Vũ khí hiếm xuất hiện trên chiến trường bắn rơi trực thăng Afghanistan

Việc trực thăng quân đội Afghanistan bị tấn công bởi tên lửa dẫn đường chống tăng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đối với lực lượng chính phủ, cũng như nguồn gốc loại vũ khí này.

Tuần qua, một trực thăng của chính phủ Afghanistan bị tấn công bởi loại tên lửa hiếm khi được nhìn thấy chiến trường nước này.

Vụ việc làm dấy lên lo ngại về an toàn của lực lượng quân đội chính phủ, cũng như câu hỏi về nguồn gốc loại vũ khí hiện đang nằm trong tay của Taliban, theo New York Times.

 Lễ tốt nghiệp của lính Afghanistan tại Kabul hồi tháng 2. Ảnh: AP.

Lễ tốt nghiệp của lính Afghanistan tại Kabul hồi tháng 2. Ảnh: AP.

Tên lửa dẫn đường chống tăng xuất hiện

Hôm 27/7, chiếc thực thăng Black Hawk của chính phủ Taliban trở về từ một nhiệm vụ di tản y tế ở tỉnh Helmand bị bắn rơi khi đang chuẩn bị hạ cánh.

Quan chức Mỹ và Afghanistan cho biết chiếc máy bay bị tấn công bởi tên lửa dẫn đường chống xe tăng. Do chiếc trực thăng đã ở gần mặt đất, chỉ 2 thành viên phi hành đoàn bị thương trong vụ việc.

Đây là lần thứ 2 trong năm nay trực thăng của chính phủ bị tên lửa chống tăng tấn công. Hồi tháng 1, một trực thăng khác của quân chính phủ bị tấn công bằng tên lửa chống tăng tại Kajaki Dam, một khu vực tranh chấp với Taliban.

Quan chức Mỹ và Afghanistan cáo buộc vũ khí sử dụng trong hai cuộc tấn công nhiều khả năng do Iran cung cấp, nhưng không có bằng chứng trực tiếp.

Cáo buộc trên, nếu chính xác, sẽ là tín hiệu đáng báo động, bởi tên lửa dẫn đường chống tăng không chỉ tạo ra lợi thế chiến thuật cho Taliban trước quân đội Afghanistan, nó còn cho thấy Tehran đang tìm cách phá hoại chiến lược rút quân của Mỹ. Iran đã bác bỏ cáo buộc cung cấp vũ khí cho Taliban.

Tên lửa dẫn đường chống tăng phổ biến trong các cuộc chiến ở Syria, Iraq và Yemen, nhiều tên lửa như vậy đã được thu giữ tại căn cứ của các nhóm vũ trang có nguồn gốc từ Mỹ, Nga, Iran. Tuy nhiên, loại vũ khí này hiếm khi xuất hiện trên chiến trường Afghanistan, quan chức quân sự Mỹ cho biết.

Vào thập niên 1980, chương trình do CIA hỗ trợ đã cung cấp vũ trang và tiếp tế cho lực lượng nổi dậy Afghanistan trong cuộc chiến chống quân đội Liên Xô, trong đó có một số tên lửa chống tăng.

Đến năm 2008, Taliban thu được ít nhất 1 tên lửa và thiết bị phóng từ quân đội Pháp.

Năm 2018, một công ty tư nhân chuyên về đánh giá các mối đe dọa tới vận tải hàng không ở các khu vực xung đột có tên Osprey Flight Solutions đã theo dõi một lô vũ khí vận chuyển từ Pakistan tới Afghanistan.

"Các bằng chứng thu được cho thấy việc mua bán, sử dụng tên lửa chống tăng vác vai của các nhóm vũ trang ở Afghanistan khá hạn chế, đặc biệt so sánh với các chiến trường như Syria", Matthew Schroeder, chuyên gia từ Small Arm Survey, chương trình theo dõi mức độ phổ biến của các loại tên lửa chống tăng dẫn đường, cho biết.

Mối đe dọa đối với quân đội chính phủ

Tên lửa dẫn đường chống tăng đòi hỏi nhiều người được đào tạo bài bản vận hành để bảo đảm hiệu quả, nếu không chúng sẽ khó bắn trúng mục tiêu. Mặc dù vậy, loại vũ khí này vẫn có khả năng bắn chính xác các mục tiêu ở khoảng cách vài km, ngoài tầm bắn của các vũ khí cá nhân hạng nhẹ.

Đặc điểm trên khiến tên lửa dẫn đường chống tăng trở thành mối đe dọa với các xe cơ giới, trạm gác, máy bay ít di chuyển. Điều này tạo ra mối đe dọa tiềm tàng với lực lượng chính phủ Afghanistan, đa phần phải quản lý các trạm gác và điểm kiểm soát.

Tấn công các trực thăng đang ở trên mặt đất, hoặc ở độ cao thấp, như vụ việc ở tỉnh Helmand năm nay, là một chiến thuật đã được các nhóm nổi dậy sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến ở Syria.

