Vụ gom rác ở Phong Nha-Kẻ Bàng: Cơ quan công an vào cuộc điều tra

Liên quan đến đề án môi trường Phong Nha-Kẻ Bàng do UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) xây dựng nhưng bỏ ngoài tai ý kiến xác đáng của các cơ quan ban ngành, đề án viết một đằng thực hiện một nẻo, chủ đầu tư dùng hàng trăm triệu tiền dịch vụ công ích vào chi tiêu khác đang bị cơ quan công an tỉnh Quảng Bình vào cuộc điều tra.

Môi trường cửa ngõ Phong Nha

Tiền công ích lại trả xây dựng cơ bản

Theo điều tra của chúng tôi, thực hiện việc công ích thu gom rác thải, chăm sóc cây xanh, điện chiếu sáng ở cửa ngõ di sản Phong Nha-Kẻ Bàng, UBND xã Sơn Trạch đã chi gần 400 triệu đồng không vào mục đích công ích mà lại chi cho xây dựng cơ bản. Một cán bộ của UBND xã cho biết: “Tiền cho dịch vụ công ích với mục đích của UBND tỉnh rót về từ nguồn thu phí du lịch với mục đích cấp bách cho thu gom rác thải là chủ đạo nhằm xanh, sạch, đẹp vùng di sản Phong Nha-Kẻ Bàng nhưng lại đi chi trả cho xây dựng cơ bản của địa phương là một sai lầm, vì nguồn vốn xây dựng cơ bản do huyện bố trí không thể lấy tiền từ mục đích môi trường để trả nợ xây dựng, đó là cách làm tăng thêm rác mà thôi”.

Một góc thông thoáng trong khu dân cư được thu gom rác ở Sơn Trạch

Ông Nguyễn Công Trứ, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch thừa nhận gần 400 triệu tiền dịch vụ công ích đã chi vào mục đích trả nợ xây dựng. Ông Trứ viện cớ thiếu vốn để trả cuối năm nên huyện chỉ đạo làm như thế. Khi được hỏi việc ưu ái cho xây dựng cơ bản như vậy nếu người đi thu gom rác họ đình đốn không thu gom thì làm sao?, ông Trứ không trả lời. Ông cũng thừa nhận Cơ quan công an kinh tế Quảng Bình đang vào cuộc việc chi tiêu sai mục đích này.

Nợ tiền lương thu gom rác quá nhiều công nhân phải viết đơn lên tỉnh

Được biết đó là số tiền nợ thu gom rác từ xã Sơn Trạch vào năm 2016 mà ông Trứ thừa nhận, 6 tháng năm 2017 lương công nhân thu gom rác chỉ mới giải quyết được 4 tháng, 2 tháng còn lại đang treo vì xã vẫn đình đốn chưa giải ngân. Chị Nguyễn Thị Dịu, công nhân ở đây cho biết: “Em ở thôn Cù Lạc 2, con bị chất độc da cam, vợ chồng đau ốm nên được vào thu gom rác, mỗi tháng cũng 4 triệu đồng mỗi người, lo được cuộc sống đỡ khó khăn hơn. Nhưng xã cứ chi trả kiểu này rồi nợ nần lại khiến lương treo thì lại khổ, vay mượn mà sống. Trước thì họ nợ 4 tháng vẫn phải đi gom rác cho sạch, kêu quá họ chi lương 2 tháng, còn nợ 2 tháng”.

Công ích không thể làm 3 tháng một

Lạ kỳ dịch vụ công ích nhưng phòng tài chính huyện lại ra văn bản ký 3 tháng 1 lần

Mặc dù thực hiện dịch vụ công ích do UBND xã Sơn Trạch làm chủ đầu tư, vùng cửa ngõ di sản là bộ mặt không chỉ Quảng Bình mà ít nhiều ảnh hưởng hình ảnh Việt Nam, tuy nhiên phòng tài chính kế hoạch huyện lại ra văn bản 145/TCKH yêu cầu xã ký với đơn vị thu gom rác theo kiểu 3 tháng một lần.

Đánh giá việc này, Bí thư Huyện ủy Bố Trạch, ông Phan Văn Gòn cho biết: “Phòng tài chính làm như thế là cứng nhắc, máy móc, dịch vụ công ích mà làm 3 tháng một lần hợp đồng thì có đơn vị nào dám đầu tư để làm”. Ông Nguyễn Công Trứ, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch, đơn vị chủ đầu tư đánh giá: “Cùng lắm thì 1 năm hợp đồng một lần và chúng tôi phải thực hiện để cuối cùng có nghiệm đạt xanh, sạch, đẹp chứ mỗi 3 tháng một lần không ai mạnh dạn đầu tư làm công ích được”.

Dùng tiền công ích thu gom rác trả xây dựng cơ bản gần 400 triệu khiến UBND xã Sơn Trạch nợ tiền công nhân

Chưa hết, văn bản 145 do ông Phạm Đình Dũng, Trưởng phòng tài chính huyện còn đòi đơn vị công ích “đi đêm” bằng cách ép giảm giá thu gom rác 10% và hàng loạt chi phí dịch vụ công ích khác. Công nhân thuộc Công ty môi trường Phong Nha đánh giá nếu giảm 10% có nghĩa lương chúng tôi giảm, mà thu gom rác ở miền xuôi còn đỡ, đằng này thu gom rác nói ở cửa ngõ di sản nhưng là miền núi càng cực khổ lại còn “đi đêm” bằng chỉ đạo như thế chúng tôi không thể phục vụ được”.

Chưa hết, văn bản 145 còn đòi tịch thu các tài sản công ích của môi trường Phong Nha trong khi các tài sản này được hình thành từ việc vay mượn ngân hàng để mua sắm trong 15 năm qua hơn 22 tỉ đồng để đầu tư nhằm đảm bảo cho 51 nhân công làm việc, là tài sản của đơn vị thu gom rác nhưng cách làm của ông Phạm Đình Dũng là chưa có tiền lệ, vượt ngoài thẩm quyền của một trưởng phòng tài chính cấp huyện.

Ngày 30.6.2017 tập thể công nhân Công ty môi trường Phong Nha đã làm đơn gửi UBND tỉnh Quảng Bình, Liên đoàn lao động tỉnh xem xét yêu cầu UBND xã Sơn Trạch trả tiền hỗ trợ phí du lịch cho Công ty môi trường Phong Nha để công ty được nhận lương và duy tu hoạt động môi trường.

Tại thời điểm đó, họ mô tả trong đơn: “Chúng tôi là những người lao động làm công ăn lương, cuộc sống khó khăn chỉ chờ vào đồng tiền lương, nhưng 3 tháng nay chúng tôi không có lương để trang trải cuộc sống gia đình”. Từ lá đơn này, UBND xã Sơn Trạch trích trả một phần kinh phí nhưng còn nợ 2 tháng lương nhân công thu gom rác, chăm sóc cây xanh, điện chiếu sáng. Còn khoản nợ 400 triệu đồng chi sai mục đích không biết lúc nào trả.

Sơn Nguyên

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/vu-gom-rac-o-phong-nha-ke-bang-co-quan-cong-an-vao-cuoc-dieu-tra-67008.html