Vụ hai giáo viên ở Đồng Nai bị 'trảm' oan: Cần rà soát lại toàn bộ hồ sơ

Bà Nguyễn Thị Lộc, cựu giáo viên Trường TH và THCS Phú An (Đồng Nai) đưa ra nhiều chứng cứ, cho thấy việc bà không gian dối trong học tập, thi cử là có cơ sở. Đề nghị Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai nhanh chóng vào cuộc, rà soát lại toàn bộ hồ sơ vụ việc.

Bị cáo buộc gian dối

Liên quan tới việc hai giáo viên Trường TH và THCS Phú An là bà Nguyễn Thị Lộc (gọi tắt là Lộc chị, SN 24/10/1967) và bà Nguyễn Thị Lộc (Lộc em, SN 1/5/1970) bị chấm dứt hợp đồng làm việc, trao đổi với Công lý & Xã hội, ông Lê Công Quang – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai cho biết, nguyên nhân sâu xa không phải do hai giáo viên này trùng tên.

Theo ông Quang, ban đầu hai giáo viên này có tên khác nhau. Sau đó, bà Lộc chị đã đổi tên từ Nguyễn Thị Lệ thành Nguyễn Thị Lộc để làm hồ sơ thi vào Trường Trung cấp Sư phạm Đồng Nai. Tuy nhiên, sau khi Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai vào cuộc xác minh và phát hiện hai bà Lộc không trung thực trong quá trình nộp hồ sơ, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo thu hồi bằng cấp của hai bà Lộc.

Việc bà Lộc chị đổi tên từ Nguyễn Thị Lệ thành Nguyễn Thị Lộc đã được UBND xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam công nhận vào hộ tịch xã từ năm 1982

Việc bà Lộc chị đổi tên từ Nguyễn Thị Lệ thành Nguyễn Thị Lộc đã được UBND xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam công nhận vào hộ tịch xã từ năm 1982

Tại văn bản số 2453/SDĐT-TTr do bà Trương Thị Kim Huệ – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai ký, ban hành ngày 10/8/2020 cho thấy, Sở này cũng đã tiến hành rà soát hồ sơ để giải quyết đơn đề nghị xem xét việc thu hồi bằng tốt nghiệp Trung cấp sư phạm của hai bà Lộc. Qua kiểm tra và rà soát hồ sơ, Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai cho rằng, thời điểm năm 1992 bà Lộc chị vẫn mang tên là Nguyễn Thị Lệ, đã tự cạo sửa tên trong bằng tốt nghiệp PTTH (số cấp bằng 110/TNPTTH cấp ngày 30/7/1984) từ Nguyễn Thị Lệ thành Nguyễn Thị Lộc.

Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, bà Lộc chị đã dùng bằng tốt nghiệp PTTH của mình cho bà Lộc em sử dụng. Đồng thời, bà Lộc chị sử dụng bằng tốt nghiệp PTTH của người em để làm hồ sơ đi học lớp Trung cấp sư phạm tại trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai khóa 1992-1994. Đến năm 2000, bà Nguyễn Thị Lệ (tức bà Lộc chị) mới làm các thủ tục đổi tên và được Sở GD&ĐT Hà Nam cấp lại giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT mang tên Nguyễn Thị Lộc.

Xác nhận của ông Lại Văn Hiến – Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam vào ngày 28/7/2008

“Như vậy, cả hai bà Nguyễn Thị Lộc (SN 1967 và 1970), giáo viên Trường TH Phú An, huyện Tân Phú đã vi phạm qui định quản lý văn bằng chứng chỉ và buộc phải thu hồi các văn bằng theo qui định tại Khoản a, b Mục 3, Điều 12 Quy định quản lý văn bằng chứng chỉ giáo dục phổ thông, giáo dục trung học chuyên nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học được ban hành kèm theo Quyết định số 52/2002/QĐ-BGDĐT ngày 26/12/2002”, Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai kết luận.

