Vụ Innova lùi cao tốc: Tài xế container tiếp tục bị buộc tội

Lê Ngọc Hoàng - tài xế xe container trong vụ xe Innova lùi trên cao tốc khiến bốn người tử vong tiếp tục bị đề nghị truy tố tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Cơ quan CSĐT Công an thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) vừa hoàn tất bản kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố vụ án lùi xe trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên khiến bốn người tử vong.

Hai bị can là Lê Ngọc Hoàng (34 tuổi, tài xế xe container) và Ngô Văn Sơn (41 tuổi, tài xế xe Innova) cùng bị cáo buộc phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, theo khoản 3 Điều 202 BLHS năm 1999, khung hình phạt 7-15 năm tù.

Tài xế xe container Lê Ngọc Hoàng.

Tài xế xe container Lê Ngọc Hoàng.

Cáo buộc cùng một điều khoản

Đây là vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm khi Lê Ngọc Hoàng liên tục kêu oan, TAND Cấp cao tại Hà Nội từng xét xử giám đốc thẩm, tuyên hủy cả hai bản án của TAND tỉnh Thái Nguyên và TAND thị xã Phổ Yên.

Trong bản kết luận điều tra mới nhất, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Phổ Yên tiếp tục xác định vào ngày 19-11-2016, Ngô Văn Sơn điều khiển xe Innova chở theo 10 người di chuyển trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Tới nút giao Yên Bình (thuộc địa phận thị xã Phổ Yên), Sơn điều khiển xe tấp vào lề phải để cho một cháu bé xuống nôn.

Sau đó, Sơn bật đèn cảnh báo nguy hiểm và lùi xe theo hướng Thái Nguyên - Hà Nội nhằm đi ra nút giao Yên Bình cạnh đó. Cùng lúc, Lê Ngọc Hoàng điều khiển xe đầu kéo kéo theo rơmoóc chở thép đi tới với vận tốc 62 km/giờ.

Hoàng khai phát hiện xe Innova của Sơn cách 70 m có bật đèn màu đỏ nhưng không phanh xe giảm tốc độ mà muốn vượt lên để tránh. Tuy nhiên, do bên trái có xe đầu kéo khác đi tới nên Hoàng không chuyển làn được. Khi cách xe của Sơn 10 m, Hoàng mới đạp phanh và đánh lái về phía bên phải. Do khoảng cách quá gần, đầu xe của Hoàng đâm vào đuôi xe của Sơn dẫn tới tai nạn khiến bốn người tử vong.

Theo công an, nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn là do Ngô Văn Sơn điều khiển xe trong hơi thở có nồng độ cồn, chở quá số người được phép, lùi trên đường cấm lùi, vi phạm khoản 2 Điều 16, khoản 8 Điều 8 và điểm d khoản 1 Điều 68 của Luật Giao thông đường bộ.

Còn Lê Ngọc Hoàng không giảm tốc độ khi gặp biển báo hiệu nguy hiểm (biển báo “đi chậm”) và ô tô phía trước cùng làn đường có đèn cảnh báo, vi phạm khoản 1 Điều 5 Thông tư 91/2015 của Bộ GTVT và Điều 12 Luật Giao thông đường bộ.

Dù lỗi khác nhau nhưng cả Hoàng và Sơn cùng bị đề nghị truy tố theo một tội danh, một điều khoản.

Cơ quan CSĐT Công an thị xã Phổ Yên đã thực nghiệm hiện trường vụ án vào ngày 22-8 vừa qua.

Nhiều câu hỏi chưa thể làm rõ

Trước đó, trong quyết định giám đốc thẩm, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã kiến nghị để làm rõ nhiều tình tiết của vụ án. Đến nay, một số được CQĐT trả lời nhưng cũng có nhiều vấn đề vẫn chưa thể làm sáng tỏ.

Ví dụ, TAND Cấp cao tại Hà Nội yêu cầu xác định điểm va chạm đầu tiên của xe container và xe Innova, khoảng cách giữa hai xe là bao nhiêu? CQĐT cho biết điểm va chạm đầu tiên là ở trước vị trí số 5 trên sơ đồ hiện trường (dấu vết do lốp dự phòng xe Innova để lại khi xảy ra đâm va); dấu vết phanh của xe container do Lê Ngọc Hoàng điều khiển xuất hiện khi xe này cách xe Innova tối đa 0,75 m.

Hay như thời điểm mất tín hiệu hành trình thì xe container ở vị trí nào trên sơ đồ hiện trường? Trong khoảng thời gian mất dữ liệu thì tốc độ của xe là bao nhiêu? CQĐT cho hay khoảng cách từ điểm A (thời điểm mất dữ liệu) đến điểm C (xe container dừng hẳn) là 96,5 m.

Do nguyên lý lưu và truyền dữ liệu tốc độ, dù 15 giờ 39 phút 02 giây mới xảy ra sự cố về nguồn điện nhưng sự ghi nhận trong bộ nhớ nội từ 15 giơ 39 phút 00 giây đến 15 giờ 39 phút 53 giây là bằng 0 (dữ liệu mặc định của nhà sản xuất).

Tuy nhiên, một vấn đề rất quan trọng là xác định vị trí xe Innova bắt đầu lùi trên hiện trường, làn đường xe lùi và khi lùi xe thì thẳng hay hơi chếch, CQĐT không thể làm rõ được. Theo đó, bị can Sơn và các nhân chứng không nhớ, không xác định được vị trí bắt đầu lùi xe; Sơn khai lùi xe thẳng, song song với các dải tôn sóng nhưng các chứng cứ vật chất không đủ để xác định.

TAND Cấp cao tại Hà Nội cũng kiến nghị phải làm rõ khi cách xe Innova bao xa, Hoàng mới rà phanh, định chuyển làn? Khoảng cách hai xe khi Hoàng nhấn phanh chết? Trước khi chuyển làn, Hoàng có xi nhan hay không? Về việc này, CQĐT cho biết Lê Ngọc Hoàng giữ nguyên lời khai tại tòa phúc thẩm và không khai báo, không ký các văn bản làm việc.

Ngoài ra, quyết định giám đốc thẩm còn yêu cầu xác định tốc độ của xe container, trọng lượng của xe và hàng chở trên xe, khi Hoàng nhấn phanh chết thì xe di chuyển bao nhiêu mét mới dừng lại hẳn?

CQĐT cho rằng để xác định chính xác chi tiết trên thì phải tiến hành thu thập các thông số liên quan (điều kiện thời tiết, nhiệt độ lốp xe, tình trạng lốp xe, tình trạng mặt đường…) và tổ chức thực nghiệm hiện trường. Dù vậy, CQĐT không thể thực nghiệm vì vụ án này xảy ra trên cao tốc gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản. Việc thực nghiệm lại diễn biến vụ án không thể có phương án bảo đảm an toàn.

TUYẾN PHAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/vu-innova-lui-cao-toc-tai-xe-container-tiep-tuc-bi-buoc-toi-856482.html