Bộ Quốc phòng Afghanistan trong một thông báo tuần qua cho biết chiếc trực thăng Black Hawk đã lao xuống đất "do sự cố kỹ thuật khi cố gắng hạ cánh". Tuy nhiên, giới chức an ninh sau đó thừa nhận máy bay rơi do bị tấn công.

Tên lửa chống tăng dẫn đường Javelin của quân đội Mỹ. Ảnh: CBN.

"Theo những gì tôi nghe được từ giới chức địa phương, chiếc trực thăng bị bắn bởi Taliban. Taliban đã có vũ khí mới để chống lại trực thăng, một loại tên lửa dùng để chống xe tăng và trực thăng. Một vũ khí tương tự đã được sử dụng để bắn chiếc máy bay hạ cánh ở Kajaki", Attaullah Afghan, quan chức tỉnh Helmand, cho biết.

Giới chức Iran thừa nhận đã thiết lập kênh ngoại giao với Taliban, tuy nhiên Tehran đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc hỗ trợ vật chất cho tổ chức này. Iran khẳng định cam kết hỗ trợ chính phủ Afghanistan chống lại tham vọng khôi phục đế chế Hồi giáo của Taliban, với quan điểm thù địch chống Iran.

Hồi tháng 1, sau khi máy bay không người lái Mỹ tiêu diệt tướng Qassim Suleimani của Iran, nhiều quan chức Afghanistan, trong đó có cả Tổng thống Ashraf Ghani, đã lo ngại Tehran sẽ gây rối loạn chiến trường Afghanistan nhằm trả đũa Mỹ.

Vào khoảng thời gian ông Ghani nhậm chức tổng thống vào tháng 3, một loạt vụ phóng tên lửa tương tự với các cuộc tấn mà các nhóm vũ trang thân Iran tiến hành ở Iraq đã xảy ra, càng làm dấy lên lo ngại từ giới chức ở Kabul. Một quả tên lửa như vậy đã tấn công vào khu vực gần phủ tổng thống.

Hình ảnh thu được từ vụ tấn công hôm 27/7, được giới chức Mỹ xác nhận, cho thấy chiếc Black Hawk do Mỹ viện trợ nằm trên mặt đất, cùng một bó dây dẫn, điểm đặc trưng của một số loại tên lửa dẫn đường chống tăng.

Trong suốt thời gian cuộc chiến, giới chức tình báo Mỹ đã nhiều lần cáo buộc vũ khí và hàng tiếp viện mà Taliban nhận được đến từ Pakistan, Iran, Nga và một số nước Trung Á, dù không có nhiều bằng chứng.

Các quan chức Mỹ đã theo dõi sát sao sự hiện diện của các loại tên lửa đất đối không và các mối đe dọa khác đối với máy bay, bởi việc các chính phủ nước ngoài cung cấp những vũ khí như vậy cho Taliban sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ đối với lực lượng Mỹ và chính phủ Afghanistan.

Bạo lực đẫm máu tiếp diễn

Tên lửa dẫn đường chống tăng không được thiết kể để tấn công máy bay, việc xuất hiện vũ khí này trong cuộc chiến ít khả năng vấp phải sự lên án mạnh mẽ từ Mỹ. Mặc dù vậy, đây là một động thái leo thang căng thẳng, quan chức Mỹ tuyên bố.

Khoảng 60.000 binh sĩ thuộc lực lượng an ninh Afghanistan đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh kể từ năm 2014 khi Mỹ bắt đầu giảm hiện diện tại nước này. Từ đầu năm nay, khi thỏa thuận hòa bình đạt được giữa Washington và Taliban, lực lượng chính phủ và dân thường ngày càng hứng chịu nhiều thương vong.

Quân đội chính phủ Afghanistan đang chứng kiến thương vong gia tăng. Ảnh: Reuters.

Phát biểu từ Kabul hôm 28/7, Tổng thống Ghani cho biết 3.500 binh sĩ Afghanistan đã thiệt mạng, cùng 6.800 binh sĩ bị thương, kể từ khi thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban đạt được.

Trong khi đó, hơn 3.300 dân thường đã thiệt mạng hoặc bị thương trong các cuộc giao tranh ở Afghanistan trong 6 tháng đầu năm nay.

Hôm 28/7, sau nhiều tuần với các cuộc tấn công đẫm máu vào lực lượng chính phủ, Taliban tuyên bố ngừng bắn 3 ngày nhân lễ hội Hồi giáo Eid Al Adha. Tuyên bố ngừng bắn được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Ghani cam kết sẽ hoàn thành kế hoạch trao đổi tù nhân và sớm khởi động đàm phán trực tiếp với Taliban từ đầu tháng 8.

Thế nhưng, bạo lực tiếp tục diễn ra ngay trong thời gian ngừng bắn, khi một vụ đánh bom xảy ra ở thành phố Pul E Alam, nhắm vào đoàn xe của lực lượng an ninh.

Ít nhất 15 người thiệt mạng và 30 người bị thương trong vụ việc, bao gồm cả dân thường và lực lượng chính phủ.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vu-khi-hiem-xuat-hien-tren-chien-truong-ban-roi-truc-thang-afghanistan-post1114122.html