạn từ năm 2010 – 2017. Trong đó, Myanmar mua tới 66% số vũ khí trên. Dù các thiết bị quân sự Trung Quốc được cho có chất lượng kém và dịch vụ sau bán hàng tồi nhưng không thể phủ nhận thực tế, Bắc Kinh đã ký kết được một loạt hợp đồng bán tàu ngầm cho Thái Lan, tàu chiến cho Malaysia và nhiều loại vũ khí cho Philippines.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từng lên tiếng phản đối CAATSA bởi đạo luật này trái ngược với Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ năm 2017 của chính quyền Tổng thống Trump. Theo Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ năm 2017, để đối phó với việc Trung Quốc và Nga gia tăng tầm ảnh hưởng ở châu Á, Mỹ cần tăng cường mở rộng mối quan hệ với một số quốc gia mua vũ khí của Nga bao gồm Indonesia và Ấn Độ. Nhưng chiểu theo CAATSA, các nước trên hoàn toàn có thể bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt vì mua vũ khí Nga.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/vu-khi-nga-duoc-ua-chuong-nhat-o-dong-nam-a-post282648.info