Vũ khí giúp Nga-Trung loại bỏ ưu thế không gian của Mỹ

Nga và Trung Quốc đang phát triển nhiều loại vũ khí chống vệ tinh nhằm vô hiệu hóa ưu thế của Mỹ trên vũ trụ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thúc đẩy kế hoạch thành lập Quân chủng Vũ trụ trong bối cảnh Nga và Trung Quốc tích cực phát triển các phương thức mới để loại bỏ ưu thế không gian của Mỹ. Hai nước này đã dành nhiều nguồn lực để nghiên cứu vũ khí diệt vệ tinh và khí tài trên quỹ đạo quanh Trái Đất, theo National Interest.

"Moskva và Bắc Kinh ngày càng quan tâm tới việc đối phó ưu thế trong không gian của Washington, họ coi việc phát triển vũ khí diệt vệ tinh là một phần trong học thuyết quân sự tương lai để giảm hiệu quả tác chiến của đối phương", Daniel Coats, giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ, phát biểu trong một buổi điều trần trước quốc hội Mỹ.

Sức mạnh quân sự Mỹ, đặc biệt là lực lượng không quân, phụ thuộc rất lớn vào kết nối dữ liệu qua vệ tinh. Lầu Năm Góc sử dụng nhiều công nghệ khác nhau, gồm cả đường truyền dữ liệu Link-16 để kết nối các lực lượng trên chiến trường theo thời gian thực. Các máy bay chiến đấu Mỹ liên tục thu thập và trao đổi dữ liệu với nhau để nhận diện mục tiêu, điều phối tấn công và tác chiến hiệp đồng.

Bởi vậy, vệ tinh trở thành khâu trọng yếu trong tác chiến hiện đại của quân đội Mỹ. Để nhắm vào mắt xích này, các đối thủ của Mỹ có thể sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực tác chiến điện tử và chiến tranh mạng. Đối thủ của Washington có thể tập trung gây nhiễu mạng lưới vệ tinh liên lạc quân sự (SATCOM) và do thám, cũng như tăng khả năng vô hiệu hóa, làm sai lệch hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS).

Vệ tinh cũng có thể trang bị vũ khí laser để vô hiệu hóa khí tài đối phương. Ảnh: Sputnik.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc từng thảo luận phương thức gây nhiễu tín hiệu vệ tinh trên các tần số thông thường, trong khi Nga dự kiến hiện đại hóa lực lượng tác chiến điện tử và bổ sung nhiều trang bị tối tân trước năm 2020.

Nếu giải pháp tấn công phi vật lý thất bại, Nga và Trung Quốc có thể tính tới kế hoạch bắn hạ khí tài không gian Mỹ. Một số vũ khí diệt vệ tinh (ASAT) đang được hai nước này hoàn thiện, dự kiến đưa vào thử nghiệm và biên chế trong vài năm tới.

"Các chiến lược gia Nga coi ASAT là một thành phần trong hệ thống phòng thủ không gian, họ sẽ theo đuổi nhiều phương thức khác nhau để tiêu diệt vệ tinh ở mọi độ cao", Coats nhận định. Trong khi đó, Trung Quốc cũng chuẩn bị đưa vào biên chế một loại vũ khí diệt vệ tinh mới.

Cả Moskva và Bắc Kinh đang phát triển vũ khí năng lượng định hướng để làm mù hoặc phá hủy hoàn toàn vệ tinh trinh sát ảnh của Washington. Ngoài ra, họ cũng sở hữu mạng lưới vệ tinh dày đặc, với khả năng chủ động va chạm, phá hủy khí tài không gian của đối phương.

Việc các đối thủ sở hữu ASAT có thể xóa bỏ ưu thế của Mỹ trong chiến tranh, buộc Lầu Năm Góc phải đầu tư nhiều tiền của nhằm duy trì sức mạnh. Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đang cân nhắc quyết định coi tác chiến điện tử như là một mặt trận mới, giống như trên không, trên biển và trên bộ.

"Tác chiến điện tử quan trọng đến mức chúng tôi cân nhắc đó là một mặt trận riêng. Chúng tôi đang chuyển hướng chú ý đến các hoạt động tấn công và phòng thủ điện tử, nó sẽ trở thành một trong những lĩnh vực quan trọng nhất trong tương lai", tướng Sandra Finan, phó giám đốc Phòng thông tin (CIO) phụ trách Chỉ huy, Kiểm soát, Liên lạc và Máy tính (C4) thuộc không quân Mỹ tuyên bố.

Theo Duy Sơn

vnexpress.net

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/vu-khi-giup-ngatrung-loai-bo-uu-the-khong-gian-cua-my-211255.html