Vũ khí diệt UAV tự sát hiệu quả nhất của Ukraine 'tổn thương' vì cái 'lắc đầu' của Thụy Sĩ

Các tổ hợp pháo phòng không Gepard Đức viện trợ cho Ukraine được xem là vũ khí hiệu quả nhất để tiêu diệt UAV tự sát xét trên tổng hợp tiêu chí, tuy vậy loại khí tài lại lại không tiếp tục thể hiện được hiệu suất chiến đấu với lý do là hết đạn để bắn.

Các tổ hợp pháo phòng không Gepard Đức viện trợ cho Ukraine đã được tung vào tham chiến và cho thấy hiệu quả trong việc tiêu diệt UAV tự sát và tên lửa hành trình của Nga.

Đây được xem là một cứu cánh của quân đội Ukraine khi đối phó với các đòn tập kích có sử dụng nhiều UAV tự sát.

Việc sử dụng tên lửa phòng không có giá hàng triệu USD chỉ để bắn hạ các UAV tự sát có giá chỉ hai ba chục ngàn USD được coi là cơn ác mộng cho Ukraine.

Trong một cuộc xung đột giằng co kéo dài khi mà Nga đang có trong tay hàng ngàn UAV tự sát giá rẻ thì việc sử dụng tên lửa phòng không đắt tiền là một thách thức cực lớn không chỉ cho Kiev và cả phương Tây.

Chính vì vậy, việc ưu tiên dùng các hệ thống phòng không đánh chặn sử dụng pháo được coi là một bước đi đúng đắn và hiệu quả khi xét về chi phí.

Đức đã chuyển cho Ukraine 30 hệ thống Gepard với 6.000 đạn pháo. Đây được coi là loại khí tài tiêu diệt UAV tự sát hiệu quả nhất hiện nay.

Gepard đã dần bị loại biên khỏi quân đội Đức từ năm 2010 sau khi lực lượng này chuyển sang sử dụng xe thiết giáp Wiesel gắn tên lửa phòng không FIM-92 Stinger hoặc LFK NG.

Kiev bắt đầu sử dụng Gepard từ cuối tháng 9 và tổ hợp này đã đánh chặn thành công nhiều tên lửa và UAV của Nga tập kích vào mục tiêu cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.

Tuy nhiên, một vấn đề đang gây ra thách thức tới việc vận hành Gepard chính là nguồn cung đạn dược cho tổ hợp này.

Hồi tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã gửi thư tới Thụy Sĩ để kêu gọi thông qua việc cung cấp 12.400 viên đạn pháo loại 35mm do Bern sản xuất cho các tổ hợp Gepard mà Berlin đã cung cấp cho Ukraine.

Các loại đạn pháo 35mm được các công ty Thụy Sĩ bán cho quân đội Đức từ nhiều thập niên trước với điều kiện chúng không được phép tái xuất nếu không có sự chấp thuận của Bern.

Nhưng Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ Guy Parmelin đã từ chối. Hồi tháng 6/2022, chính phủ Thụy Sĩ cũng đưa ra phản ứng tương tự khi nhận được lời đề nghị từ Đức.

Thụy Sĩ giải thích, nếu họ chấp nhận đề xuất từ Đức, điều đó sẽ vi phạm chính sách trung lập của Bern.

"Theo nguyên tắc đối xử bình đẳng trong luật trung lập, Thụy Sĩ không thể đồng ý với yêu cầu chuyển giao trang thiết bị chiến tranh có nguồn gốc từ Thụy Sĩ cho Ukraine vì Kiev còn liên quan một cuộc xung đột vũ trang quốc tế", tuyên bố của nước này nêu rõ.

Loại đạn 35mm sử dụng trên Gepard hiện khá khó để kiếm nguồn cung vì không có nhiều phương án tương thích với hệ thống này.

Sự kiên quyết của Thụy Sĩ trong việc duy trì chiến lược trung lập tới thời điểm này có thể trở thành thách thức cho phía Ukraine trong việc đảm bảo nguồn lực vũ khí để chặn các vụ tấn công dồn dập của Nga.

Gepard là hệ thống pháo phòng không tự hành do Tây Đức phát triển và được trang bị từ năm 1973. Hiện nay biến thể Gepard 1A2 vẫn là loại pháo phòng không tự hành phổ biến của khối NATO.

Gepard 1A2 có tất cả 2 loại radar - một radar cảnh giới bố trí ở phía sau tháp pháo và radar theo dõi mục tiêu nằm phía trước, bên cạnh đó còn có một máy đo xa laser đặt giữa hai nòng pháo, đi kèm cụm ống phóng đạn khói ngụy trang.

Gepard 1A2 có trọng lượng chiến đấu 47,5 tấn, chiều dài 7,7 m, chiều cao 3,29 m.

Xe được trang bị động cơ diesel công suất 830 mã lực, cho tốc độ tối đa 65 km/h, phạm vi hoạt động 550 km với kíp chiến đấu 3 người.

Mỗi hệ thống Gepard 1A2 có thể tự tạo hỏa lực tại chỗ, di chuyển và bắn trúng mục tiêu trên không bay với tốc độ lên đến 400 m/s.

Độ cao tác xạ của pháo đạt 3.000 m và tầm xa đến 5.500 m. Tốc độ bắn đạt 550 phát/phút mỗi nòng.

Hai khẩu pháo 35 mm của Gepard cho thời gian bắn liên tục 37 giây trước khi hết đạn (với 680 viên đạn cho cả hai nòng). Sơ tốc đầu nòng của đạn đạt con số 1.440 m/s.

Ngoài phòng không, Gepard 1A2 còn có thể đánh bại các mục tiêu mặt đất, kể cả xe bọc thép nhẹ ở khoảng cách lên đến 4,5 km thông qua đạn xuyên thép.

Hiện tại gói nâng cấp Gepard 1A2 được cho là có khả năng bắn đạn lắp ngòi điện tử định tầm nổ để tăng xác suất tiêu diệt mục tiêu, cùng với đó và việc tích hợp tên lửa phòng không FIM-92 Stinger trên tháp pháo.

Theo đánh giá từ giới chuyên gia, cho tới nay Gepard 1A2 do Đức phát triển vẫn luôn giữ vững vị trí nằm trong top đầu thế giới.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vu-khi-diet-uav-tu-sat-hieu-qua-nhat-cua-ukraine-ton-thuong-vi-cai-lac-dau-cua-thuy-si-post522123.antd