Vụ khách hàng đòi tiền nữ 'giảng viên đại học': Rủi ro khi nộp tiền xuất khẩu lao động cho cá nhân

Liên quan vụ nhiều người dân tố cáo người môi giới xuất khẩu lao động ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) thu mỗi người hàng trăm triệu đồng rồi dây dưa không trả, đại diện cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh đã đưa ra khuyến cáo.

Nhiều người dân đứng mỏi mòn trong đêm trước nhà bà Liên để đòi tiền du học- xuất khẩu lao động. Ảnh: PV

Như Lao Động đã thông tin, tin tưởng vào mác “chồng bộ đội, vợ giảng viên đại học” của vợ chồng Phạm Như Ý- Nguyễn Thị Kim Liên (trú phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh), hàng chục người đã nộp số tiền lớn cho cặp vợ chồng này để đi du học-xuất khẩu lao động (XKLĐ). Tuy nhiên, thời gian kéo dài nhiều tháng, không xuất cảnh được mà đòi tiền thì bị khất lần, có dấu hiệulừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Liên quan đến vụ việc, sáng 21.11, trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Hòa - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) Hà Tĩnh - đơn vị có chức năng tuyển sinh du học -XKLĐ - cho biết: “Theo quy định, người môi giới du học - XKLĐ không được phép thu bất kỳ khoản nào của lao động, vì không có chức năng, nhiệm vụ đó”.

Giấy nhận nợ tiền du học nghề của bà Nguyễn Thị Kim Liên. Ảnh: PV.

Theo ông Nguyễn Tiến Hòa, nguyên tắc người môi giới (nếu có ký hợp đồng môi giới với công ty) chỉ được đưa thông báo đến người lao động có nhu cầu theo thông báo của công ty (Cty) đã được cấp phép hoạt động.

Sau đó, người lao động trực tiếp làm việc với Cty, hai bên ký kết hợp đồng với các nội dung cụ thể, trên cơ sở đó người lao động mới nộp tiền theo danh mục Cty thông báo. Hợp đồng du học - XKLĐ giữa hai bên thực hiện theo quy định của của Bộ LĐTB&XH hoặc của Bộ Giáo dục Đào tạo (GD&ĐT).

"Các Cty được cơ quan chức năng kiểm tra, cấp phép hoạt động và có tư cách pháp nhân, trụ sở, con dấu, tài khoản riêng, nếu có vấn đề gì Cty sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật", ông Hòa nói.

Vị giám đốc khuyến cáo người lao động - học sinh không nên nộp tiền, giao kết hợp đồng qua bất kỳ cá nhân nào vì sẽ gặp rủi ro khi không ký trực tiếp với Cty.

"Nguyên nhân do nhận thức, hiểu biết về các quy định người dân còn nhiều hạn chế. Cần đẩy mạnh tuyên truyền cũng như nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở", ông Nguyễn Tiến Hòa chia sẻ.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (đoàn Luật sư Nghệ An) trao đổi: Theo nguyên tắc, giao dịch liên quan đến du học - XKLĐ phải được thực hiện thông qua ký kết hợp đồng giữa cá nhân và tổ chức - doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Còn giao dịch giữa cá nhân với nhau thông qua giấy viết tay thì không có giá trị pháp lý để người lao động đòi quyền lợi khi xảy ra rủi ro. Trong thực tế, đã có nhiều trường hợp cá nhân nhận tiền XKLĐ rồi chiếm đoạt bị khởi tố về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

VĂN TRUNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/vu-khach-hang-doi-tien-nu-giang-vien-dai-hoc-rui-ro-khi-nop-tien-xuat-khau-lao-dong-cho-ca-nhan-642441.ldo