Vũ khí Mỹ thể hiện 'phong độ' kém, S-400 của Nga 'hút khách' vì biết 'tỏa sáng' đúng lúc?

Với các sự kiện diễn ra ở Trung Đông gần đây, Ấn Độ có thể thấy việc theo đuổi S-400 của nước này là bước đi đúng đắn.

Hệ thống phòng không Nga đang tìm được danh tiếng trong thời gian qua.

Hệ thống phòng không Nga đang tìm được danh tiếng trong thời gian qua.

Sự cạnh tranh giữa Nga và Mỹ đã xuất hiện từ lâu và kéo dài cho đến cả những năm tháng sau này, khi Chiến tranh Lạnh vốn dĩ đã kết thúc. Trên các mặt trận kinh tế và ngoại giao, Mỹ được coi là “đối tác vàng” cho mọi quốc gia, cũng như được coi là thế lực vượt trội trên đấu trường toàn cầu.

Nhưng khi so sánh về công nghệ sản xuất vũ khí và năng lực quốc phòng, Moscow đang ganh đua sát nút với Washington, thậm chí - ở một số lĩnh vực - Nga còn tỏ ra nhỉnh hơn, cây bút bình luận Mohit Pandey của tờ News Nation nhận định.

Gần đây, cuộc tấn công táo bạo vào cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia đã cho thấy những dấu hiệu đáng lo ngại cho không chỉ khả năng phòng thủ của vương quốc Ả Rập mà còn đặt dấu hỏi về năng lực bảo vệ của vũ khí Mỹ.

Các cơ sở dầu khí của Saudi nằm dưới chiếc ô phòng thủ của hệ thống phòng thủ danh tiếng Patriot PAC-2 của Mỹ. Tuy nhiên, nó không chứng minh được tính hiệu quả trong việc ngăn chặn cuộc tấn công vào cơ sở.

Mặc dù các radar của Saudi đã phát hiện ra một số máy bay không người lái và tên lửa hành trình đang lao đến, nhưng phản ứng của vương quốc được cho là quá muộn. Các đợt khai hỏa của Saudi được cho là “lung tung”, “rời rạc”.

Từ cuộc tấn công nói trên, giới quan sát và nhiều quốc gia có ý định mua sắm hệ thống phòng không đều tin vào lựa chọn S-400 từ Nga.

Bình luận về hệ thống phòng không của Mỹ sau các cuộc tấn công vào Saudi Arabia, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói: "Chúng tôi vẫn nhớ những tên lửa phi thường của Mỹ đã không bắn trúng mục tiêu hơn một năm trước và giờ đây hệ thống phòng thủ tuyệt vời của họ cũng không thể đẩy lùi một cuộc tấn công”.

Trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tại Ankara, Tổng thống Nga Vladimir Putin thậm chí còn đi xa hơn khi tuyên bố Saudi sẽ ngăn chặn được cuộc tấn công nếu họ mua một hệ thống phòng thủ tên lửa do Nga sản xuất.

Sự xuất hiện của S-400 tại thời điểm này được cho là một thách thức đối với Patriot của Mỹ. Hệ thống phòng không Nga đang giành mất ánh đèn sân khấu từ Patriot và trở thành mặt hàng đầy cạnh tranh với giá thành và chi phí bảo trì ở mức rẻ.

Tổng thống Putin đã khéo léo chào mời S-400 đến các khách hàng ở Trung Đông.

Nga đã thực hiện các thương vụ bán hệ thống phòng không tiên tiến của mình với các quốc gia như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Mới đây, Ấn Độ cũng vừa trở thành quốc gia mới nhất trong danh sách các khách hàng mua S-400.

Về thông số kỹ thuật, S-400 cũng tỏ ra vượt trội hơn so với Patriot. Theo Defenseworld.net, tốc độ nhắm bắn mục tiêu tối đa mà S-400 có thể đạt được là 4,8km/s trong khi Patriot PAC-3 chỉ đạt 1,3km/s.

Với phạm vi hoạt động lên tới 400 km, S-400 của Nga cũng tỏ ra ưu thế hơn trước Patriot, với tầm bắn chỉ dưới 200 km. Về độ cao, Patriot chỉ đạt ở mốc 24,2 km trong khi S-400 có thể hạ gục mục tiêu ở nhiều độ cao khác nhau, lên tới 185 km.

Về các mục tiêu có thể ngăn chặn, S-400 cũng có lợi thế hơn trước hệ thống phòng không Mỹ khi có khả năng tiêu diệt các mục tiêu rất đa dạng.

Về cơ bản, khi so sánh giữa S-400 và Patriot, rất dễ để tìm ra vũ khí nào sẽ chiến thắng, cây bút Pandey bình luận.

Theo truyền thống, hệ thống phòng không thường được sử dụng cho mục đích bảo vệ các cơ sở quân sự quan trọng bao gồm các căn cứ chiến lược và quân đội trên tuyến đầu.

Tuy nhiên, quân đội Mỹ ngày nay đã thu hẹp phạm vi hoạt động của các hệ thống phòng thủ sau Chiến tranh Lạnh khi tự tin cho rằng các máy bay chiến đấu của họ có đủ khả năng để chống lại hầu hết các máy bay địch khi xâm phạm vào không phận.

Ngược lại, các thiết bị phòng không do Nga sản xuất thường có thêm các tùy chọn bảo vệ đa dạng và mở rộng hơn, hoặc cung cấp tùy chọn phòng thủ chủ động bằng cách tấn công trước tiên.

Với các sự kiện diễn ra ở Trung Đông gần đây, Ấn Độ có thể thấy việc theo đuổi S-400 của nước này là bước đi đúng đắn.

Ấn Độ dường như đã xác định các ưu tiên của mình và thỏa thuận mua hệ thống phòng không Nga dường như là một phần trong chiến lược hình thành cơ chế phòng thủ của nước này trong những thập kỷ tới.

Trong bối cảnh Patriot của Mỹ không thể bảo vệ Saudi, New Delhi có thể hài lòng với sự thay thế đến từ Nga.

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vu-khi-my-the-hien-phong-do-kem-s-400-cua-nga-hut-khach-vi-biet-toa-sang-dung-luc-a451237.html