Vũ khí chiến lược của kẻ yếu

Tên lửa chiến thuật và tên lửa chiến dịch- chiến thuật ngày càng được 'ưa chuộng' trên thế giới.

Xin được chuyển đến bạn đọc bài giới thiệu một số thông tin khái quát về các lớp tên lửa chiến thuật và tên lửa chiến dịch- chiến thuật với tiêu đề và phụ đề trên của Aleksandr Khramchikhin, Phó giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự Viện Hàn lầm khoa học Nga. Bài đăng trên “Bình luận quân sự độc lập” (Nga) ngày 17/8/2018.

Tổ hợp tên lửa Nga “Iskander” có thể phóng cả tên lửa đạn đạo lẫn tên lửa có cánh. Ảnh: www.mil.ru

Tên lửa đạn đạo chiến thuật và tên lửa đạn đạo chiến dịch- chiến thuật là những kiểu vũ khí tương đối đơn giản trong sử dụng và có giá cũng khá rẻ. Đôi khi chúng còn được xác định là “vũ khí chiến lược của nước nghèo”.

Rẻ hơn máy bay nhưng khó bị bắn hạ hơn

Khác với các máy bay chiến đấu, tên lửa chiến thuật và chiến dịch- chiến thuật là loại “sản phẩm sử dụng một lần”. Nhưng những tên lửa như vậy rẻ hơn máy bay rất nhiều lần và là mục tiêu rất khó xử lý đối với các hệ thống phòng không.

Thành thử, những tên lửa này có xác xuất mang đầu tác chiến đến mục tiêu cao hơn nhiều so với máy bay, còn “cái chết” của nó thì đã được xác định ngay từ thời điểm ấn nút phóng. Một máy bay bị rơi, nhất là lại mang theo cả phi công- đó một tổn thất rất nhạy cảm đối với cả những quân đội mạnh nhất trên thế giói.

Không những chỉ rẻ, tên lửa hoàn toàn không phụ thuộc vào thời tiết và không cần các sân bay. Nhược điểm lớn nhất của các tên lửa như vậy- đó là độ chính xác không cao. Ngoài ra, cự ly tác chiến của chúng thường cũng nhỏ hơn so với máy bay chiến đấu.

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, kiểu tên lửa chiến dịch- chiến thuật phổ biến nhất trên thế giới là R-17, hay còn có một tên gọi khác quen thuộc hơn theo phân loại của NATO là “Scud”.

Kiểu tên lửa này đã được xuất khẩu nhiều ra nước ngoài và cũng được “copy”, sản xuất và sử dụng nhiều không kém trong các cuộc chiến tranh. Tên lửa “Scud” được sử dụng nhiều nhất trong cuộc chiến tranh Iraq- Iran 1980- 1988.

Trong suốt cuộc chiến tranh này, Iran đã phóng vào lãnh thổ Iraq 455 quả tên lửa đạn đạo R-17, còn Iraq- ít hơn một chút- chỉ phóng 428 quả đạn tên lửa vào các mục tiêu trên lãnh thổ Iran.

Do độ chính xác hạn chế nên các đòn tấn công tên lửa của hai bên chủ yếu nhằm vào các thành phố lớn (vì tên lửa khó có thể bắn trượt các thành phố… ), chính vì vậy mà cuộc chiến tranh Iran- Iraq với đỉnh điểm là các đòn tấn công tên lửa vào nhau trong năm 1985 còn được gọi là cuộc “chiến tranh giữa các thành phố”.

Trong chiến dịch “Bão táp sa mạc” năm 1991, trên thực tế, những hoạt động tác chiến duy nhất của Quân đội Iraq là các đợt tấn công bằng tên lửa R-17 nhằm vào Ả Rập Xê Út (46 tên lửa) và Israel (42 tên lửa).

Iraq tấn công bằng tên lửa vào lãnh thổ Israel với mục đích buộc nước này phải tham gia cuộc chiến tranh và bằng cách đó làm thay đổi lập trường chống Iraq của các nước A rập (trừ Jordan và Yemen). Trên lãnh thổ Israel đã có 1 người chết vì tên lửa Iraq, một số nữa chết vì nhồi máu cơ tim.

Còn tại thành phố Dhahran của Ả Rập Xê Út, một quả tên lửa R-17 đã bắn trúng doanh trại quân đội làm 28 vệ binh quốc gia Mỹ thiệt mạng. Các cuộc đi săn những tổ hợp phóng “Scud” cơ động Iraq của không quân Mỹ và Đặc nhiệm Anh đã tỏ ra không hiệu quả.

Việc sử dụng các tổ hợp tên lửa phòng không Mỹ “Patriot” để chống lại các tên lửa Liên Xô R-17 cũng không đem lại hiệu quả mong muốn.

Mặc dù các quan chức Mỹ và Israel tuyên bố hùng hồn về hiệu suất tác chiến rất cao của tổ hợp tên lửa phòng không này (“Patriot”) và khẳng định “Patriot” đã bắn hạ gần như tất cả “Scud”, nhưng chính các nhà khoa học của những nước này (Mỹ và Israel) đã phải thừa nhận rằng hiệu suất đánh chặn thành công (“Scud”) của “Patriot” không vượt quá 10%.

Thậm chí ngay cả trong trường hợp tên lửa phòng không (Mỹ) nổ ngay bên cạnh “Scud” thì “Patriot” cũng khôn phá hủy được R-17, mà chỉ làm lệch hướng (nhưng không đáng kể) hướng bay của “Scud”.

Còn đối với Liên Xô (khi đó) thì R-17 “Scud” đã là kiểu vũ khí lạc hậu, các tên lửa R-12 và R-14 hiện đại hơn thì đã bị hủy theo Hiệp ước về tên lửa tầm trung và và tầm ngắn (Hiệp ước giữa Liên Xô và Mỹ ký năm 1987 về việc hai bên hủy các tên lửa có cánh và tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất tầm trung (cự ly bắn từ 1.000 đến 5.500 km) và tầm ngắn (cự ly bắn từ 500 đến 1.000 km-ND).

Kiểu tên lửa mới nhất của Liên Xô lúc đó là tên lửa chiến dịch- chiến thuật R-23 “Oka” cũng chịu chung số phận với R-12 và R-14 mặc dù tầm bắn của nó nhỏ hơn tầm bắn tối thiểu quy định trong Hiệp ước nói trên (“Oka” có tầm bắn < 500 km-ND) theo quyết định hết sức khó hiểu và gây tranh cãi đến tận bây giờ (về “Oka” R-24) của đích thân Mikhail Gorbachev (Tổng bí thư ĐCS Liên Xô lúc đó-ND) .

Cuối cùng thì Liên Xô, và sau này là Nga đành tự hài lỏng với tên lửa chiến thuật “Tochka” có tầm bắn từ 15 đến 70 km (biến thể “Tochka-U” có tầm bắn đến 120 km). Kiểu tên lửa này (“Tochka”) đã được xuất khẩu cho một số nước trên thế giới.

Cụ thể hơn, xin dẫn một ví dụ: Trong tiến trình cuộc nội chiến hiện nay (tại Yemen), một số tên lửa“Tochka” của Quân đội Yemen đã rơi vào tay quân nổi dậy Houthi.

Những tên lửa “Tochka” đó đã được sử dụng rât hiệu quả trong cuộc chiến của Quân Houthi chống Quân đội A rập- Xê-Ut - đến mức mà người Houthi đã “sáng tác” riêng một bài hát ca ngơi “Tochka” , - có thể dễ dàng tìm bài hát này trên mạng Internet.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/vu-khi-chien-luoc-cua-ke-yeu-3363885/