Cần rà soát lại toàn bộ hồ sơ

Đối với những cáo buộc nói trên, bà Lộc chị cho hay, thuở nhỏ bà có tên là Nguyễn Thị Lệ. Nhưng do cuộc sống quá vất vả, chông chênh nên vào năm 1982, bà đã đổi tên thành Nguyễn Thị Lộc. Việc đổi tên từ Lệ thành Lộc đã được UBND xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam công nhận vào hộ tịch xã từ năm 1982 (có xác nhận ông Ngô Văn Tám – Chủ tịch UBND xã Liêm Túc vào ngày 16/9/2020- PV), chứ không phải đến năm 2000 bà mới tiến hành đổi tên như Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai kết luận.

Xung quanh việc đổi tên của bà Lộc chị, theo tìm hiểu, ngày 28/7/2008, ông Lại Văn Hiến – Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam đã xác nhận: “Chị Nguyễn Thị Lộc, sinh ngày 24/10/1967 có giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT do Sở GD&ĐT Hà Nam cấp ngày 8/9/2000. Nguyên nhân do chị Nguyễn Thị Lộc đã được chính quyền địa phương cho phép đổi tên từ Nguyễn Thị Lệ thành Nguyễn Thị Lộc. Vì vậy chị Nguyễn Thị Lệ chính là Nguyễn Thị Lộc. Đề nghị các cơ quan sử dụng cán bộ xem xét”.

Bà Lộc chị khẳng định mình không cạo sửa bằng tốt nghiệp THPT

Riêng về cáo buộc hai bà Lộc hoán đổi bằng tốt nghiệp THPT của nhau để đi học tại trường Trung học Sư phạm Đồng Nai hồi năm 1992, bà Lộc chị quả quyết rằng, do hai chị em bà trùng tên, nộp hồ sơ vào học cùng lúc nên bộ phận tuyển sinh mới nhầm lẫn hồ sơ. Hơn nữa, theo bà Lộc chị, chị em họ có bằng thật, học thật, cùng thi vào trường, cùng một khóa thì không có lý do gì phải tự ý đổi bằng cho nhau cả.

Ngoài ra, đối với việc bị cáo buộc cạo sửa tên trong bằng tốt nghiệp PTTH (số cấp bằng 110/TNPTTH cấp ngày 30/7/1984) từ Nguyễn Thị Lệ thành Nguyễn Thị Lộc, bà Lộc chị khẳng định bà không hề làm điều này. Tuy nhiên, bà phải thừa nhận việc cạo sửa như thế là do làm theo sự “gợi ý” của Hiệu trưởng Trường TH Phú An thời điểm trước năm 2008, để được “yên ổn” công tác.

Văn bản số 2453/SDĐT-TTr do bà Trương Thị Kim Huệ – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai ký, ban hành ngày 10/8/2020

“Tôi khẳng định tôi không có cạo sửa bằng tốt nghiệp PTTH của mình. Tuy nhiên, Hiệu trưởng nhà trường khi ấy “gợi ý” tôi phải thừa nhận như thế cho “có chút lỗi” rồi ông sẽ để tôi tiếp tục được làm việc. Và thực tế là tôi được nhà trường tạo điều kiện cho giảng dạy đến năm 2020 mới bị chấm dứt hợp đồng làm việc. Đáng tiếc là vào năm 2009, thầy Hiệu trưởng không may bị tai nạn, chết nên giờ không thể đối chứng giúp tôi. Trường hợp nếu cơ quan chức năng cần, tôi sẵn sàng giám định chữ viết, chữ ký của mình so với chữ viết, chữ ký trong bài thi các môn tốt nghiệp THPT khi xưa, để chứng minh rằng tôi học thật, thi thật, chứ không hề gian dối”, bà Lộc chị nói.

Từ những tình tiết nêu trên, có thể thấy, việc bà Lộc chị khẳng định hai chị em bà không có gian dối trong việc thi cử, học tập… là có cơ sở. Đề nghị Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai nhanh chóng vào cuộc, rà soát lại toàn bộ hồ sơ vụ việc và có biện pháp xử lý thích đáng, tránh để trường hợp oan sai xảy ra làm tổn hại đến danh dự, uy tín của những người có tới gần 30 năm cống hiến cho ngành giáo dục.

Khải Duy – Kim Sáng

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/vu-hai-giao-vien-o-dong-nai-bi-tram-oan-can-ra-soat-lai-toan-bo-ho-so-80335.html