'Vũ khí không thể đánh chặn là nòng cốt của Nga'

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergei Shoigu, nòng cốt của lực lượng răn đe phi hạt nhân của Nga sẽ là các hệ thống siêu thanh.

Tuyên bố được ông Shoigu đưa ra tại cuộc họp với lãnh đạo Lực lượng vũ trang LB Nga: "Tiềm lực của các lực lượng răn đe phi hạt nhân, chủ yếu là vũ khí chính xác cao, đang được tăng cường. Chúng sẽ dựa trên các hệ thống siêu thanh của các căn cứ khác nhau".

Hiện nay, Nga có bộ 3 vũ khí siêu thanh có tốc độ nhanh nhất thế giới. Trong đó, đầu đạn siêu thanh Avangard có khả năng đạt tốc độ gấp hơn Mach 20. Cùng với đó, tên lửa siêu thanh Kinzhal đảm bảo vượt qua tất cả các hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa hiện có, mang đầu đạn hạt nhân và đầu đạn thông thường với tầm xa lên tới 2 nghìn cây số và có thể đạt vận tốc trên Mach 10.

Chiến hạm Nga phóng tên lửa siêu thanh Zircon.

Chiến hạm Nga phóng tên lửa siêu thanh Zircon.

Bước đầu Kinzhal được sử dụng để trang bị cho các máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-31K. Ngoài ra, Nga cũng lên kế hoạch tích hợp tên lửa này cho máy bay Tu-22M3 và cường kích Su-34.

Thành viên thứ 3 trong kho vũ khí siêu thanh của Nga là tên lửa Zircon. Dòng tên lửa này có tốc độ Mach 9 và có thể nhấn chìm chiến hạm cỡ lớn, tàu sân bay ở khoảng cách hơn một ngàn km.

Zircon được dự kiến trang bị cho các tàu nổi và tàu ngầm, kể cả các tàu tiềm năng lẫn các tàu đang được xây dựng. Ngoài phiên bản dành cho hải quân, Tổng thống Vladimir Putin đã đề cập đến việc phát triển Zircon để bố trí trên đất liền.

Giới chuyên gia cho rằng, sau khi vũ khí hạt nhân bị giới hạn, vũ khí siêu siêu thanh nổi lên như một ứng viên sáng giá để thay thế thực thi sứ mệnh của các cường quốc trong chiến tranh hiện đại, nhất là khi việc huy động binh sĩ chiến đấu trên mặt đất trở nên tốn kém, không được lòng dân và cũng không hiệu quả.

Cuối tháng 12/2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đưa tổ hợp tên lửa Avangard vào trực chiến sau nhiều năm úp mở về độ tối tân của loại vũ khí này. Với khả năng đạt tốc độ siêu nhanh, Avangard được Nga quảng bá là dòng vũ khí có khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện hữu và trong tương lai.

Thật vậy, nếu không tính đến tên lửa liên lục địa khi trở lại bầu khí quyển (vận tốc 6.000-8.000m/s), ở thời điểm hiện tại chưa có vũ khí nào trên thế giới chạm ngưỡng siêu siêu thanh, tức nhanh hơn vận tốc âm thanh ít nhất 5 lần.

Sở hữu vũ khí siêu siêu thanh từ lâu đã là niềm ao ước không chỉ của Nga mà còn của Trung Quốc và Mỹ, vì lý do hiển nhiên: phóng từ lãnh thổ của một trong 3 nước trên, một quả tên lửa siêu vượt âm sẽ tiếp cận mục tiêu tại 2 nước còn lại trong vòng chưa đầy 30 phút.

Không có bất kỳ hệ thống phòng thủ hiện hữu nào trên thế giới, kể cả của Mỹ, có thể đánh chặn một tên lửa với tốc độ khủng khiếp và khả năng cơ động linh hoạt đến thế.

Dù tuyên bố của Moscow về những khả năng của tổ hợp tên lửa Avangard xác thực đến đâu, Washington cũng đang chạy đua để sở hữu năng lực quân sự tương đương.

"Chúng ta chẳng mấy chốc sẽ bị cuốn vào một cuộc chạy đua vũ trang mới tiềm ẩn nguy cơ chết chóc chẳng kém thời kỳ Chiến tranh lạnh", Steven Simon, cựu giám đốc phụ trách vấn đề Trung Đông và Bắc Phi thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ viết cho New York Times.

Ông Simon cho biết thêm, vũ khí siêu siêu thanh được đánh giá là đỉnh cao của các loại khí tài bởi các nhà nghiên cứu và thực hành quân sự, những người tin rằng tấn công chính xác, bất ngờ là yếu tố thành bại của bất kỳ cuộc chiến nào.

Độ chính xác gần như tuyệt đối của tên lửa siêu siêu thanh giúp tiêu diệt mục tiêu và hạn chế tối đa thiệt hại không cần thiết hoặc thương vong cho thường dân. Một quả tên lửa siêu siêu thanh khi chạm mục tiêu có thể gây một lực tác động tương đương 10 tấn thuốc nổ và có thể vươn đến gần như mọi mục tiêu trên bề mặt Trái đất trong vòng chưa đầy 1 tiếng.

"Cái chết như một món hàng đến từ không trung mà người giao hàng không bao giờ trễ hẹn", ông Simon ví von.

Mặc dù Mỹ cũng có một số chương trình phát triển vũ khí siêu siêu thanh nhưng Nga mới là nước cán đích đầu tiên nhờ chính sách đưa vũ khí siêu siêu thanh trở thành trọng tâm ưu tiên nghiên cứu để bù đắp cho sự thiếu hụt hạ tầng quân sự công nghệ cao rộng khắp như Mỹ đã có.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/vu-khi-khong-the-danh-chan-la-nong-cot-cua-nga-3427385/