Vũ khí hạt nhân Triều Tiên được ước tính nhiều cỡ nào?

Triều Tiên được cho sở hữu 242 vũ khí hạt nhân vào năm 2027 cùng với năng lực tấn công hạt nhân gia tăng và đa dạng hơn.

Báo cáo từ Viện Nghiên cứu Chính sách Asan và Viện Rand Corp hôm 13/4 cho rằng,Triều Tiên có thể sở hữu 242 vũ khí hạt nhân và hàng chục tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào năm 2027. Báo cáo cũng kêu gọi Hàn Quốc và Mỹ cân nhắc “tất cả các phương án” để ngăn chặn những mối đe dọa tiềm tàng, đồng thời giới hạn khả năng Bình Nhưỡng triển khai tấn công hạt nhân.

Thông tin trên được công bố sau khi hãng tin Yonhap nghi ngờ Triều Tiên đã di chuyển một tàu ngầm để phục vụ phóng thử tên lửa đạn đạo.

Binh sĩ Triều Tiên tuần tra gần biên giới Trung Quốc. (Ảnh: Kyodo)

Binh sĩ Triều Tiên tuần tra gần biên giới Trung Quốc. (Ảnh: Kyodo)

“Ước tính tổng số vũ khí hạt nhân Triều Tiên sở hữu vào năm 2027 là từ 151 – 242, cùng hàng chục tên lửa đạn đạn liên lục địa di động”, báo cáo viết.

Những thông tin trong bản báo cáo được đưa ra dựa theo sản lượng plutonium và uranium làm giàu cấp độ cao (HEU). Song báo cáo thừa nhận còn tồn tại “nhiều điều chưa chắc chắn” về khả năng sản xuất vũ khí của Triều Tiên, bởi không có con số chính xác về số lượng cũng như năng lực của các máy ly tâm sản xuất HEU.

“Chúng tôi ước tính về số lượng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trong khoảng thời gian từ năm 2017 – 2027. Ban đầu Triều Tiên được cho có từ 30 – 60 vũ khí hạt nhân hồi năm 2017, cùng với 1 – 2 vũ khí sử dụng plutonium vào năm 2020. Theo đó, Triều Tiên được cho sản xuất hàng năm thêm 12 – 18 vũ khí hạt nhân”, báo cáo cho hay.

Báo cáo nhấn mạnh thêm, Triều Tiên có thể cho cải thiện năng lực cho vũ khí hạt nhân và thực hiện những vụ tấn công “theo các cách đa dạng và mạnh mẽ hơn”.

Do đó, báo cáo nhận định Washington và Seoul nên hợp tác để triển khai các loại vũ khí hạt nhân chiến lược trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc nhằm đối phó với Triều Tiên, cũng như hối thúc các nước đồng minh cân nhắc “mọi phương án” để đáp trả Bình Nhưỡng.

“Mỹ có thể đe dọa Triều Tiên, nếu như Washington tăng cường sản xuất ICBM và vũ khí hạt nhân lên gấp 3 lần hoặc Mỹ cho triển khai 8 – 10 vũ khí hạt nhân chiến thuật có khả năng tấn công và phá hủy các cở sở nằm sâu dưới lòng đất tới Hàn Quốc”, báo cáo viết thêm.

Báo cáo cho rằng, Mỹ nên trì hoãn việc chuyển giao quyền kiểm soát hoạt động thời chiến (OPCON) từ Washington cho Seoul, nếu như Mỹ chưa cung cấp các loại vũ khí hạt nhân để hỗ trợ Hàn Quốc.

“Đây sẽ không phải là chiến tranh truyền thống mà là một cuộc xung đột hạt nhân. Hàn Quốc hiện không có đủ năng lực để đối phó với Triều Tiên đặc biệt trong tình huống bị tấn công bất ngờ. Do đó, nếu thực hiện chuyển giao quyền kiểm soát hoạt động thời chiến, Mỹ đã vô tình khiến Triều Tiên hiểu rằng đây là dấu hiệu cho thấy Mỹ lập lờ thực hiện các cam kết đảm bảo an ninh quốc phòng với Hàn Quốc”, báo cáo khẳng định.

Về phần mình, mới đây, Chủ tịch triều Tiên Kim Jong-un đã kêu gọi đảng Lao động triều Tiên “tăng cường năng lực ngăn chặn chiến tranh hạt nhân”, đồng thời tái thiết kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm mới.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/vu-khi-hat-nhan-trieu-tien-duoc-uoc-tinh-nhieu-co-nao-281779.html