Vũ khí bí mật ẩn mình trên tàu buôn Mỹ có thể tung đòn bất ngờ, khiến TQ trở tay không kịp

Nếu chiến tranh Mỹ-Trung nổ ra ở Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ sẽ phải đối mặt với một đối thủ vượt trội về số lượng tàu trên biển.

Trong những năm gần đây, Mỹ bắt đầu chuyển trọng tâm quân sự ra khỏi các chiến dịch chống khủng bố và hướng trở lại vào khả năng bùng phát xung đột với các đối thủ ngang tầm như Trung Quốc.

Thật không may, gần 2 thập kỷ liên tiếp của cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố đã khiến bộ máy phòng thủ của Mỹ giờ đây phải nỗ lực bắt kịp đối thủ ở một số khía cạnh, để thu hẹp các lỗ hổng về năng lực của họ ở châu Âu và Thái Bình Dương.

Theo chuyên gia chính sách đối ngoại và phân tích công nghệ quốc phòng Alex Hollings (Mỹ), nếu tính tổng số lượng tàu chiến của Hải quân Trung Quốc với tàu của lực lượng hải cảnh và dân quân biển nước này, chúng ta sẽ có khoảng 770 tàu Trung Quốc hiện diện ở Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Hải quân Mỹ hiện chỉ có 293 tàu. Mặc dù Tổng thống Trump đang thúc đẩy nâng con số này lên 355 tàu nhưng chưa có kế hoạch thực tế nào được triển khai. Điều đó có nghĩa Hải quân Mỹ sẽ phải đối mặt với một đối thủ vượt trội về số lượng tàu trên biển.

Tàu chở hàng mang tên lửa

Ông Hollings cho rằng, nếu Mỹ rơi vào xung đột với Trung Quốc thì một trong những ưu tiên hàng đầu của Washington là phải tìm ra cách tăng cường nhanh chóng sự hiện diện quân sự và năng lực chiến lược của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Trung Quốc hiện có một kho tên lửa đạn đạo khổng lồ, đồng nghĩa "phòng thủ tên lửa" sẽ là ưu tiên lớn đối với các tàu khu trục Aegis của Mỹ. Thế nhưng, điều đó sẽ làm hạn chế năng lực tấn công của những con tàu này, bởi chúng sẽ phải loanh quanh ở khu vực đặc trách, canh chừng và sẵn sàng đánh chặn bất cứ tên lửa nào bay về phía đó.

Đây sẽ là một sự lãng phí tàu khu trục, và từ đó làm giới hạn năng lực chiến đấu của các nhóm tác chiến khác khi chúng không thể nhờ cậy vào hỏa lực từ các tàu khu trục này.

Do phải đảm nhận vai trò phòng thủ, các tàu khu trục của Mỹ bị hạn chế năng lực tấn công. Ảnh: Hải quân Mỹ

Do phải đảm nhận vai trò phòng thủ, các tàu khu trục của Mỹ bị hạn chế năng lực tấn công. Ảnh: Hải quân Mỹ

Trên thực tế, Mỹ chỉ đơn giản là cần thêm nhiều ống phóng tên lửa thẳng đứng (VLS) ở Thái Bình Dương để vừa tăng cường tấn công, vừa củng cố phòng thủ, và họ cần có một phương án càng nhanh, càng rẻ càng tốt.

Từ đây, ý tưởng tàu tên lửa ra đời. Trong bài luận năm 2019 của Viện Hải quân Mỹ, 5 chuyên gia, trong đó có một đại tá hải quân và một đại tá thủy quân lục chiến về hưu, đã đưa ra gợi ý về việc vũ trang cho các tàu hàng thương mại (tàu buôn) để chúng tham gia các chiến dịch tác chiến.

Mỹ từ lâu đã có các hệ thống tên lửa đặt trong container, có thể dễ dàng bố trí trên boong của các tàu chở hàng lớn. Ngoài ra, với các siêu máy tính kết hợp dữ liệu như trên tiêm kích tàng hình F-35, Mỹ đã chứng tỏ khả năng tấn công mục tiêu bằng các loại vũ khí đặt trên bộ/tàu mặt nước thông qua dữ liệu mục tiêu được các máy bay gần đó truyền về.

Do đó, đây được xem là một ý tưởng tiết kiệm thời gian và chi phí.

Xây dựng hạm đội tàu hàng tên lửa như thế nào?

Bước đầu tiên để xây dựng một hạm đội tàu hàng tên lửa sẽ là tìm mua phần thân của các tàu chở hàng thương mại, điều này có vẻ tương đối dễ dàng nếu chiến tranh sắp nổ ra ở Thái Bình Dương.

Ước tính có 1/3 số tàu hàng thương mại trên toàn cầu đi qua Biển Đông hàng năm, và xung đột giữa Mỹ-Trung [nếu xảy ra] sẽ cắt giảm phần lớn lượng lưu thông này do hai phía đều sụt giảm các hoạt động thương mại.

