Vụ gỗ khô: Áp dụng sai pháp luật

Quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng vận dụng quy định pháp luật không liên quan gì với hành vi vi phạm của năm công dân vụ cưa gỗ khô ở Kon Tum.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Phi Long, nguyên Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, tỏ ra khá bất ngờ về những lập luận thiếu tính thuyết phục của HĐXX giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng.

Không định giá tiền mà tính theo m3

Ông Vũ Phi Long phân tích: Quyết định giám đốc thẩm nhận định: “Gỗ trắc là loài thực vật quý, hiếm thuộc nhóm IIA, không được phép khai thác và không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác “vì mục đích kinh tế”, chỉ được phép khai thác vì mục đích nghiên cứu khoa học”.

“Đã không được phép khai thác vì “mục đích kinh tế”, vậy giám định tài sản trong tố tụng hình sự dựa vào cơ sở nào để kết luận 0,123 m3 gỗ trị giá 19 triệu đồng để buộc tội năm bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản? Bởi những động vật, thực vật quý hiếm thuộc nhóm bảo tồn thì không thể quy ra được giá trị bao nhiêu tiền” - ông Long đặt vấn đề.

Theo ông Long, hiện nay ngay cả ngà voi, sừng tê giác (cũng thuộc động vật rừng quý, hiếm) khi định giá trong tố tụng hình sự thì không định giá được tiền mà phải quy ra số ký vì đây là loại cấm khai thác.

Do đó, ông Long cho rằng không thể lấy giá ở ngoài thị trường để áp vào giá trị của khúc gỗ trắc chết khô này trị giá hơn 19 triệu đồng.

Đại biểu, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Trương Trọng Nghĩa tiếp luật sư và năm bị cáo vụ cưa gỗ khô. Ảnh: NGÂN NGA

Đại biểu, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Trương Trọng Nghĩa tiếp luật sư và năm bị cáo vụ cưa gỗ khô. Ảnh: NGÂN NGA

Nhập nhằng trong áp dụng pháp luật

TAND Cấp cao tại Đà Nẵng còn viện dẫn điểm a tiểu mục 1.1 Mục 1 phần IV Thông tư liên tịch 19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng một số điều của BLHS về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Theo đó, khai thác trái phép cây rừng là một trong các hành vi sau đây: khai thác cây rừng ở rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép trong trường hợp pháp luật quy định việc khai thác đó chỉ thực hiện khi đã được cấp giấy phép và giấy phép còn trong thời hạn.

“Tôi cho rằng nhận định này vô thưởng vô phạt, chỉ nêu lên cho có. Mấu chốt vấn đề như những hành vi vi phạm, đối tượng vi phạm, loại rừng vi phạm, cùng với tội danh đi kèm được hướng dẫn trong Thông tư 19 quy định thì TAND Cấp cao tại Đà Nẵng lại không đề cập đến. Rõ ràng TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đang không rõ ràng trong áp dụng quy định pháp luật” - ông Vũ Phi Long phân tích.

Tòa lấy “râu ông cắm cằm bà”

Tiếp theo ý của ông Long, ông Nguyễn Văn Phước (nguyên Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa) bổ sung: Các đối tượng trong vụ án đã vào rừng đặc dụng Đăk Uy cưa một khúc cây trắc đã chết khô nhưng không được bất cứ cơ quan nào cho phép nên hành vi này của họ thuộc một trong các trường hợp quy định tại tiểu mục 1.1 Mục 4 Thông tư 19/2007, tức đây là hành vi khai thác trái phép cây rừng.

Theo đó, trường hợp rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao cho tổ chức, tập thể, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp mà người được giao đã bỏ vốn đầu tư trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ... thì bị xử lý như sau:

- Nếu chủ rừng khai thác cây rừng trái phép thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 175 BLHS (tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng).

- Người khai thác cây rừng trái phép mà không phải là chủ rừng thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều luật tương ứng quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của BLHS (trong đó có tội trộm cắp tài sản - Điều 138).

