Vụ Kế hoạch: Chủ động tạo đà cho những mục tiêu lớn

Gắn liền với sự ra đời và lớn mạnh của ngành Công Thương, công tác kế hoạch luôn được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Bộ. Trải qua 70 năm với nhiều mô hình hoạt động, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới, công tác kế hoạch đã nhanh chóng phát triển theo hướng chủ động hiện đại. Và sự chuyển biến này càng rõ nét trong 5 năm qua, khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng.

Những dấu ấn nổi bật

Tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và chuyển dịch cơ cấu hàng hóa, thị trường xuất khẩu là hai dấu ấn được xem là nổi bật trong kế hoạch phát triển ngành Công Thương thời gian qua.

Quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp ngày càng đi vào thực chất hơn với xu hướng chuyển dịch khá rõ và tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành. Tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu GDP tăng liên tục, từ 27,1% năm 2016 lên 28,5% năm 2019 và ước tăng 28,2% năm 2020. Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Quy mô của ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP tăng từ 14,27% năm 2016 lên 16,48% vào năm 2019 và ước 16,9% năm 2020.

Trong nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo, Việt Nam đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ, từ các ngành công nghiệp thâm dụng vào tài nguyên như khoáng sản vào đầu những năm 1990, sang các mặt hàng công nghiệp thâm dụng lao động (dệt may, da giày...) những năm 2000, các ngành thâm dụng vốn vào những năm 2010 (thép, hóa chất) và thâm dụng công nghệ trong thời gian gần đây như điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học, máy móc công nghệ…) từ năm 2015.

Đặc biệt, công nghiệp hỗ trợ tuy còn nhiều khó khăn song đã dần trở thành một điểm sáng, đã dần được hình thành, sản xuất linh kiện, cụm linh kiện, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng trong các ngành công nghiệp. Số doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ đã tăng rất nhanh trong hơn 2 năm qua với khoảng trên 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện và hơn 1.500 doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giày, tạo ra hơn 550.000 việc làm.

Trong chuyển dịch cơ cấu hàng hóa, thị trường xuất khẩu, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Tỷ trọng xuất khẩu của nhóm nhiên liệu, khoáng sản giảm từ 3% năm 2015 và chỉ còn 1,7% năm 2019, ước 1,2% vào năm 2020.

Bên cạnh đó, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo tăng từ 78,9% năm 2015 lên 84,2% vào năm 2019, ước đạt 85% vào năm 2020; tỷ trọng xuất khẩu của các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao tăng từ 41,4% năm 2015 lên 49,5% vào năm 2019; tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị sản phẩm công nghệ cao tăng từ 63,9% năm 2016 lên 77,7% vào năm 2019.

Cơ cấu hàng hóa nhập khẩu chuyển dịch theo hướng nhập khẩu nhóm hàng khuyến khích nhập khẩu (nguyên, nhiên, vật liệu, máy móc, thiết bị và công nghệ) cho các dự án đầu tư phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và giảm dần nhập khẩu các mặt hàng hạn chế nhập khẩu (giảm từ 7,16% năm 2016 xuống ước 6,8% năm 2020).

Đồng thời, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có sự đa đạng hóa, số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD tăng dần, từ 23 mặt hàng năm 2015 lên 32 mặt hàng năm 2019. Trong năm 2019, số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD là 23, số mặt hàng có kim ngạch trên 5 tỷ USD là 8 và số mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD là 6.

Đáng chú ý, cơ cấu thị trường xuất khẩu chuyển dịch mạnh theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường xuất khẩu và khai thác có hiệu quả các quốc gia mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) và khai thác có hiệu quả các thị trường truyền thống, mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Đặc biệt, chuyển dịch cơ cấu về thành phần xuất khẩu đã có dấu hiệu tích cực khi xuất khẩu của khối DN trong nước đã có mức tăng trưởng cao vượt khu vực DN đầu tư nước ngoài.

Chủ động cho những đường hướng phát triển mới

Bộ Công Thương xác định mục tiêu tổng quát về phát triển ngành Công Thương trong giai đoạn 2021-2025, đó là hoàn thành các mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ giao và các chỉ tiêu đã được nêu trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị giai đoạn 2021-2025.

Tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến và chuyển dịch cơ cấu hàng hóa là hai dấu ấn nổi bật trong kế hoạch phát triển ngành Công Thương thời gian qua

Tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến và chuyển dịch cơ cấu hàng hóa là hai dấu ấn nổi bật trong kế hoạch phát triển ngành Công Thương thời gian qua

Ở đây cần nhấn mạnh 3 cân đối lớn. Một là đạt và duy trì được thặng dư trong cán cân thương mại với tỷ lệ xuất siêu/tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2,68% trong thời kỳ 2021-2025. Hai là, bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Ba là, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa trong nước, kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu Quốc hội đề ra.

Trên cơ sở đó cùng với những kinh nghiệm phát triển thời gian qua, cần thay đổi nhận thức một cách sâu sắc về quan điểm phát triển của ngành, theo đó trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành phải cần chủ động bám sát và thực hiện triệt để, quyết liệt các chủ trương, đường lối của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Trong quản lý, điều hành hoạt động của ngành cần chuyển dịch từ nhà nước quản lý sang nhà nước kiến tạo, từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, khung khổ pháp luật; hệ thống cơ chế, chính sách phát triển ngành đầy đủ, đồng bộ với tư duy mới, phù hợp với thực tiễn để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các thành phần kinh tế, bảo đảm mối tương quan hợp lý; giải quyết tốt các mối quan hệ giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế…

Thực hiện có hiệu quả việc quy hoạch và phân bổ nguồn lực cho phát triển ngành, tập trung trọng tâm, trọng điểm hơn trong phát triển các ngành, khu vực và đối tượng ưu tiên nhằm tạo ra các cụm ngành công nghiệp chuyên môn hóa là các cực tăng trưởng công nghiệp phát triển mạnh với sự dẫn dắt của một số doanh nghiệp công nghiệp nội địa có năng lực cạnh tranh để tạo hiệu ứng lan tỏa và lôi kéo toàn ngành công nghiệp phát triển.

Đồng thời đánh giá và nhận định đúng, đầy đủ, kịp thời đối với những vấn đề mới hình thành trong quá trình phát triển. Đặc biệt thường xuyên theo dõi diễn biến về tình hình thế giới và khu vực, nhất là những biến động lớn ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển ngành công nghiệp để tham mưu kịp thời cho Chính phủ về quyết sách và hành động nhanh chóng, quyết liệt, phù hợp.

Xác định đúng vai trò của ngành trong phát triển đất nước, tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm có chiều sâu, nâng cao nội lực của các ngành, tạo nền tảng vững chắc cho đất nước phát triển nhanh, bền vững và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có khả năng thích ứng và chống chịu cao hơn trước những tác động từ bên ngoài.

Vụ Kế hoạch là tổ chức thuộc Bộ Công Thương, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng, quản lý, tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; thống kê; đầu tư; chương trình, đề án phát triển ngành theo quy định của pháp luật.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vu-ke-hoach-chu-dong-tao-da-cho-nhung-muc-tieu-lon-157012.html