Hải quân Mỹ có thể cải tạo các tàu hàng để chúng mang tên lửa. Ảnh: Pixnio

Bên cạnh đó, các phía khác sẽ nhận thấy được mối nguy hiểm tiềm tàng khi đưa tàu thương mại của họ đi qua một khu vực mà có thể trở thành chiến trường hàng hải lớn nhất trong lịch sử. Vì thế, Mỹ có thể mua lại các tàu hàng vào thời điểm này với một mức giá giảm đáng kể.

Một tàu chở hàng thân đôi mới sẽ có giá từ 25-50 triệu USD, nhưng tàu chở hàng đã qua sử dụng có thể được tìm thấy trên những website như NautiSNP với giá rẻ hơn nhiều, thậm chí một số tàu trên thị trường hiện nay chỉ có giá trên 1 triệu USD.

Và một lần nữa, sự sụt giảm các hoạt động thương mại ở Thái Bình Dương sẽ cho phép Mỹ tiết kiệm được một khoản chi phí lớn, khi các công ty trong khu vực phải thanh lý tài sản để bù đắp một số khoản lỗ.

Cải tạo tàu hàng thương mại thành tàu tên lửa

Công tác cải tạo có thể được tiến hành theo hai cách. Hải quân Mỹ có thể bố trí các hệ thống tên lửa đặt trong container và phương tiện không người lái trên những con tàu này, khiến đối phương vừa khó phân biệt chúng với tàu hàng truyền thống, vừa giúp giảm đáng kể các công đoạn cần thiết để chuyển đổi mỗi tàu.

Cách thứ hai là các tàu hàng sẽ được sửa đổi để có thể bố trí ống phóng tên lửa thẳng đứng (VLS), tương tự như trên các tàu khu trục của Mỹ.

Ống phóng tên lửa thẳng đứng trên một tàu chiến Mỹ. Ảnh: Hải quân Mỹ

Mặc dù phương thức này tốn nhiều thời gian hơn (có thể từ 3-6 tháng trên mỗi tàu) và chi phí cao hơn nhưng đổi lại, nó sẽ có hệ thống tên lửa đồng bộ với các tàu khác của hải quân Mỹ, giúp rút ngắn thời gian huấn luyện cho kíp vận hành và đơn giản hóa các khâu hậu cần đi kèm.

Tuy nhiên, Hải quân Mỹ sẽ phải thận trọng cân nhắc xem họ định chuyển đổi bao nhiêu tàu hàng tên lửa và mỗi tàu mang bao nhiêu tên lửa.

Với tiềm lực hiện nay, Mỹ có thể bố trí hơn 100 ống phóng VLS cùng tên lửa tương ứng lên mỗi tàu hàng, nhưng điều đó sẽ dẫn tới khoản chi phí vô cùng đắt đỏ, đồng thời biến con tàu trở thành mục tiêu lớn cho Trung Quốc.

Do đó, bản đề xuất kiến nghị Hải quân Mỹ nên chuyển đổi 10-15 tàu hàng sang tàu tên lửa, và mỗi tàu chỉ mang 30-50 tên lửa Tomahawk.

Một điều cần lưu tâm nữa là kíp vận hành của các tàu này nên có quy mô khoảng 30 người, bao gồm cả sĩ quan Hải quân Mỹ và các thủy thủ tàu dân sự - những người đã có kinh nghiệm hoạt động trên các tàu hàng thương mại.

Bằng cách tuyển mộ từ các công ty tư nhân, hải quân Mỹ có thể nhanh chóng triển khai những con tàu này với kíp thủy thủ đã được đào tạo và có đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong khi các sĩ quan Hải quân Mỹ sẽ giữ vai trò chỉ huy tàu và đảm nhiệm các vai trò chiến đấu cốt yếu khác.

Ý tưởng tàu hàng tên lửa có thực tiễn?

Theo đánh giá của chuyên gia Alex Hollings, mặc dù Hải quân Mỹ đang ở trong giai đoạn đầu của cái gọi là "kỷ nguyên chuyển mình" nhưng khó có khả năng Mỹ sẽ rời bỏ các tàu chiến đa nhiệm, chi phí cao trong thời gian ngắn.

Tàu sân bay USS Gerald R. Ford là một ví dụ điển hình cho thấy Hải quân Mỹ yêu thích các loại khí tài mới mẻ, đắt đỏ và bóng bẩy hơn là các phương tiện tiết kiệm chi phí nhưng cũ kỹ, hoen gỉ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh với Trung Quốc đang đến gần hơn, cũng không loại trừ khả năng chúng ta sẽ chứng kiến một sự chuyển mình trong tư tưởng của Hải quân Mỹ.

QS

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/vu-khi-bi-mat-an-minh-tren-tau-buon-my-co-the-tung-don-bat-ngo-khien-tq-tro-tay-khong-kip-8202024810594223.htm