Vụ Huawei: Tại sao Trung Quốc nương tay Mỹ, làm căng với Canada?

Kể từ khi giám đốc tài chính Hãng thiết bị viễn thông Huawei, bà Meng Wanzhou bị bắt giữ ở Canada theo yêu cầu của Mỹ, dư luận và hoc giả Trung Quốc đã nói nhiều đến tác động của vụ việc đối với quan hệ Bắc Kinh - Washington đang gặp không ít rắc rối.

Đã xuất hiện phản ứng giận dữ, cùng với nỗi lo, ở trong giới tinh anh chính trị và kinh doanh ở Bắc Kinh rằng vụ bắt giữ hôm 1-12 này mang động cơ chính trị và sẽ được sử dụng làm đòn bẩy trong các cuộc thương thảo thương mại sắp tới giữa Trung Quốc và Mỹ.

Vụ việc bị xem là đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm bởi không ít doanh nhân Trung Quốc lo ngại có thể là mục tiêu tiếp theo của lực lượng thực thi pháp luật Mỹ trong trường hợp họ bị tố phạm luật của Washington.

Đã xuất hiện thông tin một số doanh nhân Trung Quốc từng học và làm việc tại Mỹ bắt đầu xem xét lại kế hoạch đi lại và chiến lược đầu tư của mình. Những diễn biến này, nếu có, báo hiệu một tương lai không tốt đẹp trong quan hệ kinh doanh giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Bà Meng Wanzhou tại TP Vancouver - Canada hôm 12-12. Ảnh: THE CANADIAN PRESS

Cuộc tranh luận ở Trung Quốc hiện bị chia rẽ. Một bên muốn Bắc Kinh gắn kết trực tiếp vụ bắt giữ bà Meng với các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ để gây sức ép buộc Washington thả người. Theo họ, Trung Quốc có thể làm thế bằng cách dọa trả đũa các công ty Mỹ và Canada.

Dù vậy, vẫn có không ít người tin rằng Bắc Kinh nên tách biệt hai vấn đề để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến đàm phán thương mại được xem là có tầm quan trọng lớn hơn.

Giới lãnh đạo Trung Quốc dường như hướng đến lựa chọn tiếp tục hâm nóng quan hệ thương mại với Washington trong lúc vẫn có lập trường công khai cứng rắn với Mỹ và Canada để xoa dịu cơn giận trong nước.

Trong dấu hiệu mới nhất cho thấy điều này, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc hôm 11-12 điện đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ về lộ trình và thời gian biểu để thúc đẩy đàm phán thương mại.

Bắc Kinh cũng tỏ ra thận trọng khi phản ứng vụ việc nhằm bảo đảm tiến trình thương thảo không bị gián đoạn.

Hai công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor đang bị Trung Quốc tạm giữ. Ảnh: AP

Đó cũng là lý do Trung Quốc đang trút giận nhiều hơn vào Canada thay vì Mỹ bất chấp vụ bắt giữ lãnh đạo Huawei nói trên diễn ra theo yêu cầu của Washington.

Vào cuối tuần rồi, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng triệu cả hai đại sứ Canada và Mỹ đến để phản đối vụ bắt giữ. Dù vậy, ông Le đã dành những lời lẽ mạnh mẽ hơn cho cho đại sứ Canada khi cảnh báo Ottawa sẽ đối mặt "những hậu quả nặng nề" nếu bà Meng không được phóng thích tức thì.

Không cảnh báo suông, nhà chức trách Trung Quốc đã tạm giữ 2 người Canada (nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor) trong động thái bị xem là trả đũa Ottawa.

Trong khi đó, với đại sứ Mỹ, ông Le chỉ cảnh báo phản ứng tiếp theo của Bắc Kinh sẽ tùy thuộc vào hành động của phía Washington.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể gây thêm sức ép lên Tổng thống Donald Trump để chiếm lợi thế trong cuộc đàm phán thương mại, từ đó tránh nguy cơ bị người dân trong nước xem là thiếu mạnh mẽ trong cuộc đối đầu này.

Dù vậy, cũng có nỗi lo rằng động thái như thế có thể giúp ích cho phe theo đường lối cứng rắn trong nội bộ chính quyền Bắc Kinh vốn không muốn có một thỏa thuận thương mại với Washington ngay từ đầu.

P.Võ (Theo South China Morning Post)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/vu-huawei-tai-sao-trung-quoc-nuong-tay-my-lam-cang-voi-canada-20181215101808045.htm