Vụ gỗ lậu ở Mang Yang: Cơ quan chức năng báo cáo 'thiếu' tang vật?

Báo cáo của hạt Kiểm lâm gửi UBND huyện Mang Yang ghi nhận có 51 cây rừng bị đốn hạ. Tuy nhiên, khi PV quay lại hiện trường kiểm tra thực tế lại phát hiện rừng thiệt hại hơn nhiều con số mà hạt kiểm lâm này cáo báo.

Hạt Kiểm lâm báo cáo "khó hiểu"

Liên quan đến vụ việc phá rừng xảy ra tại xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) mà trước đó báo Người Đưa Tin có nhiều bài viết phản ánh, UBND tỉnh này đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra xác minh vụ việc.

Sau thời gian xác minh, mới đây, hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang đã có báo cáo kết quả cuối cùng gửi UBND huyện. Theo báo cáo của hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang, hiện trường phá rừng tại các tiểu khu 578, 581, 579, 576 là rừng tự nhiên do công ty TNHH MTV lâm nghiệp Công Chiêng quản lý.

Kết quả, tại tiểu khu 578 phát hiện 16 gốc, chủng loại gồm bằng lăng, sp7. Toàn bộ lâm sản bị "lâm tặc" xẻ chuyển đi nơi khác. Khối lượng thiệt hại là 2,673m3 gỗ tròn từ N3-N7 và 0,330 ster củi.

Tại tiểu khu 581, phát hiện 5 gốc, chủng loại bằng lăng, toàn bộ lâm sản bị "lâm tặc" xẻ vận chuyển đi nơi khác. Khối lượng thiệt hại là 1,124m3 gỗ tròn N3 và 0,150 ster củi.

Tại tiểu khu 579 phát hiện 24 gốc, chủng loại căm xe, bằng lăng, trám hồng... toàn bộ lâm sản bị các đối tượng vi phạm vận chuyển đi nơi khác. Khối lượng thiệt hại là 4,268m3 gỗ tròn từ N2-N7 và 0,540 ster củi.

Tại tiểu khu 576 phát hiện 6 gốc, chủng loại bằng lăng, toàn bộ lâm sản bị vận chuyển đi nơi khác. Khối lượng thiệt hại 0,717 m3 gỗ tròn N3 và 0,100 ster củi.

Gốc cây được cơ quan chức năng kiểm tra đánh số thứ tự.

Gốc cây được cơ quan chức năng kiểm tra đánh số thứ tự.

Thời điểm kiểm tra không xác định được đối tượng vi phạm, các gốc cây bị đốn hạ được xác định không cùng thời điểm, khối lượng thiệt hại không đủ điều kiện để xử lý hình sự.

Như vậy, theo báo cáo của hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang, tổng số lượng cây bị "lâm tặc" đốn hạ trái phép tại 4 tiểu khu là 51 cây. Tuy nhiên, sáng 16/10, sau khi xem báo cáo của hạt kiểm lâm huyện này, PV một lần nữa quay lại hiện trường để ghi nhận thực tế.

Tại đây, PV nhận thấy kết quả hoàn toàn khác với bản báo cáo trên. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ băng rừng, lội suối, PV đặt chân đến địa điểm đầu tiên phát hiện cây rừng bị đốn hạ.

Gốc cây bị cơ quan chức năng "quên" kiểm tra.

Tại đây, PV nhận thấy có những gốc đã được kiểm tra đánh số. Tuy nhiên, cũng có những gốc không có bút tích để lại, có thể bị sót. Tiếp tục đi đến những vị trí khác, PV phát hiện ra điều bất thường là cơ quan chức năng không phải kiểm đếm sót mà là kiểm tra một cách hời hợt, thiếu nghiêm túc.

Bởi, ở cùng một vị trí, có gốc đã đánh dấu kiểm tra nhưng nhiều gốc xung quanh chỉ cách vài bước chân, nằm lộ thiên lại bị bỏ qua một cách khó hiểu.

Theo quan sát của PV, trên những gốc cây đã kiểm tra có để lại ký hiệu như (10/CT, hoặc 11/CT...). Nói về những ký hiệu này, Giám đốc công ty TNHH MTV lâm nghiệp Kong Chiêng lý giải: "Những ký hiệu đó là ký tự mà sau khi cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường xác nhận. Bên trên đánh số, tức đó là số thứ tự, bên dưới là tên đơn vị đã kiểm tra".

Sau khi xem những hình ảnh PV cung cấp có một số gốc cây bị cưa hạ dấu vết còn rất mới nhưng bị bỏ qua, ông Hội cho biết: "Có thể trong quá trình kiểm tra có những chỗ các gốc nằm rải rác bị cỏ che khuất nên anh em không phát hiện ra".

Gốc cây chưa hề có bút tích kiểm tra của cơ quan chức năng.

Cũng liên quan trực tiếp đến vụ việc này, tại tiểu khu 570 thuộc rừng cộng đồng xã Kon Chiêng phát hiện 4 cây rừng bị đốn hạ. Và số lâm sản bị "lâm tặc" xẻ vuông vức còn bỏ lại tại hiện trường, hạt đã có phương án thu gom hay xử lý ra sao cũng không đề cập đến trong báo cáo.

Gỗ tang vật đi về đâu?

Ngày 19/9, thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra bãi tập kết gỗ tại làng Toăk (xã Kon Chiêng), tang vật ngoài những gộp gỗ còn có số lượng lớn gốc rễ nằm lẫn lộn.

Sau đó, số gỗ hộp gần 30m3 được đưa về tạm giữ tại hạt Kiểm lâm. Còn số gốc rễ cồng kềnh do đêm khuya điều kiện khó vận chuyển nên được đưa về cất giữ tại UBND xã Kon Chiêng.

Số gốc rễ trên cũng là tang vật của vụ việc nhưng không hiểu vì sao trong các văn bản, báo cáo của hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang lại không hề nhắc đến.

Nhiều gốc cây tương tự cơ quan chức năng chưa kiểm tra đến.

Chiều 16/10, để nắm thêm thông tin về việc xử lý số lâm sản "lâm tặc" còn bỏ lại hiện trường, PV liên hệ với Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng. Vị Chủ tịch UBND xã cho biết, số lâm sản là tang vật vẫn đang nằm trên rừng. Hiện, ông đã chỉ đạo cho lực lượng bảo vệ rừng cộng đồng tiêu hủy số gỗ trên.

Số gốc rễ tang vật của vụ việc không hề được nhắc đến trong báo cáo của hạt Kiểm lâm.

Tuy nhiên, trả lời về vấn đền này, một cán bộ kiểm lâm thuộc chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai lại cho biết: "Đã là gỗ tang vật thì đó là tài sản của Nhà nước. Việc xã tự ý cho tiêu hủy khi chưa có sự đồng ý của các cấp là sai nguyên tắc".

Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc...

Hồ Nam

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vu-go-lau-o-mang-yang-co-quan-chuc-nang-bao-cao-thieu-tang-vat-a407583.html