Vụ Khải Silk: Cục Sở hữu trí tuệ chờ công an đề nghị để vào cuộc

Liên quan đến vụ việc nhãn hiệu Khải Silk bán khăn lụa Việt Nam gắn mác 'made in China', cục Sở hữu trí tuệ sẵn sàng vào cuộc nếu các cơ quan chức năng khác như quản lý thị trường, công an đề nghị hợp tác về chuyên môn.

Ông Nguyễn Phương Minh, Phó phòng Thực thi giải quyết khiếu nại, cục Sở hữu trí tuệ, bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, phía Cục đã cấp 2 giấy chứng nhận nhãn hiệu cho công ty TNHH Khải Đức.

Theo đó, ngày 16/12/2003, phía Cục đã cấp nhãn hiệu hàng hóa với mẫu nhãn hiệu Khải Silk của công ty Khải Đức.

Danh mục sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu nhóm 35: Mua bán các loại sản phẩm và nguyên liệu dệt may (quần áo, caravat, khăn choàng cổ, giỏ xách vải và vải lụa tơ tằm). Nhãn hiệu hàng hóa có giá trị đến ngày 23/9/2020.

Lực lượng QLTT đang phối hợp với cá cơ quan khác làm rõ vụ việc.

Phía công ty TNHH Khải Đức còn được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa với nhãn hiệu Khải Silk Boutique ngày 23/9/2012. Tuy nhiên nhãn hiệu này đã hết hạn bảo hộ.

“Từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu Khải Silk, phía Cục chưa nhận được phản ánh của phía doanh nghiệp về việc bị các doanh nghiệp, đơn vị khác xâm phạm. Vì thế, cục Sở hữu trí tuệ chưa xử lý vụ việc nào liên quan đến nhãn hiệu Khải Silk”, ông Minh chia sẻ.

Việc Khải Silk bán khăn lụa cắt mác “made in China” và thay thế vào đó là mác “made in Việt Nam” liên quan đến việc gắn mác xuất xứ hàng hóa, vấn đề này thuộc thẩm quyền giải quyết, xử lý của bộ Công Thương.

Tuy nhiên nhìn nhận dưới góc độ cá nhân, ông Minh cho rằng, thương hiệu này đã vi phạm vào việc dán nhãn hàng hóa và gắn mác xuất xứ.

“Nếu các cơ quan chức năng khác như quản lý thị trường, công an đề nghị hợp tác về chuyên môn liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa, phía Cục sẵn sàng hợp tác. Bộ trưởng bộ KH&CN cũng đã có thông báo gửi một số cơ quan trực thuộc yêu cầu phối hợp khi có yêu cầu từ các cơ quan khác liên quan đến vụ việc này”, ông Minh cho biết.

Trong vụ việc thương hiệu Khải Silk cắt mác “made in China” sau đó gắn mác “made in Vietnam” đã có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.

Phải chờ kết luận của Quản lý Thị trường

Lãnh đạo phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.Hà Nội cho biết, cơ quan quản lý thị trường mới gửi công văn sang Công an TP.Hà Nội đề nghị vào cuộc làm rõ, chưa chuyển hồ sơ của vụ việc.

Nếu cơ quan chuyên môn là lực lượng quản lý thị trường gửi công văn, kết luận vụ Khải Silk có dấu hiệu vi phạm hình sự, xác định hành vi vi phạm thì cơ quan công an sẽ làm đúng theo quy định, khách quan, trung thực.

Theo đó, khoản 1, Điều 3, Nghị định 19/2006/NĐ-CP quy định, xuất xứ hàng hóa là nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa đó.

Điều 15, Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về ghi nhãn hàng hóa cũng nêu rõ: Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết . Cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định như sau: Ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất hàng hóa đó.

Điểm d, khoản 8, Điều 3, Nghị định 185/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 124/2015/NĐ-CP) nêu rõ, hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa sẽ bị coi là hàng giả.

Điều 21, Nghị định 185/2013 quy định về mức xử phạt liên quan đến hành vi đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa.

Nếu tổ chức, cá nhân bán hàng hóa mà trên bao bì hàng hóa hoặc nhãn hàng hóa có chỉ dẫn “made in Vietnam” trong khi hàng hóa thực chất là “made in China” thì hành vi này bị coi là buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.

Trong trường hợp nếu hành vi đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả. Theo đó, mức hình phạt cao nhất của tội này lên đến 15 năm tù nếu hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên.

Xuân Hòa

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/vu-khai-silk-cuc-so-huu-tri-tue-cho-cong-an-de-nghi-de-vao-cuoc-a345156.html