Trong vụ án này, các bị cáo chỉ bị xử lý hình sự về tội trộm cắp tài sản theo Điều 138 BLHS khi và chỉ khi rừng bị xâm hại là rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh. Trong khi đó, đây là rừng đặc dụng nên người vi phạm không bị xử lý tội trộm cắp tài sản mà chỉ bị xem xét, xử lý tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, do các bị cáo khai thác 0,123 m3, tức chưa đủ định lượng 5 m3 nên hành vi của các bị cáo chưa cấu thành tội này, từ đó các bị cáo chỉ bị xử lý hành chính.

Ngoài ra, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng còn nhận định: “Các bị cáo đã lén lút vào rừng đặc dụng Đăk Uy cưa cây gỗ trắc đã chết khô rồi lấy một khúc gỗ trắc trị giá hơn 19 triệu đồng. Hành vi của các bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản”.

Tức là cấp giám đốc thẩm cho rằng có dấu hiệu lén lút thì xử tội trộm cắp tài sản. Vậy chẳng lẽ khi các bị cáo cưa cây rừng công khai thì xử lý về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, khi cưa bị phát hiện họ vẫn tiếp tục thực hiện thì bị xử lý tội cưỡng đoạt tài sản và khi bị phát hiện, chống đối để lấy cho bằng được thì bị xử lý tội cướp tài sản?

Ở đây, các đối tượng khi thực hiện hành vi của mình đều trái pháp luật. Tuy nhiên, khách thể xâm phạm loại nào thì bị xử lý về nhóm tội danh đó, chứ không thể chỉ thấy dấu hiệu lén lút để cho rằng đó là tội trộm cắp tài sản.

Một ‘án lệ’ về áp dụng sai pháp luật

Trả lời PV Pháp Luật TP.HCM, Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Anh Tiến cho biết: “Thông tư 19 nói vẫn còn chưa rõ, còn một số thiếu sót, cần phải kiến nghị sửa đổi. Trong Thông tư 19 không có cái nào nói xử về tội trộm cắp nên chúng tôi căn cứ vào BLHS. Nhưng bây giờ, theo luật ban hành thì các thông tư không có hướng dẫn gì hết. Trên là luật, dưới là nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, nghị quyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các bộ, ngành không có hướng dẫn”.

Ông Vũ Phi Long, nguyên Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, không đồng tình với quan điểm này. Bởi theo ông, bản thân thông tư liên tịch còn có giá trị cao hơn nghị quyết. Các thẩm phán khi xét xử phải tuyệt đối tuân thủ theo nghị quyết, thông tư liên tịch…

“Nếu cho rằng thông tư còn không rõ, thiếu sót thì TAND Tối cao cần rà soát trên toàn quốc tất cả bản án xử theo Điều 175. Bởi không thể cùng hành vi, hậu quả và khách thể bị xâm phạm nhưng mỗi tòa lại xử tội khác nhau: Người thì bị xử phạt hành chính, người bị xử tội trộm cắp theo Điều 138, người bị xử tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng theo Điều 175” - ông Nguyễn Văn Phước, nguyên Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa, nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Phước còn phân tích trong vụ án cưa gỗ khô, hành vi của các bị cáo không cấu thành tội trộm cắp tài sản nhưng giả sử sau này khi xử phúc thẩm lại, các bị cáo bị kết tội trộm cắp tài sản thì bản án này không thể được đưa vào làm án lệ. “Luật quy định rất rõ nhưng HĐXX đang áp dụng sai pháp luật thì cơ sở nào để đưa vào làm án lệ? Hay phải gọi đây là một “án lệ” về áp dụng sai pháp luật, bất chấp hướng dẫn rất rõ của thông tư liên tịch” - ông Phước nói.

NGÂN NGA

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/vu-go-kho-ap-dung-sai-phap-luat-841972.html