Vũ khí laser Nga đi trước Mỹ một bước?

Nếu vũ khí laser của Nga có thể tiêu diệt mục tiêu trên chiến trường thực tế, nghĩa là trình độ kỹ thuật của Nga trong lĩnh vực laser đã trưởng thành.

Vũ khí laser được coi là vũ khí cách mạng của thế kỷ 21. Sức mạnh và công nghệ của vũ khí năng lượng định hướng này đã hoàn toàn đảo ngược các quy tắc của chiến tranh.

Bất cứ quốc gia nào có thể đi đầu trong việc sở hữu và làm chủ công nghệ vũ khí laser thì trong tương lai sẽ có thể chiếm lĩnh đỉnh cao mới của công nghệ quân sự thế giới.

Theo Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) ngày 12/6, gần đây Nga đã thử nghiệm tổ hợp laser tác chiến mang tên Peresvet trên chiến trường Syria. Đáng chú ý, cuối tháng 5/2020, một máy bay không người lái (UAV) của Israel đột nhiên bị bắn hạ khi đang hoạt động trong không phận phía tây nam Syria.

Tuy nhiên, tình báo Israel lại không phát hiện bất kỳ hệ thống súng phòng không hoặc tên lửa phòng không trong khu vực gần khu vực xảy ra sự cố, đồng thời cũng không có dấu hiệu nào về một cuộc tấn công bằng không quân nhằm vào UAV của Israel.

Sau khi tiến hành điều tra và phân tích, tình báo Israel kết luận rằng, UAV của Tel Aviv đã bị hạ bởi hệ thống laser Peresvet của Nga, điều này làm không quân Israel “hoảng sợ”.

Nhiều khả năng, phía Nga đã không công bố kết quả này để tránh gây ra xung đột ngoại giao với Israel. Nếu điều này là chính xác thì vũ khí laser Nga đã đi trước một bước so với Mỹ khi đã đạt được kết quả trên chiến trường thực tế.

Hệ thống vũ khí laser Peresvet được Nga thử nghiệm ở Syria. Ảnh: Sohu.

Hệ thống vũ khí laser Peresvet được Nga thử nghiệm ở Syria. Ảnh: Sohu.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng, hiện nay, nhiều quốc gia vẫn đang trong giai đonạ thăm dò và thử nghiệm phát triển vũ khí laser.

Ngay cả Mỹ cũng chỉ có thể sử dụng vũ khí laser chiến thuật năng lượng thấp với sức mạnh thường dưới 100 kilowatt. Cuộc thử nghiệm gần đây nhất trong tháng 5/2020, Mỹ đã thực hiện thành công vũ khí laser với sức mạnh khoảng 150 kilowatt.

Nhưng ngay cả như vậy, thì công suất này vẫn chưa đủ để có thể tiêu diệt máy bay chiến đấu tấn công và các mục tiêu khác.

Một tia laser 150 kilowatt chỉ có thể đối kháng với tàu cao tốc hoặc UAV loại nhỏ, và tầm bắn bị hạn chế. Đồng thời, sự ổn định của laser trong môi trường chiến đấu thực tế cũng là vấn đề nan giải đối với Mỹ và nhiều quốc gia khác.

Nếu vũ khí laser của Nga có thể tấn công và tiêu diệt mục tiêu trên chiến trường thực tế, điều đó có nghĩa là trình độ kỹ thuật của Nga trong lĩnh vực laser đã thực sự trưởng thành.

Cũng liên quan đến vụ thử nghiệm vũ khí laser của Mỹ trên Thái Bình Dương hồi tháng 5 vừa qua, TSKH quân sự Konstantin Sivkov, Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề địa chính trị Nga khi trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn Spunik cũng bày tỏ nghi ngờ hiệu quả của vũ khí laser Mỹ trên biển.

Thời điểm đó, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tuyên bố, vụ thử nghiệm được tiến hành ngày 16/5, hệ thống vũ khí laser được lắp đặt trên tàu vận tải đổ bộ LPD-27, USS Portland thả neo gần Trân Châu Cảng.

Theo phía Mỹ, hệ thống vũ khí được thử nghiệm có tên “Solid State Laser Weapons System Demonstrator” (Thiết bị Hệ thống vũ khí laser thể rắn). Theo đoạn video mà quân đội Mỹ công bố, hệ thống vũ khí laser lắp đặt ở phần mũi tàu đã phát ra tia sáng cực mạnh, nó xuất hiện không phải hướng lên trên mà dọc theo mực nước biển, sau đó là hình ảnh một chiếc UAV bốc cháy.

Phân tích về đoạn video do Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ công bố, Tiến sĩ Sivkov nói: "Vũ khí laser hiện đại đòi hỏi điều kiện thời tiết lý tưởng, điều cực kỳ hiếm gặp trên biển. Do đó, cơ hội để vũ khí laser được sử dụng trong các hoạt động tác chiến trên biển hiện rất hạn chế. Hiện nay, các cuộc tấn công laser có thể được sử dụng để phá hủy hệ thống quang điện của các loại vũ khí. Việc sử dụng hệ thống vũ khí laser để tiêu diệt các mục tiêu trên không, không thể được coi là có hiệu quả”.

Ông nhắc nhở mọi người lưu ý rằng video demo do người Mỹ công bố được thực hiện ở vĩ độ phía nam và "điều kiện thời tiết gần như hoàn hảo với độ trong suốt của không khí". Chỉ trong trường hợp như thế, mới có thể sử dụng tia laser bắn hạ được máy bay không người lái.

Tiến sĩ Sivkov nói rõ: "Việc sử dụng vũ khí laser hiện đại phải có đầy đủ các điều kiện mới phát huy được tác dụng. Chỉ cần có một làn sương nhẹ cũng sẽ làm giảm hiệu quả của chùm tia laser nhiều lần; ngoài ra cũng cần tuyệt đối không có sóng để tránh sự tán xạ của chùm tia do sóng gây ra. Điều kiện lý tưởng này cực kỳ hiếm gặp trên biển, đặc biệt là ở Bắc Hải”.

Ông Sivkov cũng chỉ ra rằng chùm sáng nhắm vào máy bay không người lái trong một thời gian dài, điều đó có nghĩa là hiệu quả năng lượng của nó là không đủ.

“Cần phải nhở rằng, để bắn hạ một mục tiêu phức tạp hơn như tên lửa đạn đạo, yêu cầu phải giữ được chùm tia laser chiếu vào mục tiêu trong mấy chục giây. Đó là một khó khăn lớn về mặt kỹ thuật. Trong thời gian này, tên lửa đã bay được khoảng cách hàng chục km và các trạm radar hiện đại chỉ có thể phát hiện ra nó trong khoảng cách không quá mười đến mười lăm km”.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/vu-khi-laser-nga-di-truoc-my-mot-buoc-3405753/