Vụ hiệu trưởng đuổi việc viên chức (Bình Định): 'Thất lạc' đơn khởi kiện ở cấp sơ thẩm

Không chấp nhận kết quả xét xử, bà Trần Nữ Hoàng Phúc (SN 1984, nguyên kế toán trường Mầm non Ân Mỹ, huyện Hoài Ân, Bình Định) kháng cáo bản án sơ thẩm. Tòa phúc thẩm tuyên hủy bản án lao động sơ thẩm, trong đó 'hé lộ' hồ sơ chuyển lên Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định không có đơn khởi kiện.

Cấp phúc thẩm chấp nhập đơn kháng cáo, hủy án sơ thẩm.

Cấp phúc thẩm chấp nhập đơn kháng cáo, hủy án sơ thẩm.

Theo Bản án phúc thẩm số 01/2020/LĐ-PT của TAND tỉnh Bình Định, Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Trần Nữ Hoàng Phúc (nguyên đơn).

HĐXX cấp phúc thẩm nêu rõ, trong hồ sơ vụ án không có đơn khởi kiện mà chỉ có: Đơn bổ sung đơn khởi kiện ngày 24/03/2019 (V/v Yêu cầu Tòa án hủy Quyết định hành chính sai trái…) kèm theo Phiếu chuyển số 2738/PC-TA ngày 30/7/2019 của TAND tỉnh Bình Định, chuyển đơn khởi kiện vụ án hành chính của bà Trần Nữ Hoàng Phúc cho TAND huyện Hoài Ân giải quyết theo thẩm quyền và Đơn khởi kiện bổ sung ngày 02/04/2019. Như vậy, TAND huyện Hoài Ân thụ lý giải quyết vụ án khi không có đơn khởi kiện là vi phạm quy định khoản 1 Điều 195 của Bộ luật tố tụng dân sự (TTDS).

Trong quá trình khởi kiện và giải quyết vụ án, bà Trần Nữ Hoàng Phúc cùng người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đã nhiều lần khẳng định bà Phúc kiện vụ án hành chính (AHC) theo quy định tại Điều 118 và Điều 125 của Luật tố tụng hành chính (TTHC) chứ không khởi kiện vụ án lao động.

Lẽ ra cấp sơ thẩm phải trả đơn khởi kiện hoặc thụ lý vụ AHC theo Phiếu chuyển số 2738/PC-TA ngày 30/7/2019 của TAND tỉnh Bình Định. Trong quá trình giải quyết vụ án nếu xét thấy quyết định mà bà Phúc yêu cầu hủy không phải là đối tượng khởi kiện vụ AHC (quyết định HC mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức) thì cấp sơ thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 6 Điều 3, khoản 1 Điều 30, Điều 143, Điều 144 và Điều 165 của Luật TTHC nhưng ở đây cấp sơ thẩm lại thụ lý vụ án lao động là vi phạm quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, người khởi kiện được quy định tại Điều 5 của Bộ luật TTDS, Điều 8 của Luật TTHC, làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật của vụ án là “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, về bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng” là chưa chính xác, mà quan hệ pháp luật của vụ án phải là “Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc và giải quyết các chế độ khi chấm dứt hợp đồng làm việc”, bởi vì bà Trần Nữ Hoàng Phúc là viên chức bị chấm dứt hợp đồng làm việc.

Cấp phúc thẩm nhận định vi phạm thứ hai, đó là việc cấp sơ thẩm không tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải đối với toàn bộ các đương sự (trong đó UBND huyện và Phòng GD&ĐT huyện Hoài Ân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của vụ án) là vi phạm nghiêm trọng quy định tại điểm g khoản 2 Điều 203, khoản 1 Điều 205, khoản 1 Điều 208 và điểm c khoản 1 Điều 209 của Bộ luật TTDS, vì đây là thủ tục tố tụng bắt buộc.

Bên cạnh đó, Tòa cấp sơ thẩm nhận định: “… Thế nhưng tại tòa, chị Phúc không cung cấp “bản hợp đồng làm việc” giữa Hiệu trưởng và chị Phúc theo quy định để tòa có tài liệu, chứng cứ xem xét…”, cho rằng nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh trong vụ án này thuộc về bà Phúc là trái pháp luật theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 91 Bộ luật TTDS Cấp sơ thẩm lấy lý do bà Phúc không cung cấp được tài liệu, chứng cứ để bác yêu cầu khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm và các quyền lợi khác của bà Phúc là trái với quy định tại Điều 45 Luật viên chức năm 2010, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà Phúc.

Ngoài ra, nhận định của TAND huyện Hoài Ân có thể hiện việc HĐXX xem xét ý kiến của bị đơn nhưng quyết định bản án lại không xem xét ý kiến bị đơn là mâu thuẫn trong cùng bản án. Cấp sơ thẩm cho rằng bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập nên không xem xét ý kiến của họ là không đúng, bởi vì những người này có quyền có ý kiến phản đối yêu cầu của người khác được quy định tại khoản 2 Điều 91 của Bộ luật TTDS.

Đối với án phí, Tòa cấp sơ thẩm buộc bà Phúc nộp 300 ngàn đồng án phí lao động sơ thẩm là vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường Vụ Quốc Hội khóa XIV, vì bà Phúc thuộc trường hợp được miễn nộp án phí vụ án lao động.

Từ những vấn đề vi phạm trên do TAND tỉnh Bình Định chỉ ra, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên xử chấp nhận đơn kháng cáo của bà Trần Nữ Hoàng Phúc và hủy Bản án lao động sơ thẩm số 01/2020/LĐ-ST ngày 09 tháng 03 năm 2020 của TAND huyện Hoài Ân.

TAND huyện Hoài Ân yêu cầu nộp lại đơn khởi kiện sau 02 bản án.

Trải qua 02 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, TAND huyện Hoài Ân giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm yêu cầu bà Phúc nộp lại đơn khởi kiện, vì trong hồ sơ không có đơn khởi kiện.

Trước đó, Báo Công lý & Xã hội đã phản ánh bài: “Bình Định: Tố cáo hiệu trưởng giả mạo chữ ký rút tiền ngân sách, viên chức bị đuổi việc” đăng ngày 12/09/2019, phản ánh về việc bà Trần Nữ Hoàng Phúc tố cáo hiệu trưởng Trương Thị Lợi giả chữ ký của bà Phúc để rút tiền ngân sách và UBND huyện Hoài Ân có kết luận sai phạm. Sau khi bà Trương Thị Lợi chuyển công tác nơi khác, bố trí bà Trần Thị Lộ làm hiệu trưởng và bà Lộ ra quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với bà Phúc, trong khi bà Phúc là viên chức do Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân ban hành quyết định bổ nhiệm kể từ ngày 01/09/2010.

Bà Phúc kiên trì đi tìm công lý cho đến tận cùng.

“Tôi yêu cầu tòa sơ thẩm giải quyết theo theo bán án của TAND tỉnh Bình Định. Đối với đơn khởi kiện, tôi đã nộp ban đầu khi khởi kiện và bây giờ không nộp lại đơn. Còn cá nhân nào rút hồ sơ vụ án thì tự chịu trách nhiệm trước pháp luật”, bà Trần Nữ Hoàng Phúc đề nghị.

Dương Vương

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/toa-an/vu-hieu-truong-duoi-viec-vien-chuc-binh-dinh-that-lac-don-khoi-kien-o-cap-so-tham-58235.html